Quốc hội sửa Luật Đất đai: Kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp

26/01/2023 08:00

Quản lý đất đai, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ tối đa cho DN và người dân, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai càng trở nên cấp thiết.

Sửa Luật Đất đai khó do liên quan nhiều luật khác

Sau 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho sự phát triển chung của toàn nền kinh tế - xã hội, đồng thời giúp bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Dù vậy, trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai đã phát sinh thêm nhiều vấn đề mới từ đó bộc lộ một số điểm thiếu xót, bất cập.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV lần đầu cho ý kiến về Dự án Luật đất đai sửa đổi. Đây là dự án đặc biệt quan trọng, nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội và các đại biểu Quốc hội. 

Chia sẻ quan điểm về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhận xét Luật Đất đai là đạo luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, Luật Đất đai là một điều luật khó cho nên Quốc hội đã phải cân nhắc, tính toán rất kỹ và đề cao tinh thần trách nhiệm.

Bất động sản - Quốc hội sửa Luật Đất đai: Kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp

Ông Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Theo đó, điều khó nhất khi tiến hành sửa đổi Luật Đất đai là việc sửa luật này liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau, theo thống kê liên quan tới 112 đạo luật khác, có nhiều nội dung khi sửa Luật này thì kéo theo vấn đề phải sửa Luật khác. Vì vậy đây là vấn đề rất lớn, việc sửa đổi là hết sức cần thiết, liên quan đến lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội.

“Vừa qua Trung ương đã ra Nghị quyết 18 là một cơ sở hết sức quan trọng, trong đó nêu lên 10 nội dung, chính sách lớn, nội dung mới là cơ sở chính trị quan trọng, thuận lợi cho ban sửa đổi và khi tiến hành sửa đổi Luật này là cụ thể hóa những chính sách, chủ trương đó. Việc sửa đổi Luật Đất đai tồn tại những vấn đề mà phải quyết tâm làm thì mới có thể sửa được”, ông Phàn khẳng định.

Luật Đất đai phải là động lực phát triển kinh tế

Đồng quan điểm với ông Trần Công Phàn, Đại biểu Quốc hội khoá XV Vũ Tiến Lộc cho rằng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những Luật được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.

Đặc biệt, ông Lộc nhấn mạnh sửa đổi luật là phải tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

"Làm sao cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được đất đai với mức giá hợp lý để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", Đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Đại biểu nêu rõ, hiện nay vấn đề nguồn vốn đang là điều được cả cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đặc biệt quan tâm. Do đó, việc tiếp cận đất đai dễ dàng hơn đồng nghĩa các doanh nghiệp có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Ngược lại, nếu không tiếp cận được tín dụng, thì nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tài sản mới.

Bất động sản - Quốc hội sửa Luật Đất đai: Kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp (Hình 2).

Đại biểu Quốc hội khoá XV Vũ Tiến Lộc.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết rất tán thành việc ngay từ tên gọi của Nghị quyết 18 của Trung ương Đảng đã thể hiện rất rõ mục tiêu, yêu cầu của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải tạo ra được một động lực đưa đất nước ta trở thành một nước có thu nhập cao.

Theo đó, nếu thực hiện mục tiêu này thì phải đưa nhiệm vụ trọng tâm của việc sửa đổi luật là phải nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

“Trong mọi trường hợp, việc quyết định giá hay phê duyệt giá thì mục tiêu cao nhất không phải là chúng ta thu được nhiều tiền, không phải là người dân thu được nhiều tiền nhất mà vấn đề làm sao cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được đất đai với mức giá hợp lý để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Bước vào những ngày tháng đầu tiên của năm 2023, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, năm 2023 nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức mới. Vì vậy, hoàn thiện sửa Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề đã và đang tồn đọng trên thị trường.

Đồng thời, sửa luật sẽ có sức ảnh hưởng lan tỏa mạnh mẽ đối với hệ thống pháp luật khác về kinh tế, sẽ thực sự khai phá những nguồn lực phát triển đất nước, thực sự tạo ra một môi trường thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, đảm bảo sự an toàn cho người dân và doanh nghiệp khi tiến hành các hoạt động xuất kinh doanh.

Bạn đang đọc bài viết "Quốc hội sửa Luật Đất đai: Kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.