Đà Nẵng: Doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều lao động bị ảnh hưởng việc làm

05/12/2022 20:30

(Chinhphu.vn) - Tại Đà Nẵng, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, túi xách, chế biến thủy sản trong các khu công nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất nên đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.

Doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, công suất chỉ còn 60-70%

Là một doanh nghiệp lớn có nhà máy sản xuất tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, dịp cuối năm nay, Nhà máy ống thép Hòa Phát hoạt động cầm chừng hơn so với mọi năm. Trong tháng 10 và 11, nhà máy phải giảm chỉ còn khoảng 60% công suất hoạt động, người lao động phải luân phiên nghỉ làm.

Ông Bùi Tấn Hữu, Giám đốc Nhà máy ống thép Hòa Phát cho biết, áp lực lớn nhất của nhà máy bây giờ là công việc của cán bộ, công nhân viên, làm sao cho họ có thu nhập ổn định để gắn bó với doanh nghiệp. 

Khi công nhân thất nghiệp, không có thu nhập họ sẽ rời bỏ công ty, đơn vị lại phải tuyển dụng mới và mất chi phí đào tạo. Vì vậy, nhà máy bố trí cho 520 công nhân làm việc cầm chừng và nghỉ luân phiên, đảm bảo thu nhập cho công nhân. Chính sách bảo hiểm xã hội công ty vẫn bảo đảm 100% khi cho công nhân nghỉ luân phiên, hưởng 50% lương cơ bản và phụ cấp nhà ở, xăng xe vẫn đảm bảo cho công nhân có thu nhập.

Cũng gặp tình trạng sụt giảm đơn hàng, công ty TNHH Bao bì Tân Long (KCN Hoà Khánh) công suất cũng chỉ đạt 60-70% trong 6 tháng cuối năm. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Bao bì Tân Long cho biết, 6 tháng trở lại đây lượng hàng giảm mạnh 50-60%. Để giải quyết việc làm cho công nhân, xúc tiến tìm kiếm đơn hàng, đơn vị khai thác đủ mọi phương diện như: Giảm giá thành, tiết kiệm chi phí sản xuất tối đa, tổ chức cho người lao động sản xuất một cách hợp lý… Vì vậy sản phẩm vẫn cung ứng cho khoảng hơn 400 khách hàng, doanh thu đạt khoảng 70%.

"Mặc dù sản lượng ít, lương giảm nhưng 100% công nhân (khoảng 420 lao động) vẫn có việc làm. Tùy bộ phận, chỗ công việc nhiều thì chuyển lực lượng chưa có công việc đến phân bổ lại công đoạn. Người nào cũng được làm, được phân bổ công việc", bà Hà cho hay.

Đảm bảo quyền lợi của người lao động nghỉ việc

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Đà Nẵng tháng 11 và 11 tháng được Cục Thống kê TP. Đà Nẵng công bố ngày 1/12, trong thời gian qua một số ngành hàng không ký kết được hợp đồng, bị gián đoạn khâu cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.

Theo Cục thống kê Đà Nẵng, tình hình này đã buộc doanh nghiệp phải áp dụng phương án cắt giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ việc tạm thời để duy trì bộ máy hoạt động của đơn vị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chỉ số sử dụng lao động trên địa bàn tăng không đáng kể so với tháng trước (+0,4%) và có xu hướng giảm (-2,7%) so với tháng cùng kỳ năm 2021.

Liên quan vấn đề này, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (KCNC&CKCN) cho biết, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến khó lường đã tác động mạnh đến hoạt động thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Tại Đà Nẵng, một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may, túi xách, chế biến thủy sản trong các khu công nghiệp đang gặp khó khăn về đơn hàng và nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất nên đã ảnh hưởng đến việc làm của người lao động. Cụ thể là không tổ chức làm tăng ca, hoặc giảm lao động, cho người lao động nghỉ phép năm… Theo thông tin sơ bộ, đã có 8 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, người lao động làm việc luân phiên, giảm lao động. Số lượng lao động bị tác động là 1.064 người.

Trước tình hình này, Ban Quản lý đã gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin báo cáo số liệu thống kê định kỳ, trong đó có số liệu về biến động lao động. Các doanh nghiệp sẽ gửi phản hồi về Ban Quản lý vào ngày 5/12 để tổng hợp số liệu thống kê, nắm rõ tình hình, trên cơ sở đó báo cáo đề xuất UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đảm bảo quyền lợi của người lao động nghỉ việc (nếu có) theo quy định.

Về phần mình, Ban Quản lý cho biết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đặc biệt là hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý nhanh các thủ tục hành chính; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời rà soát các doanh nghiệp, đối với những ngành không bị ảnh hưởng và có nhu cầu tuyển thêm lao động thì sẽ giới thiệu, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp để người lao động bị mất việc tìm kiếm cơ hội việc làm mới.

Cùng với đó, Ban Quản lý cho biết sẽ phối hợp với Công đoàn KCNC&CKCN, các ngành để thăm hỏi, động viên, chăm lo đời sống cho công nhân lao động trong dịp cuối năm, nhất là lao động có hoàn cảnh khó khăn, xa nhà. Đồng thời tổ chức phiên chợ công nhân, trao phiếu mua hàng, tổ chức các chuyến xe đưa đoàn viên, người lao động về quê đón Tết...

Minh Trang


Bạn đang đọc bài viết "Đà Nẵng: Doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều lao động bị ảnh hưởng việc làm" tại chuyên mục Quản trị. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.