5 loại cỏ mọc dại ven đường là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận

08/11/2024 20:11

Nhọ nồi, cỏ mần trầu, cỏ tranh... là những loại cỏ dại mọc ven đường được Bộ Y tế công nhận là cây thuốc.

Báo VietNamNet dẫn nguồn Bộ Y tế đưa ra tài liệu hướng dẫn nhận biết 70 cây thuốc được sử dụng tại cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Trong đó nhiều loại cỏ mọc dại ven đường. Tuy nhiên, khi sử dụng, người dân cần tham khảo ý kiến của các thầy thuốc có kiến thức vững vàng.

Trong danh sách 70 cây thuốc được sử dụng ở cơ sở khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền có 5 loại cỏ dại mọc ven đường quen thuộc với người dân Việt Nam là: Cỏ nhọ nồi, cỏ tranh, cỏ xước, cỏ mẫn trầu và cỏ sữa lá nhỏ.

Cỏ nhọ nồi

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS Hồng Hải cho biết, cỏ nhọ nồi tên khác cây cỏ mực, hạn liên thảo, mặc hán liên. Cỏ nhọ nồi tính hàn, vị ngọt, chua, lợi về các kinh tỳ, vị, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, mát huyết, cầm máu, bổ gan thận dùng tươi hoặc sấy khô.

Theo tài liệu tại Ấn Độ, cỏ nhọ nồi được dùng trị bệnh gan, vàng da và làm thuốc bổ tổng quát, ăn khó tiêu, choáng váng, chữa đau răng, giúp lành vết thương. Tại Trung Quốc, toàn cây làm chất cầm máu, trị đau mắt, ho ra máu, tiểu ra máu, đau lưng, sưng gan, vàng da.

Tại nước ta, Viện Dược liệu từng nghiên cứu tác dụng cầm máu và độc tính của cỏ nhọ nồi cho thấy, cây có khả năng chống lại tác dụng của dicumarin (thuốc chống đông), cầm máu ở tử cung, tăng trương lực tử cung. Vị thuốc này còn được dùng trong điều trị sốt xuất huyết, bệnh nha chu, trị sưng gan, sưng bàng quang, sưng đường tiểu, trị mụn nhọt đầu đinh, bó ngoài giúp liền xương, hỗ trợ điều trị ung thư và nhiều bệnh khác.

Chú ý: Người viêm đại tràng mạn tính, đại tiện lỏng, sôi bụng không nên dùng cỏ nhọ nồi. Cỏ nhọ nồi không gây giãn mạch, không hạ huyết áp, nhưng có thể gây sẩy thai.

Theo tài liệu của Trung Quốc, để hỗ trợ chữa ung thư, cỏ nhọ nồi được dùng phối hợp với những vị thuốc khác trong ung thư dạ dày, tử cung, xương, bạch huyết, họng. Trong đó, để hỗ trợ chữa ung thư họng, chỉ dùng mỗi vị cỏ mực 50g tươi vắt nước uống hàng ngày hoặc sắc nước uống.

Cỏ tranh

Cỏ tranh còn gọi là bạch mao căn, nhất địa, thuộc họ lúa. Cây có công năng lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau, chữa phiền khát, tiểu tiện khó, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu cam do huyết nhiệt, phù thũng do viêm cầu thận cấp, vàng da. Cách dùng là thái nhỏ cỏ, sắc với nước uống.

Cỏ xước

Cỏ xước còn gọi là hoài ngưu tất, thuộc họ rau dền. Các bài thuốc thường dùng rễ cỏ xước đã phơi, sấy khô. Công năng của loại cỏ này là hoạt huyết, khứ ứ, bổ can thận mạnh gân xương, lợi thủy thông lâm, chữa đau nhức xương khớp, đau lưng, mỏi gối, chân tay co quắp, tê bại, kinh nguyệt không đều, tiểu tiện không thông, tiểu buốt, tiểu rắt. Cách dùng là sắc uống hằng ngày.

Cỏ mần trầu

Cỏ mầu trầu còn có tên là cỏ dáng, cỏ bắc, thiên kim thảo, thanh tâm thảo. Tên khoa học là: Eleusine indica (L.) Gaertn. (Cynosurus indica L.), thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).

5 loại cỏ mọc dại ven đường là cây thuốc được Bộ Y tế công nhận- Ảnh 1.

Cỏ nhọ nồi (trái) và cỏ mần trầu.

Cỏ mần trầu sống hằng năm, rễ mọc khỏe, mọc thành cụm. Thân mọc thẳng, cao chừng 40-60cm, bò dài ở đoạn gốc. Lá mọc cách xa nhau, hình dải, mềm nhẵn, nhọn đầu, dài 10-30cm, rộng 3-7mm; bẹ lá có lông, ôm lấy thân cành. Cụm hoa mọc thành bông, gồm 5-7 bông, mọc ở ngọn và có đến 2 bông khác mọc thấp hơn trên cán hoa, trông giống như những ngón tay; mỗi bông lại mang nhiều hoa nhỏ. Quả thuôn dài, ráp, gần như 3 cạnh, dài 1,5mm, vỏ quả mềm.

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời lương y Hoài Vũ cho biết, để làm thuốc, người ta nhổ toàn cây, liền cả rễ, bỏ tạp chất, phơi khô, cắt ngắn. Có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào đầu thu.

Theo Đông y, cỏ mầu trầu có vị ngọt, tính mát; vào các kinh Can, Phế và Vị; tác dụng thanh nhiệt mát máu, chống bốc nóng, dùng chữa cảm nắng, sốt nóng, máu xông lên đầu, nổi mẩn đỏ, tiểu tiện sẻn, tiểu đục, ngoại thương xuất huyết.

Cỏ sữa lá nhỏ

Cỏ sữa lá nhỏ còn gọi vú sữa đất, thiên căn thảo, cẩm địa, thuộc họ thầu dầu. Cây có khả năng cầm máu, giảm đau, tiêu độc, chỉ lỵ, thông sữa, lợi tiểu, chữa lỵ trực khuẩn và lỵ amip, nhất là cho trẻ em, chữa mụn nhọt, băng huyết, tắc tia sữa. Cỏ có thể dùng để sắc uống trong 5-7 ngày.