Diễn biến thị trường hàng hóa thế giới sau động thái mới của Fed

26/09/2024 16:12

(Chinhphu.vn) - Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết lực mua tiếp tục chiếm ưu thế đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index ngày 19/9 (1 ngày sau quyết định hạ lãi suất của Fed) tăng 1,02% lên mức 2.155 điểm, nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ 7.

Diễn biến thị trường hàng hóa thế giới sau động thái mới của Fed- Ảnh 1.

Đáng chú ý là thị trường nông sản với nhiều mặt hàng quay đầu giảm giá sau hai phiên tăng nhẹ bất chấp xu hướng chung của toàn thị trường. Trong khi sắc xanh bao phủ ba nhóm còn lại là nguyên liệu công nghiệp, kim loại và năng lượng.

Giá ngũ cốc đồng loạt lao dốc sau kết quả xuất khẩu của Mỹ

Giá ngô hợp đồng tháng 12 quay đầu lao dốc 1,7% trong phiên giao dịch ngày 19/9 và xóa đi hoàn toàn mức tăng tích lũy được trong 4 phiên trước. Áp lực từ vụ thu hoạch đang đẩy mạnh cùng số liệu xuất khẩu không mấy ấn tượng của Mỹ là yếu tố chính gây áp lực lên diễn biến giá ngô trong phiên hôm qua.

Diễn biến thị trường hàng hóa thế giới sau động thái mới của Fed- Ảnh 2.

Trong báo cáo Bán hàng xuất khẩu (Export Sales) hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết nước này đã bán 847.350 tấn ngô niên vụ 2024-2025 trong tuần kết thúc ngày 12/9, tăng 27% so với một tuần trước đó và nằm trong khoảng dự đoán trước của thị trường. Tuy có sự cải thiện, nhưng số liệu bán hàng ngô của Mỹ trong tuần đánh giá đã không gây ấn tượng cho thị trường và chỉ phần nào thu hẹp đà giảm của giá ngô.

Bên cạnh đó, Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC) hạ dự báo sản lượng ngô toàn cầu niên vụ 2024-2025 xuống còn 1,22 tỷ tấn, giảm 2 triệu tấn so với ước tính trước. Điều này khiến tồn kho ngô thế giới cuối vụ giảm 1 triệu tấn xuống còn 276 triệu tấn. Động thái điều chỉnh dự báo của IGC đã góp phần hỗ trợ giá ngô.

Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của cả nhóm nông sản trong phiên hôm qua với mức giảm lên tới 1,78%. Phe bán chiếm ưu thế áp đảo ngay sau khi mở cửa, trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu của Mỹ ghi nhận kết quả tiêu cực cũng như phải đối mặt với sự cạnh tranh bởi nguồn cung từ Biển Đen.

Theo dữ liệu từ báo cáo Export Sales, Mỹ đã bán trên 246.300 tấn lúa mì niên vụ 2024-2025 trong tuần kết thúc ngày 12/9, giảm tới 48% so với một tuần trước và nằm dưới khoảng dự đoán của thị trường. Con số trên cho thấy nhu cầu quốc tế đối với lúa mì Mỹ có sự suy giảm đáng kể và gây áp lực lớn lên giá.

IGC trong báo cáo tháng này cũng hạ dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu xuống còn 798 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với ước tính trước. Tuy nhiên, mức cắt giảm dự báo này không đáng kể nên phần nào thu hẹp đà giảm của giá lúa mì trong phiên hôm qua.

Diễn biến thị trường hàng hóa thế giới sau động thái mới của Fed- Ảnh 3.

Giá cà phê giằng co bất chấp CONAB mạnh tay cắt giảm sản lượng tại Brazil

Khép lại phiên giao dịch ngày 19/9, mặc dù xu hướng chung của cả nhóm nguyên liệu công nghiệp là tăng giá nhưng hai mặt hàng cà phê lại có những diễn biến giằng co trước tác động trái chiều từ nguồn cung và yếu tố vĩ mô. Kết phiên, giá cà phê Arabica giảm 1,04% và giá cà phê Robusta thấp hơn 1,61% so với tham chiếu.

Diễn biến đáng chú ý khác là giá đường 11 đã có phiên thứ 4 tăng liên tiếp và lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng rưỡi. Lo ngại thu hẹp sản xuất tại Brazil, quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới tiếp tục là yếu tố chính hỗ trợ giá. Công ty Centro de Tecnologia Canaviera (CTC) dự báo năng suất mía vụ 2024-2025 tại vùng Trung Nam, khu vực sản xuất trọng điểm của Brazil tính đến hết tháng 8 đã giảm 7,4% so với mùa trước. Thời tiết khô hạn và cháy rừng tại quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới là nguyên nhân hàng đầu khiến năng suất bị sụt giảm.