Nuôi cá sấu-loài động vật hoang dã nông dân Đồng Tháp chờ cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài

24/11/2024 00:02

Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng này ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Việc xây dựng, đàm phán, thống nhất và ký được các Nghị định thư là nỗ lực rất lớn trong thời gian dài của các cơ quan Việt Nam và Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá sấu ở Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng phát triển nhanh, bền vững...

Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99%

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính cá sấu sống của Việt Nam. Theo phân tích của Hiệp hội Bò sát, lưỡng cư Việt Nam, mẫu vật cá sấu nước ngọt xuất khẩu bao gồm cá sấu sống xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99% và da muối chiếm 29% sản lượng, còn lại xuất đi các nước: Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và một số nước thuộc EU.

Năng lực xuất khẩu của các trại được cấp Giấy phép Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) tại khu vực Nam Bộ là hơn 114.000 cá sấu sống.

Nuôi cá sấu-loài động vật hoang dã nông dân Đồng Tháp chờ cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài- Ảnh 1.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 36 cơ sở, hộ gia đình nuôi cá sấu.

Tuy nhiên, chỉ mới xuất được khoảng 32.800 con do Hải quan Trung Quốc không cho nhập cá sấu sống từ ngày 21/11/2019, kể cả đã được cấp CITES.

Từ thực tế đó, việc xây dựng, đàm phán, thống nhất và ký được các Nghị định thư là nỗ lực rất lớn trong thời gian dài của các cơ quan Việt Nam và Trung Quốc.

Do đó, việc tổ chức triển khai kịp thời, đầy đủ và đúng các nội dung của Nghị định thư là rất quan trọng, cần thiết và cần có sự vào cuộc có trách nhiệm của chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp, các doanh nghiệp và người dân có nhu cầu xuất khẩu cá sấu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Việc xuất khẩu cá sấu sang thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, người chăn nuôi của Việt Nam phát triển, ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cao.

Tại Đồng Tháp, toàn tỉnh có 36 cơ sở, hộ gia đình nuôi cá sấu với tổng đàn khoảng 190.000 cá thể. Trong đó, Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh) được cấp Giấy chứng nhận trại nuôi sinh sản cá sấu nước ngọt vì mục đích thương mại và xuất khẩu, với tổng đàn trên 177.000 cá thể.

Đối với 35 hộ còn lại chủ yếu nuôi thuần dưỡng con non, xuất bán cho các hộ khác tiếp tục gây nuôi thương phẩm, không nuôi sinh sản.

Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) được thành lập năm 2002 do ông Hồ Văn Bé Hùng làm chủ có diện tích 67.000m2 chuyên nuôi sinh sản và kinh doanh cá sấu giống, cá sấu thương phẩm. Hiện tại, Trại nuôi cá sấu ở Ấp 1, xã Mỹ Hiệp có tổng khoảng 100 ngàn con cá sấu.

Ông Hồ Văn Bé Hùng - chủ Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hiệp, cho biết: "Sản phẩm chính của doanh nghiệp là cá sấu sống, da cá sấu và các sản phẩm khác chế biến từ cá sấu. Giai đoạn trước năm 2019, mỗi năm, doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu ra thị trường khoảng 20.000 tấm da cá sấu chất lượng cao.

Các đơn hàng thu mua chủ yếu ở các nước: Ý, Pháp, Nhật, Trung Quốc. Trong đó Trung Quốc chiếm thị phần chính trong nhập khẩu cá sấu sống. Tuy nhiên, hiện tại, đơn vị gặp khó khăn do không xuất khẩu được cá sấu sống và giá da cá sấu xuống thấp".

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, nghề nuôi cá sấu ở Việt Nam phát triển hàng chục năm qua, các sản phẩm như thịt, da có giá trị rất cao, trong khi đó, cá sấu rất dễ nuôi. Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Đồng Tháp nói riêng có tiềm năng và lợi thế rất lớn để nuôi cá sấu.

Vừa qua, việc xuất khẩu cá sấu gặp khó khăn, nhiều địa phương, cơ sở nuôi phải giảm quy mô sản xuất. Để xuất khẩu được cá sấu sang Trung Quốc thuận lợi, các cơ sở, doanh nghiệp được phép gây nuôi phải xây dựng được vùng nuôi và chăm sóc cá sấu.

Đồng thời phải đáp ứng các điều kiện nêu ra trong Nghị định thư đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc...

Hỗ trợ người dân nuôi cá sấu

Để có chiến lược, kế hoạch phát triển ngành nuôi cá sấu của Việt Nam có trách nhiệm, bền vững, đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc cũng như các thị trường tiềm năng khác, thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động chăn nuôi cá sấu trên địa bàn tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Nghị định thư và các quy định của Việt Nam để có kế hoạch cụ thể, tổ chức sản xuất, phát triển bền vững, có trách nhiệm.

Nuôi cá sấu-loài động vật hoang dã nông dân Đồng Tháp chờ cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài- Ảnh 2.

Cá sấu được xem là món "đại bổ" của người dân Trung Quốc.

Đối với công tác quản lý nuôi phải tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt, thực hiện quy hoạch vùng nuôi, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại vùng nuôi.

Cần rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở nuôi hiện có tại địa phương, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đồng thời xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, nguồn lực triển khai giám sát chứng minh trong vùng nuôi cá sấu, cơ sở nuôi cá sấu không có các loại dịch bệnh theo yêu cầu tại Nghị định thư. Phòng, chống nhập lậu, vận chuyển trái phép, hợp thức hóa nguồn gốc cá sấu từ nước ngoài vào Việt Nam và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nuôi cá sấu, phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh trên cá sấu, quản lý thông tin, dữ liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đối với doanh nghiệp, người nuôi và xuất khẩu cá sấu, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của Nghị định thư và các quy định của Việt Nam để được chấp thuận xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc.

Chủ động rà soát, đầu tư nâng cấp các điều kiện của cơ sở nuôi, cách ly, quản lý, vận chuyển... bảo đảm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân tại vùng nuôi cá sấu...

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp, hộ nuôi cá sấu thủ tục, tổ chức xét nghiệm các loại dịch bệnh theo yêu cầu xuất khẩu cá sấu sang Trung Quốc theo quy định của Nghị định thư.

Đồng thời tổ chức xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu, bảo đảm truy xuất nguồn gốc cá sấu và dịch bệnh trên cá sấu. Điều này giúp hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu sản phẩm phát triển giúp bảo vệ thương hiệu, nâng tầm giá trị doanh nghiệp...

Vì sao Trung Quốc mua nhiều cá sấu sống Việt Nam?

Thịt cá sấu sống là thực phẩm làm món ăn tốt cho sức khỏe của người dân Trung Quốc, họ sẽ mua loại cá sấu sống có trọng lượng vừa phải từ 10-15 kg/con, có tuổi nuôi khoảng 1,5 năm trở trên. Giá cá sấu sống mua ở Việt Nam cao 200.000 đồng/kg, về đến Trung Quốc, thương nhân họ bán với giá 400.000 – 500.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng có khi còn cao hơn.

Cá sấu được xem là món "đại bổ" của người dân Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Cá sấu sống mua về làm sạch, vẫn để da, xương, sau đó chế biến các món ăn như hầm với các loại thảo dược, hầm thuốc bắc để tẩm bổ sức khoẻ. Vì trong xương và da cá sấu có nhiều chất collagen và nhiều chất dinh dưỡng khác giúp bồi dưỡng cho người bệnh và trẻ em suy dinh dưỡng.

Duy Huy (tổng hợp)