Hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam: 100% do kỹ sư người Việt xây dựng, vượt tiến độ 2,5 tháng, rút ngắn thời gian "vượt đèo" xuống còn 6 phút

19/11/2024 16:30

Thay vì mất 30 phút di chuyển trên cung đường đèo đầy nguy hiểm dài hơn 7km, giờ đây người dân có thể đi qua hầm đường bộ đèo Cù Mông nối 2 tỉnh Bình Định - Phú Yên chỉ với vẻn vẹn 6 phút.

Hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam: 100% do kỹ sư người Việt xây dựng, vượt tiến độ 2,5 tháng, rút ngắn thời gian "vượt đèo" xuống còn 6 phút- Ảnh 1.

Trước đây, khi đi qua cung đường hiểm trở Đèo Cả, Cù Mông, tai nạn giao thông thảm khốc liên tục xảy ra, đến nỗi lực lượng Cảnh sát giao thông các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà phải chấm hàng chục "điểm đen tai nạn" tại mỗi đèo. Thậm chí, có giai đoạn người ra không ai gọi điểm đen nữa, bởi chỗ nào trên đèo cũng tiềm ẩn tai nạn.

Dự án đường bộ xuyên đèo Cù Mông có chiều dài lớn hơn 6,6km, trong đó phần hầm có chiều dài gần 3km, vận tốc thiết kế 80km/giờ với tổng mức đầu tư 3.921 tỷ đồng đã chính thức được khánh thành và bắt đầu hoạt động và cuối tháng 1/2019 sau hơn 3 năm xây dựng.

Được biết, dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả là công trình có tính phức tạp nhất từ trước đến nay tại khu vực Nam Trung Bộ, được các doanh nghiệp, nhà thầu trong nước thi công trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại của thế giới.

Khu vực thi công đèo Cù Mông rất phức tạp và để tránh những đới đứt gãy địa chất lớn, các chuyên gia, kỹ sư buộc phải thi công theo đường cong vòng cung nhằm giảm thiểu hiện tượng sụt trượt đất, đá. Lực lượng cứu hộ, phòng cháy chữa cháy thay phiên nhau túc trực 24/24h đảm bảo an toàn.

Giai đoạn "khó nhằn" nhất là đào thông hai đầu hầm mất tới 18 tháng. Chủ đầu tư đã tận dụng khoảng 30% lượng vật liệu đất, đá sau khi đào để làm vỏ hầm và nền đường. Nhờ kinh nghiệm tích lũy từ quá trình xây dựng hầm Ðèo Cả, tốc độ thi công tăng gấp hai lần, đạt 12 m đốt vỏ hầm/ngày. Cũng nhờ kinh nghiệm và sự nhanh nhạy, trong quá trình thi công, các kỹ sư, công nhân Việt Nam đã có những ý tưởng, biện pháp kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. 

Ngoài ra, để thực hiện công tác giám sát, quản lý chất lượng, chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Liên danh tư vấn Apave (Pháp) - A2Z (Việt Nam) và huy động các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế thực hiện; bên cạnh đó, ký hợp đồng với Trường đại học Xây dựng tiến hành kiểm định chất lượng công trình trong suốt quá trình triển khai xây dựng.

Dịp Tết Kỷ Hợi 2019 là năm đầu tiên công trình hầm Cù Mông đưa vào khai thác nên hàng trăm kỹ sư, công nhân thi công ngày đêm trên công trường.

Hầm xuyên núi gần 4.000 tỷ dài thứ 3 Việt Nam: 100% do kỹ sư người Việt xây dựng, vượt tiến độ 2,5 tháng, rút ngắn thời gian "vượt đèo" xuống còn 6 phút- Ảnh 2.

Bên trong đường bộ xuyên đèo Cù Mông

Sau lễ khánh thành, hầm đường bộ Cù Mông trở thành hầm thứ ba dài nhất ở Việt Nam, xếp sau hầm Hải Vân (dài hơn 6,28km) khánh thành vào tháng 6 năm 2005 và hầm Đèo Cả (dài hơn 4km) mở cửa thông xe vào tháng 7 năm 2017. Việc đưa công trình vào hoạt động giúp xe cộ tránh khỏi tình trạng lưu thông trên đoạn đèo nguy hiểm, đồng thời giảm thời gian di chuyển từ 30 phút xuống chỉ còn 6 phút.

Dự án hầm xuyên đèo Cù Mông còn đi kèm với hai đường dẫn, một ở phía bắc đầu của Bình Định và một ở phía nam của Phú Yên, tổng chiều dài là hơn 4km. Theo thông tin từ chủ đầu tư, tuyến hầm không chỉ rút ngắn quãng đường (so với đường vòng dài hơn 9km như trước đây) mà còn đóng góp vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông trên “điểm đen” của quốc lộ 1, khu vực giữa Bình Định và Phú Yên.

So với đèo Cả, địa chất tại khu vực xây dựng hầm đèo Cù Mông có độ phức tạp cao hơn do tầng đá ở đây trải qua quá trình phong hóa mạnh. Mặc dù gặp phải những khó khăn và thách thức đặc biệt từ địa hình phức tạp nhưng công trình vẫn được  “cán đích” trước yêu cầu tiến độ ban đầu. Điều đáng chú ý là toàn bộ quá trình xây dựng hầm đèo Cù Mông đã được thực hiện hoàn toàn bởi người Việt Nam.

Sự thành công của dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả đã tăng thêm niềm tin của Chính phủ đối với dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông. Thành công lớn nhất của các dự án hạ tầng giao thông có độ phức tạp, khó khăn như hầm đường bộ là đã hình thành được bộ cán bộ, kỹ sư giỏi, đủ khả năng thực hiện nhiều dự án mà trước kia chỉ có nhà thầu quốc tế đảm nhận.

Đáng chú ý, chủ đầu tư cũng đã đặc biệt chú trọng vào việc tạo cảnh quanh phù hợp với văn hoá và lịch sử thông qua việc tổ chức các cuộc thi thiết kế. Đây là một nỗ lực nhằm kết hợp giữa công nghệ xây dựng và bảo vệ môi trường, tạo nên một tuyến đường không chỉ đáp ứng nhu cầu giao thông mà còn góp phần to lớn vào việc bảo vệ và thúc đẩy giá trị văn hoá, lịch sử của địa phương.

Trong quá trình thi công hầm Ðèo Cả, nhà đầu tư cũng đã tiết giảm hơn 4.000 tỷ đồng, sử dụng phần vốn này đầu tư xây hầm Cù Mông. Việc đưa hầm Cù Mông về đích trước thềm Xuân mới, vượt tiến độ 2,5 tháng có ý nghĩa rất lớn, mở ra cơ hội phát triển cho khu vực Bình Ðịnh và Phú Yên và một lần nữa khẳng định trình độ làm chủ công nghệ tiên tiến trong thi công hầm của các kỹ sư Việt Nam.