Hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh khi nguồn cung trong nước đang dồi dào

08/12/2022 16:30

Từ thuận lợi của nguồn cung trong nước, các doanh nghiệp được khuyến khích tăng cường chế biến sâu thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ và đa dạng hoá các sản phẩm thịt.

Nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam Bộ đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước cũng như xuất khẩu, Diễn đàn Kết nối nông sản 970 đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề: “Kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam Bộ”.

Phát biểu tại diễn đàn ​​ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam nhận định: “Đông Nam Bộ là vùng trọng điểm phía Nam, đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm”.

Tiêu dùng & Dư luận - Hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh khi nguồn cung trong nước đang dồi dào

​​Ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam (Ảnh: Báo Nông nghiệp).

Theo ông Phương, sau quá trình theo dõi và phân tích 11 tháng qua, nguồn cung thịt gà trong nước đang ổn định với đặc điểm gà công nghiệp lông trắng có mức biến động giá phức tạp nhất với biên độ biến động cao. Ngoài ra, giá gà lông màu tương đối ổn, nhưng không đem lại lợi nhuận cao, bà con lãi ít. 

Từ thực tế trên, ông Phương đã đề xuất một số giải pháp nhằm giảm giá thành và giảm nhập khẩu gà đông lạnh, đồng thời khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu khi nguồn cung trong nước đang dồi dào.

Theo thông tin từ sự kiện, tổng lượng thịt nước ta sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và trứng gia cầm, thủy cầm là 17 tỷ quả/năm. Số lượng thịt và trứng sản xuất ra chủ yếu là tiêu thụ nội địa, thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa, cửa hàng nông sản an toàn và các chợ truyền thống.

Do đó, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam đề cập giảm giá bán lẻ để kích cầu tiêu thụ, đồng thời tạp động lực để các doanh nghiệp tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm. Từ đó, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm từ thịt gia cầm, đem lại sự bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng. 

Về phía các doanh nghiệp, ông Phương khuyến cáo người dân chăn nuôi an toàn sinh học, tuyệt đối thực hiện nghiêm chăn nuôi an toàn sinh học để kiểm soát dịch bệnh; tích cực chuyển đổi số để nắm bắt thông tin cung cầu trên thị trường; cải tiến chính sách chuỗi liên kết và nhân rộng mô hình chuỗi liên kết. 

Ngoài ra, ông Phương cũng đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng, giúp giảm khó khăn cho nông dân, xem xét phương án phù hợp hỗ trợ người chăn nuôi.

Theo ông Vũ Cường, Trưởng phòng Phát triển thị trường, với đặc điểm thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, ngành thịt và trứng cần tổ chức sản xuất theo chuỗi có liên kết hoặc hình thức hợp nhất. Phát triển các hình thức liên kết qua mô hình HTX, thông qua cơ chế chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi.

Tiêu dùng & Dư luận - Hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh khi nguồn cung trong nước đang dồi dào (Hình 2).

Bình Dương chủ động số lượng thịt, trứng dồi dào, đảm bảo cung ứng và phục vụ Tết.

Bên cạnh đó, ông Cường nhấn mạnh việc chú trọng hợp đồng cung cấp nguồn lực; hợp đồng tiêu thụ, tổ chức kết nối các tác nhân trong chuỗi; thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất dựa theo nhu cầu thị trường và theo hợp đồng liên kết.

Ngoài ra, ông Vũ Cường cũng khuyến nghị liên kết theo chuỗi để đủ năng lực hướng tới thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh đầu tư cho khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng và thúc đẩy thị hiếu tiêu thụ.

Từ góc nhìn địa phương, theo đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương, ước tính trong năm 2022, toàn tỉnh có 112 cơ sở được chứng nhận VietGAP, trong đó gồm 9 cơ sở chăn nuôi, 103 trồng trọt. Trên địa bàn hiện xây dựng được 198 trang trại an toàn dịch bệnh, chất lượng sản phẩm chăn nuôi được đảm bảo tốt. Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng được 27 chuỗi liên kết cung ứng các sản phẩm an toàn. 

Thông tin về thị trường thịt, trứng cuối năm và phục vụ Tết, đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương cho biết tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, nhìn chung số lượng hàng hóa rất dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân địa phương và các tỉnh thành lân cận.

Đại diện Sở NN-PTNT Bình Dương đề xuất các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, từng bước xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thành các chuỗi, các cơ sở sản xuất quy mô lớn giúp giảm giá thành, mang lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, không sản xuất theo phong trào, người chăn nuôi nên tìm hiểu thị trường, kết nối được đầu ra trước khi bắt tay sản xuất.

Bạn đang đọc bài viết "Hạn chế nhập khẩu gà đông lạnh khi nguồn cung trong nước đang dồi dào" tại chuyên mục Kinh doanh. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.