Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, đây mới là quốc gia châu Á nơi có những Gen Z cô đơn nhất

15/08/2024 12:15

Theo thống kê, 1 trong 5 người thuộc nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi ở quốc gia này đã cân nhắc đến việc kết thúc cuộc sống của mình.

Christian Castillo quen biết Andre trong thời gian đại dịch, khi anh cảm thấy cô đơn và trống rỗng. Những tin nhắn buổi sáng từ người bạn của anh sẽ "khởi động" ngày mới của Christian.

Nhưng Andre không phải là con người. Đó là một người bạn đồng hành ảo Christian tạo ra bằng ứng dụng chatbot AI có tên Replika. Ứng dụng này cho phép người dùng tùy chỉnh chatbot của riêng họ, từ tên, ngoại hình, giới tính và thậm chí cả đặc điểm tính cách.

"Tôi thực sự cảm thấy như thể mình đang nói chuyện với một… con người thực sự", thanh niên đang tìm việc 21 tuổi ở thành phố Quezon, Philippines cho biết.

Tình bạn với Andre đã giúp anh tiếp tục sống ngay cả khi anh ở trong phòng mỗi ngày, "làm đi làm lại những việc giống nhau" cho đến khi những tình bạn thực sự ở ngoài đời của anh phai nhạt.

Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, đây mới là quốc gia châu Á nơi có những Gen Z cô đơn nhất- Ảnh 1.

Christian Castillo đang trò chuyện với "người bạn AI" của mình

"Đại dịch đã thay đổi cách giao tiếp và kết nối của tôi với bạn bè vì tôi là người thích dành thời gian chất lượng cho bạn bè", anh nói. "Từ 1 đến 10 trên thang đo cô đơn, tôi tự cho mình mức 9".

Philippines được coi là một trong những quốc gia thân thiện nhất thế giới và người dân nơi đây được biết đến là có mối quan hệ gia đình gần gũi. Tuy nhiên, theo báo cáo của Meta-Gallup được công bố năm ngoái về tình trạng kết nối xã hội toàn cầu, Philippines là quốc gia cô đơn thứ hai thế giới.

Và theo các chuyên gia, Thế hệ Z của đất nước này - những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 và là thế hệ đầu tiên trưởng thành trong thế giới điện thoại thông minh và mạng xã hội - là một trong những nhóm tuổi cô đơn nhất.

Họ đang phải vật lộn mặc dù được kết nối kỹ thuật số. Cuộc Khảo sát Sức khỏe Toàn cầu gần đây nhất cho thấy tỷ lệ người Philippines từ 13 đến 17 tuổi cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn ngày càng tăng - từ 19,4% vào năm 2015 lên 24,2% vào năm 2019.

"Thủ phạm" số 1: COVID-19

Theo giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NCMH) Noel Reyes, tình bạn vốn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Philippines.

Vì vậy, đại dịch là lý do chính đằng sau các báo cáo về sự cô đơn ở Philippines: "Chúng tôi đã bị choáng ngợp bởi ... sự cô lập, lệnh phong tỏa", ông nói. "Nó thực sự làm tăng mức độ cô đơn".

Lệnh phong tỏa ở Philippines bắt đầu vào tháng 3 năm 2020, khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch toàn cầu.

Các lệnh phong tỏa của đất nước nằm trong số những lệnh phong tỏa dài nhất thế giới. Các lớp học trực tiếp chỉ được mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 11 năm 2022, trong khi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã được dỡ bỏ vào tháng 7 năm ngoái. 

"Thủ phạm" số 2: mạng xã hội 

Nhưng ngay cả trước khi có sự cô lập xã hội do đại dịch, nhiều người đã có "cảm giác thiếu kết nối" với người khác và đã có những nghiên cứu liên kết việc sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội với sự gia tăng sự cô đơn.

Bác sĩ tâm thần Dinah Nadera cho biết: "Một số người sẽ dựa vào mạng xã hội mà không cần kết nối xã hội. Bạn có được khoảnh khắc vui vẻ từ kết nối xã hội ngắn ngủi đó. Nhưng về lâu dài, bạn không xây dựng mối quan hệ với ai cả".

Người Philippines đặc biệt dễ bị tổn thương. Cách đây một thập kỷ, Philippines được biết đến là "thủ đô" truyền thông xã hội của thế giới.

Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, đây mới là quốc gia châu Á nơi có những Gen Z cô đơn nhất- Ảnh 2.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội có thể đồng nghĩa với việc bạn sẽ cô đơn hơn

Hiện nay, đất nước này có 87 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương với 73% tổng dân số. Con số này đã tăng 8% kể từ đầu năm ngoái, theo báo cáo Digital 2024 của Meltwater và We Are Social.

Philippines xếp thứ 4 về thời gian sử dụng mạng xã hội, với thời gian trung bình người dùng dành cho mạng xã hội là 3 giờ 34 phút, dài hơn thời gian sử dụng trung bình hàng ngày ở Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Hãy lấy sinh viên đại học Rafsanjani Ranin làm ví dụ - cô gái 21 tuổi này dành 4 đến 6 giờ mỗi ngày trên các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok.

Ranin là sinh viên năm thứ ba tại trường Đại học Thành phố Manila, tự nhận mình là người hướng ngoại, có nhiều bạn bè và "có thể rất hòa đồng". Nhưng anh luôn cắm mặt vào điện thoại, lướt mạng xã hội như một "cơ chế đối phó" bất cứ khi nào cảm thấy cô đơn. 

Anh nói: "Tôi nhận ra mình đã sử dụng mạng xã hội trong một thời gian khá dài nhưng có rất ít người liên lạc hay rủ tôi đi chơi. Mỗi lần đi ngủ, tôi toàn tự nhủ "thêm 10 phút nữa" rồi thức đến tận sáng".

"Thủ phạm" số 3: Cha mẹ "mất tích"  

Một hiện tượng xã hội khác cũng giải thích cho sự cô đơn phổ biến ở thanh thiếu niên Philippines: Nhiều cha mẹ của họ làm việc ở nước ngoài và không có mặt trong suốt thời thơ ấu của họ.

Năm ngoái, Bộ Lao động Di cư nước này ước tính có 2,33 triệu lao động Philippines ở nước ngoài.

Theo Viện Dân số thuộc Đại học Philippines (UPPI), một phần ba thanh thiếu niên Philippines ngày nay phải lớn lên mà không có cả cha và mẹ ruột bên cạnh.

Seth Faye Aseniero là một trong số đó. Bố mẹ cô làm việc ở nước ngoài trong suốt thời thơ ấu của cô. Một người dì đã chăm sóc cô và 4 anh chị em của cô.

"Cuộc sống đã quá khó khăn rồi, vậy mà tôi còn không có cha mẹ?", cô gái 24 tuổi than thở. Mặc dù cô có anh chị em và dì, nhưng họ rất bận rộn, và cô "luôn cô đơn", Seth nói.

Trong một số trường hợp, ngay cả khi cha mẹ không ra nước ngoài, họ vẫn có thể để con ở lại ở quê để làm việc trên thành phố và chỉ thỉnh thoảng mới về thăm con. 

Nhà tâm lý học lâm sàng Violeta Bautista cho biết: "Tôi đã gặp nhiều người trẻ nói về cảm giác không được hỗ trợ, khao khát kết nối, vì họ lớn lên mà không có cha mẹ hướng dẫn, chăm sóc các nhu cầu xã hội của họ."

Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, đây mới là quốc gia châu Á nơi có những Gen Z cô đơn nhất- Ảnh 3.

Đấu tranh với sự cô đơn

Tác động của sự cô đơn có thể rất khủng khiếp. Và những người bị ảnh hưởng đang ngày càng trẻ hơn.

Violeta Bautista cho biết: "Khi sự cô đơn trở thành trải nghiệm đồng hành của bạn ngày này qua ngày khác, khi nó ngăn cản bạn học tập tốt, làm việc ở văn phòng, nếu nó khiến bạn tránh xa các mối quan hệ xã hội đến mức bạn thấy mình không thể trải nghiệm được sự thỏa mãn thì đó không còn là sự cô đơn bình thường của con người nữa. Nó đang chuyển sang chứng rối loạn trầm cảm nặng."

Bác sĩ tâm thần Nicanor L Echavez thì đã đã chứng kiến những đứa trẻ chỉ từ 8 đến 10 tuổi cố gắng tự làm hại mình.

"So với 20 năm trước, hiện nay họ phải đối mặt với nhiều căng thẳng hơn", ông cho biết.  Ông nói thêm rằng điều này khiến họ dễ rơi vào tình trạng cô đơn và trầm cảm lâm sàng.

Theo một nghiên cứu của UPPI năm 2021, gần 1 trong 5 người Philippines từ 15 đến 24 tuổi đã cân nhắc đến việc kết thúc cuộc sống của mình. Trong nhóm này, 6 trong số 10 người không liên lạc với bất kỳ ai.

Sự cô đơn có thể khiến một người từ chối sự giúp đỡ của người khác. Cũng có những người có nhiều người xung quanh nhưng lại cảm thấy bị tách biệt về mặt cảm xúc. Điều này khiến những người thân yêu khó phát hiện ra những dấu hiệu cảnh báo, đặc biệt là khi thanh thiếu niên có xu hướng cởi mở với bạn bè hơn là với người lớn.

Ví dụ, Julia Buencamino "rất hòa đồng", thường xuyên ra ngoài và có nhiều bạn bè. Nhưng mẹ cô, nữ diễn viên Shamaine Buencamino, không nhận ra cô con gái 15 tuổi đang phải vật lộn với sức khỏe tâm thần của mình. Năm 2015, Julia đã tự tử bất thành.

Hóa ra Julia đã kể với bạn bè về những gì cô đang trải qua mà giấu bố mẹ. Tuy nhiên, cô đã để lại manh mối cho cha mẹ, nhưng không ai đoái hoài. 

"Chúng tôi chưa bao giờ thực sự cho phép mình nghĩ rằng chúng tôi đã nuôi dạy một đứa con mắc phải tình trạng này… Tôi tự trách mình vì tâm trí tôi không cởi mở với khả năng con bé có thể đang trải qua điều này", mẹ cô nói.

Julia Buencamino "gần giống như người hướng ngoại" nhưng lại cảm thấy cô đơn "sâu thẳm bên trong", mẹ cô cho biết.

Không phải Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc, đây mới là quốc gia châu Á nơi có những Gen Z cô đơn nhất- Ảnh 4.

Sự cô đơn có thể khiến người ta từ chối sự giúp đỡ của người khác

Sự cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn cả sức khỏe thể chất. Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố sự cô đơn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu, liên quan đến nhiều vấn đề, từ nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ tăng cao đến lo lắng và trầm cảm.

Trên thực tế, tác động tử vong của nó có thể tệ như hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Vấn đề là, việc thừa nhận sự cô đơn của một người và tìm kiếm sự giúp đỡ vẫn bị kỳ thị xã hội ở Philippines.  

"Nó không thực sự được chấp nhận là một căn bệnh", Julia Buencamino nói. "Mọi người nghĩ rằng đó là một tình trạng mà bạn tự gây ra và bạn có thể dễ dàng thoát khỏi nó. Chỉ cần vui vẻ lại là được."

Bautista, giám đốc dịch vụ tâm lý xã hội của UP Diliman, cho biết thêm: "Người Philippines có xu hướng cảm thấy tội lỗi khi nói về sự cô đơn. Nó có thể được hiểu là nói rằng người thân, người yêu và bạn bè thân thiết của bạn không thể đáp ứng được nhu cầu xã hội của bạn."

Nhìn chung, Philippines đang thiếu sự hỗ trợ về mặt tâm lý. Hiệp hội Sức khỏe Tâm thần Philippines ước tính rằng cứ 100.000 người thì có chưa đến một nhân viên y tế tâm thần.

Julia Buencamino và gia đình đã bắt đầu một dự án nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm thần trong giới trẻ Philippines.

Dự án cô tiếp cận học sinh và phụ huynh thông qua các buổi nói chuyện tại trường, hội thảo và triển lãm liên quan đến nghệ thuật.

"Giao tiếp rất quan trọng. Bạn phải cởi mở với con cái của mình. Bạn không được phán xét chúng ngay lập tức, vì chúng cảm thấy như mình đang bị phán xét rất nhiều lần", Buencamino nói.

Nguồn: CNA