Bất ổn ngân hàng làm đảo lộn mọi dự đoán về đường hướng của Fed

Các nhà giao dịch cho rằng khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và không tăng lãi suất là 50:50, và có thể Fed sẽ giảm lãi suất vào những tháng sau đó.

Chỉ còn sáu ngày nữa cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra.

Fed sẽ đưa ra quyết định như thế nào về lãi suất trong cuộc họp lần này và những tháng tới đang là vấn đề được giới đầu tư và các chuyên gia của Phố Wall quan tâmnhất.

Chỉ mới tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell còn nói rằng Fed có thể tăng tốc độ nâng lãi suất do lạm phát kéo dài. Giới giao dịch thời điểm đó dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp ngày 21-22/3 tới từ mức 4,5-4,75% hiện nay và tiếp tục tăng sau đó.

Nhưng giờ đây ông Powell và đồng nghiệp sẽ cần phải phản ứng kịp thời với tình trạng bất ổn trong hệ thống ngân hàng sau sự sụp đổ liên tiếp của hai ngân hàng tại Mỹ và những diễn biến xấu xung quanh “ông lớn” Credit Suisse.

Giờ đây, các nhà giao dịch cho rằng khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm và không tăng lãi suất là 50:50, và có thể ngân hàng này sẽ giảm lãi suất vào những tháng sau đó, trong bối cảnh những bất ổn tại Credit Suisse làm gia tăng những lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng có thể làm chao đảo nền kinh tế Mỹ.

Chuyên gia Thomas Simmons của ngân hàng đầu tư Jefferies cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tuần tới, vì Fed vẫn cần tiếp tục kiềm chế lạm phát. Đồng thời việc dừng tăng lãi suất thời điểm này sẽ khiến thị trường hiểu rằng “tác động vĩ mô của các hiện tượng kinh tế vi mô nói trên tệ hơn chúng ta tưởng.”

Một báo cáo quan trọng về lạm phát trong tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 2/2023 đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì thế, chuyên gia Michael Feroli của ngân hàng JPMorgan nhận định nếu dừng tăng lãi suất bây giờ, Fed sẽ phát đi tín hiệu sai lầm về sự nghiêm túc của ngân hàng này trong cuộc chiến chống lạm phát.

Tuy nhiên, cựu Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Eric Rosengren lại có quan điểm trái ngược.

Ông Rosengren cho rằng các cuộc khủng hoảng tài chính sẽ khiến các ngân hàng cắt giảm tín dụng, người tiêu dùng giảm chi tiêu mua sắm và các doanh nghiệp cũng trì hoãn các kế hoạch đầu tư. Vì thế, theo ông, lãi suất nên “án binh” cho đến khi có thể đánh giá được mức độ giảm nhu cầu.

Trong khi đó, ngày 15/3, Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ. Cụ thể, về tăng trưởng kinh tế Mỹ, Goldman Sachs đã điều chỉnh giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 1,2% cho năm 2023 vì tình hình rối loạn hiện nay của hệ thống tài chính sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank.

Goldman Sachs nhận định các ngân hàng nhỏ hơn sẽ cố gắng duy trì tính thanh khoản để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng, dẫn đến việc thắt chặt đáng kể các tiêu chuẩn cho vay. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tổng cầu và làm giảm tăng trưởng GDP.

Các ngân hàng vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Do vậy, bất kỳ tác động nào tới hoạt động cho vay cũng có thể tập trung vào một nhóm nhỏ các ngân hàng vừa và nhỏ.

Các ngân hàng có tài sản dưới 250 tỷ USD chiếm khoảng 50% các khoản vay thương mại và công nghiệp, 60% các khoản vay bất động sản nhà ở, 80% các khoản vay bất động sản thương mại và 45% các khoản vay tiêu dùng tại Mỹ.

Các nhà phân tích giả định rằng các ngân hàng nhỏ có tỉ lệ tiền gửi được bảo đảm thấp sẽ giảm 40% khoản cho vay mới và các ngân hàng khác sẽ giảm 15% khoản cho vay mới, dẫn đến tổng mức cho vay của ngân hàng giảm 2,5%.

Tác động đối với tăng trưởng nhu cầu từ việc thắt chặt hoạt động cho vay sẽ tương tự như việc tăng lãi suất từ 25-50 điểm cơ bản.

Minh Hoa (t/h)

 

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/bat-on-ngan-hang-lam-dao-lon-moi-du-doan-ve-duong-huong-cua-fed-a148188.html