Người EQ thấp có 5 dấu hiệu điển hình, dễ khiến người khác khó chịu: Bạn không trúng điểm nào thì xin chúc mừng!

18/08/2024 20:30

Nếu bạn có những thói quen này trong cách giao tiếp thì nên thay đổi sớm.

Bài chia sẻ của một tác giả được đăng tải trên Toutiao (MXH Trung Quốc) đã thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng.

***

Những người có EQ cao dù đi đến đâu cũng mang lại cảm giác dễ chịu và thân thiết cho người khác. Ngược lại, những người có EQ thấp, thường có cách nói chuyện khiến người khác cảm thấy bối rối và muốn tránh né. Đó chính là sự khác biệt giữa mức độ EQ cao và EQ thấp, cũng thể hiện sự khôn ngoan trong cách đối nhân xử thế với người khác.

Dưới đây 5 đặc điểm của những người có EQ thấp. Chỉ khi tránh những hành động này, bạn mới có thể thoải mái làm chủ được trong các mối quan hệ xã hội phức tạp.

1. Thích tranh cãi thắng thua, khó nói chuyện

Trong cuộc sống, có những người rất khó nói chuyện, bất kể bạn nói gì, phản ứng đầu tiên của họ là tranh cãi. Họ không cân nhắc, suy nghĩ đến việc lời nói của mình có thích hợp hay không, chỉ cần làm cho người khác không nói lại được, họ sẽ tự hào về mình. Kết quả là, họ không chỉ khó giành được sự tôn trọng mong muốn, ngược lại còn khiến đối phương bất mãn, tạo ra mâu thuẫn.

Bạn nên hiểu rằng, giao tiếp với mọi người không phải là một cuộc tranh luận để phân định thắng thua. Biết cách nhượng bộ đúng lúc sẽ giúp bạn nhận được sự tin tưởng và thiện cảm từ mọi người. Ăn nói nhỏ nhẹ và sẵn sàng chịu thiệt mới là sự khôn ngoan trong cuộc sống, để lùi mà tiến.

Người EQ thấp có 5 dấu hiệu điển hình, dễ khiến người khác khó chịu: Bạn không trúng điểm nào thì xin chúc mừng!- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

2. Sĩ diện

Trong cuốn sách của mình, doanh nhân Hannel đã từng viết về một trợ lý tên Sofia. Sofia là một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Harvard, năng lực nổi trội và được Hannel đánh giá cao.

Trong một sự kiện quan trọng, Sofia đã khẩn trương soạn thảo một bài phát biểu. Tuy nhiên, bài phát biểu sau đó của Hannel hoàn toàn khác so với nội dung bản thảo mà Sofia viết.

Phát biểu xong, Hannel ném bản thảo trước mặt trợ lý và nói: "Lần sau viết rõ ràng hơn nhé".

Sofia lập tức đỏ mặt, cảm thấy xấu hổ và mất thể diện, liền tức giận, hét toáng lên: “Tôi viết như vậy, nhận không ra thì là vấn đề của ông!”

Sau đó, cô giận dữ quay người bỏ đi.

Sáng hôm sau, Sofia nhận được thông báo từ công ty: "Cô đã bị sa thải".

Trong cuộc sống, những người quá nhạy cảm, “da mặt mỏng” thường không chịu nổi khi bị người khác chỉ trích. Họ có thể tức giận, mất bình tĩnh trong tình huống không phù hợp, làm mối quan hệ ngày càng trở nên căng thẳng, cả hai bên đều không vui vẻ.

Nhưng những người có EQ cao thực sự sẽ biết mỉm cười đón nhận sự chỉ trích, lời nhận xét, góp ý từ người khác.

Nếu bạn luôn nghĩ rằng thể diện quan trọng hơn tất cả và không chịu nổi lời nhận xét, chỉ trích của người khác, bạn sẽ thường xuyên rơi vào tình trạng tức giận. Mở rộng lòng mình ra một chút, bạn mới có thể dễ dàng đối mặt với thế giới ồn ào.

Người EQ thấp có 5 dấu hiệu điển hình, dễ khiến người khác khó chịu: Bạn không trúng điểm nào thì xin chúc mừng!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

3. Quá thẳng thừng, không suy nghĩ đến cảm nhận của người khác

Bạn đã bao giờ nghe câu này chưa: "Tôi nói chuyện khó nghe, đừng để bụng nhé", "Tôi nói gay gắt vậy thôi, nhưng không có ý xấu đâu”.

Trong cuộc sống, có rất nhiều người cho rằng nói thẳng là một ưu điểm, nghĩ gì nói đó, hoàn toàn không để ý đến cảm xúc của người khác và kết quả là làm tổn thương người khác mà không hay biết. Điều họ gọi là "thẳng thắn" chỉ đơn giản là không muốn mất công suy nghĩ về cảm xúc của người khác.

Những người tự cho mình là thẳng thắn như vậy thường không quan tâm đến suy nghĩ, cảm xúc của người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp bị phá vỡ chỉ vì vài lời nói.

Bạn giữ trong mình sự thấu cảm, suy nghĩ nhiều hơn cho cảm xúc của người khác, thì lời nói tự nhiên sẽ trở nên ấm áp và dễ chịu hơn. Học cách nói chậm lại một chút, suy nghĩ kỹ trước khi nói, đối phương cũng sẽ lắng nghe bạn cẩn thận hơn và mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

4. Quá nhỏ nhen

Nhiều người thường có suy nghĩ hẹp hòi, luôn mang tâm lý đố kỵ, cảm thấy bất bình với người khác. Khi nghe nói ai đó tốt hơn mình, họ không những không chúc mừng, mà còn mỉa mai người khác.

Nhà tâm lý học Tằng Kỳ Phong từng nói: "Không thể nhìn thấy điểm tốt của người khác cũng là một loại bệnh và cũng là một hành vi xấu”.

Nếu có tâm lý này sẽ chỉ đẩy những người xung quanh bạn ngày càng tránh xa bạn hơn. Trong các mối quan hệ, chúng ta cần học cách mở lòng mình và nâng cao tầm nhìn của bản thân.

Khi bạn thật lòng trân trọng và chúc phúc cho người khác, bạn sẽ càng được nhiều người yêu mến hơn. Như vậy, chúng ta mới có thể có nhiều mối quan hệ và đạt được những lợi ích lâu dài.

Người EQ thấp có 5 dấu hiệu điển hình, dễ khiến người khác khó chịu: Bạn không trúng điểm nào thì xin chúc mừng!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

5. Sợ từ chối

Nhà văn Nhật Bản Osamu Dazai từng nói: “Sự bất hạnh của tôi chính là nằm ở chỗ tôi không có khả năng từ chối. Tôi luôn sợ một khi từ chối người khác sẽ để lại trong lòng nhau một vết nứt không bao giờ lành". 

Bản chất con người là tốt và chúng ta đều không muốn từ chối yêu cầu, lời nhờ vả của người khác. Nhưng nếu yêu cầu nào bạn cũng đồng ý ngay lập tức, thường sẽ khiến bạn rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng, nhiều khi bạn bỏ ra thời gian quý báu của mình, đôi khi sẽ có người lợi dụng lòng tốt này của bạn. 

Một người không dám từ chối, dễ bị thuyết phục bởi những yêu cầu, cuối cùng không chỉ tự làm tổn thương mình mà còn có thể khiến người khác không tôn trọng sự giúp đỡ của bạn. Hãy hiểu rằng, bạn cho một chút là tình cảm, nhưng cho quá nhiều lại thành món nợ và trách nhiệm.

Nếu bạn luôn chấp nhận mọi yêu cầu, lời nhờ vả, nhiều người sẽ không ngần ngại lợi dụng bạn. Chỉ khi biết cách từ chối trong những trường hợp cần từ chối, lòng tốt của bạn mới có giá trị. 

Lòng tốt của bạn cần có thêm đôi phần sắc sảo. Trong nhiều trường hợp, bạn cần sẵn sàng đồng ý, giúp đỡ, nhưng cũng có những trường hợp bạn nên "nói không".

Theo Toutiao