Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng ăn sáng, làm việc với doanh nghiệp

03/06/2023 12:30

Các doanh nghiệp ở miền Tây cho rằng giá tôm thương phẩm giảm mạnh như hiện nay sẽ khiến nông dân lỗ vốn, không trụ được với nghề có quá nhiều rủi ro.

Sáng 3/6, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cùng chủ tịch, các phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo sở, ngành đã gặp gỡ đại diện doanh nghiệp để cùng ăn sáng, lắng nghe phản ánh những khó khăn, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là buổi ăn sáng lần thứ 2 của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng với đại diện các doanh nghiệp và được được duy trì vào sáng thứ bảy của tuần đầu tiên mỗi tháng.

Theo phản ánh của ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), hơn một năm qua nhiều doanh nghiệp của địa phương và các tỉnh miền Tây vẫn còn khó khăn sau dịch Covid-19. Đối với giá tôm, lãnh đạo công ty này chưa thấy dấu hiệu gì cho rằng cuối năm sẽ tốt trở lại. Hiện, giá tôm thương phẩm giảm 20-30% so với cùng kỳ năm trước khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.

“Kỳ này giá tôm xuống khá sâu. Không phải riêng chúng tôi mà niều ngành khác như du lịch, may mặc… cũng gặp khó khăn. Trung ương và tỉnh đã quyết liệt hỗ trợ lãi suất và các vấn đề khác khiến chúng tôi thấy ấm lòng. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ mang tính nhất thời, muốn các doanh nghiệp tồn tại được phải có những tính toán đường dài”, ông Trần Văn Phẩm nói.

An sang cung doanh nghiep anh 1

Giá tôm thẻ giàm 20-30% so với đầu năm 2023. Ảnh: Việt Tường.

Đối với Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Võ Văn Phục nói rằng doanh nghiệp này có quy mô lớn nên thích ứng với sự biến đổi của thị trường khá tốt. Hiện, doanh nghiệp hoạt động tốt hơn lúc dịch Covid-19 nên tạo nhiều công ăn việc làm cho công nhân.

“Giá tôm giảm thê thảm do cung lớn hơn cầu, nhiều nông dân lỗ vốn, có khả năng không trụ được. Chúng tôi đã liên kết với doanh nghiệp khác để mua tôm với giá tăng lên khá nhiều để người nuôi có lãi, thả giống tiếp. Sắp tới đây có khả năng không đủ nguyên liệu nên chúng tôi mua giá cao, khuyến khích nông dân thả giống”, ông Võ Văn Phục chia sẻ.

Theo ông Phục, bức xúc nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp thủy sản là nhiều xe chở hàng khó đăng kiểm, phải chờ 1-2 tháng. Vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp đề nghị ngành giao thông vận tải chỉ đạo các trung tâm, chi cục đăng kiểm tăng ca và làm việc thêm 2 ngày cuối tuần để giải quyết một lượng lớn xe tồn đọng.

“Ngành đăng kiểm nên tăng ca làm việc và làm vào thứ bảy, Chủ nhật như các doanh nghiệp thủy sản của chúng tôi. Tôi thấy rằng ngành này đang vô cảm với chúng tôi. Xe không đăng kiểm được thì không chạy nhưng phải đóng phí đường bộ. Vấn đề này chúng tôi sẽ kiện để đòi lại phí đường bộ vì bất hợp lý”, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản sạch khẳng định.

Chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, nói rằng kinh tế - xã hội của đất nước tiếp tục phát triển, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá là một trong những nước phát triển trong gam màu sáng.

“Đây là những nỗ lực rất lớn để chúng ta có niềm tin, không được phép bi oan, chán nản, bàn lùi, mà phải tính toán chặt chẽ để vừa nắm bắt các cơ hội giảm chi phí, giảm giá thành, cùng nhau phát triển”, ông Lâm Văn Mẫn nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, lãnh đạo Chính phủ liên tục yêu cầu các tỉnh để yêu cầu tổng hợp khó khăn của các doanh nghiệp nhằm tìm hướng tháo gỡ tối đa, giúp các đơn vị và người dân có điều kiện sản xuất kinh doanh tốt hơn. Tại Sóc Trăng, tỉnh đang có các dự án lớn về giao thông để các doanh nghiệp thấy được kế hoạch lớn của quốc gia, của vùng.

Hai tuần nữa, các dự án thành phần của tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đồng loạt khới công. Dịp này, lãnh đạo Chính phủ sẽ đến Sóc Trăng trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp để tìm hướng tháo gỡ.

An sang cung doanh nghiep anh 2

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (đứng) tiếp thu phản ánh của doanh nghiệp và hứa sẽ tìm cách tháo gỡ sớm nhất. Ảnh: Việt Tường.

Đối với việc đăng kiểm xe chở hàng thủy sản chậm trễ như doanh nghiệp phản ánh, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhận thấy đây là khó khăn thật sự cho các công ty. Vì vậy, tỉnh sẽ kiến nghị ngành giao thông vận tải để chi cục đăng kiểm làm việc tăng ca.

“Doanh nghiệp đưa xe đến chi cục đăng kiểm để đứng xếp hàng đêm khuya từ tháng này qua tháng kia. Tỉnh sẽ kiến nghị mạnh mẽ, ngành này phải tổ chức công tác đăng kiểm làm sao để giải quyết cho doanh và người dân là nhanh nhất, không để tồn đọng như hiện này vì làm tăng chi phí cho xã hội”, ông Lâm Văn Mẫn nói.

Nói với Tri thức Trực tuyến, ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), cho biết giá tôm thẻ loại 20 con/kg giá 200.000 đồng, giảm 80.000 đồng/kg so với đầu năm 2023. Theo ông Tuấn, giá tôm đã giảm đúng đáy và sẽ không giảm nữa.

Sáng 3/6, nhiều doanh nghiệp ở miền Tây mua tôm thẻ loại 25 con/kg giá 140.000 đồng, loại 30 con/kg giá 118.000 đồng, loại 40 con/kg giá 101.000 đồng, loại 90 con/kg giá 82.000 đồng, loại 100 con/kg giá 79.000 đồng.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Bạn đang đọc bài viết "Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng ăn sáng, làm việc với doanh nghiệp" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline: 0903 78 12 09, hoặc gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com.