Dự án khu nhà ở “treo” 20 năm: Hệ lụy còn kéo dài đến bao giờ?

26/05/2023 08:30

Công ty Trường Thịnh vốn là doanh nghiệp Nhà nước, năm 2016 được bán lại cho một cá nhân với giá hơn 20 tỷ đồng. Từ đây, xảy ra hàng loạt vấn đề liên quan dự án này.

Nguồn gốc Nhà nước

Theo hồ sơ mà PV có được, Dự án Xây dựng hạ tầng khu nhà ở tại phường Bình An, quận 2 (nay là phường An Khánh, Tp.Thủ Đức) do Công ty Xây dựng - May thêu Trường Thịnh (sau này là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Thịnh) làm chủ Đầu tư.

Công ty Xây dựng - May thêu Trường Thịnh vốn thuộc Liên đoàn Lao động Tp.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 3ha đất để xây dựng hạ tầng khu nhà ở tại phường An Khánh, với diện tích xây dựng nhà ở là gần 16.000m2, diện tích công trình công cộng là trên 15.000m2, để bán cho cán bộ công nhân viên chức theo quy định của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở.

Bất động sản - Dự án khu nhà ở “treo” 20 năm: Hệ lụy còn kéo dài đến bao giờ?

Dự án Khu dân cư Trường Thịnh "treo" gần 20 năm khiến nhiều người dân khổ sở đi đòi quyền lợi.

Vốn đầu tư dự án là vốn ứng trước của khách hàng, vốn liên doanh, vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay ngân hàng (không có vốn ngân sách Nhà nước). Tuy nhiên, là đến ngày 6/7/2006, Liên đoàn Lao động Tp.HCM ban hành Quyết định số 32/QĐ-LDLĐ chuyển đổi Công ty Xây dựng - May thêu Trường Thịnh thành Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Trường Thịnh.

Đến ngày 29/7/2016, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam có Quyết định (số 1313/QĐ-TLĐ) về việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Trường Thịnh và ngày 23/8/2016 có Quyết định (số 1453/QĐ-TLĐ) về việc phê duyệt phương án tổ chức bán công ty này.

Khoảng 2 tháng sau, ngày 14/10/2016, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam ban hành Quyết định (số 1678/QĐ-TLĐ) về việc phê duyệt kết quả bán đấu giá doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Trường Thịnh và đến ngày 27/10/2016, Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Trường Thịnh, Liên đoàn Lao động Tp.HCM đại diện cho cơ quan quyết định bán doanh nghiệp, ký hợp đồng mua bán (số 05/2016/HĐLĐ) cho ông Phạm Hoàng Kiệt với giá hơn 20 tỷ đồng (chính xác là 20,250 tỷ đồng).

Đến ngày 21/11/2016, Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Trường Thịnh có thông báo về việc hoàn thành bán doanh nghiệp đến Sở Kế hoạch - Đầu tư, đồng thời, chuyển đổi hình thức doanh nghiệp thành Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trường Thịnh, với vốn điều lệ là 550 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng, nhà bao che công nghiệp, kinh doanh nhà ở, sản xuất mua bán vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất. Công ty này có trụ sở tại số 336 An Dương Vương, phường 4, quận 5.

Né người dân, khách hàng

Kể từ thời điểm bán cho tư nhân, cũng xảy ra hàng loạt lùm xùm liên quan đến chủ đầu tư, dự án khu nhà ở tại phường An Khánh và hàng loạt dự án liên quan.

Bất động sản - Dự án khu nhà ở “treo” 20 năm: Hệ lụy còn kéo dài đến bao giờ? (Hình 2).

Một góc trong khu vực dự án biến thành nơi bỏ rác của người dân trong khu vực.

Làm việc với PV, ông Vũ Công Thuần, người dân đang chờ nên tái định cư trong dự án cho hay: “Trước đây, chúng tôi làm việc với Công ty Trường Thịnh (thời điểm còn thuộc Liên đoàn Lao động Tp.HCM) thì mọi việc rất ổn, lãnh đạo gặp gỡ, phối hợp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, khi bán cho tư nhân đến nay, công ty này luôn thoái thác trách nhiệm, né tránh, không gặp gỡ, đối thoại với người dân, khách hàng”.

Dù đến nay, nền đất trong dự án, không thuộc diện tái định cư đã được Công ty Trường Thịnh bán hết (theo dạng khách hàng góp vốn và đã đóng đến 95%) tuy nhiên, lại không giao các nền đất tái định cư cho người dân hay không bàn giao nền đất đã bán cho khách hàng trong dự án. Từ đây, họ đặt câu hỏi, Công ty Trường Thịnh có năng lực để thực hiện dự án tiếp hay không?. 

Hiện, người dân/khách hàng đang rất bức xúc để đi đòi lại quyền lợi chính đáng của mình. “Chúng tôi đi đòi quyền lợi chính đáng của mình, các cơ quan chức năng lại đùn đẩy trách nhiệm, trên chỉ xuống, dưới lại nói lên trên và người dân lãnh đủ.

Đất đai của chúng tôi có nguồn gốc hợp pháp, bây giờ cơ quan chức năng lại bắt chúng tôi đi kiện để đòi lại chính đất của mình, liệu có còn lương tâm, trách nhiệm ở đây hay không? Trong khi bản thân những người dân như chúng tôi là người ít hiểu biết về pháp luật, ít có tiền bạc, thời gian”, ông Phạm Văn Hùng, người dân đang chờ nền tái định cư tại dự án chia sẻ với.

Tương tự, ông Thuần cũng cho biết: “Chúng tôi đề nghị chuyển dự án này sang cơ quan điều tra để điều tra xem xét, xử lý trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Nếu chúng tôi sai thì cơ quan chức năng xử lý và dân chúng tôi chịu.

Còn đối với chủ đầu tư đang có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản thì cũng phải xử lý đến nơi đến chốn và đặc biệt là phải sớm đưa dự án khởi động trở lại, giao nền đất cho người dân xây nhà. Ở đây có lỗi cả của chính quyền, bởi chủ đầu tư chây ì thời gian dài nhưng không hề xử lý, dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay”.

Chí Thanh - An Bình

Xem thêm: Dự án khu nhà ở “treo” 20 năm: Vì sao “treo” dự án hơn 20 năm? (Bài 2)

>>>Nghịch cảnh dự án khu nhà ở “treo” 20 năm tại Tp.Thủ Đức
 

Bạn đang đọc bài viết "Dự án khu nhà ở “treo” 20 năm: Hệ lụy còn kéo dài đến bao giờ?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.