Lăng kính chứng khoán 17/3: Rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng

Nhà đầu tư vẫn nên giữ tâm lý thận trọng, quan sát thị trường từ 3-5 phiên để đợi chờ tín hiệu xác định xu hướng rõ ràng thay vì giải ngân sớm.

Các nhóm ngành đồng loạt quay đầu khiến VN-Index rơi gần 15 điểm, rũ bỏ mọi nỗ lực của phiên trước với thanh khoản vẫn duy trì ở mức trung bình.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, VN-Index giảm 14,79 điểm, tương đương 1,39% xuống 1.047,4 điểm. Toàn sàn có 55 mã tăng, 358 mã giảm và 41 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 2,82 điểm, tương đương 1,36% về 204,19 điểm, UPCoM-Index giảm 0,57 điểm, tương đương 0,74% đạt 76,02 điểm. Chỉ số đại diện nhóm VN30 ghi nhận mức giảm sâu nhất 17,39 điểm với 27 mã giảm giá.

Tổng giá trị khớp lệnh đạt 10.557 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE đạt 9.402 tỷ đồng, giảm 11,9% so với phiên hôm trước. Nhóm VN30 được sang tay 4.468 tỷ đồng.

Tài chính - Ngân hàng - Lăng kính chứng khoán 17/3: Rủi ro ngắn hạn có chiều hướng tăng

% thay đổi giá trị giao dịch so với phiên trước của các ngành có thanh khoản lớn nhất (Nguồn: TPS).

Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là đi ngang

Chứng khoán TVSI: VN-Index kết phiên với mẫu nến đảo chiều Bearish Engufling với giá đóng cửa vi phạm mức giá thấp nhất trong phiên bùng nổ ngày 15/3 nên xu hướng tăng giá ngắn hạn coi như không được hình thành. Tuy vậy, trong phiên 16/3 vẫn có những điểm tích cực khi chỉ số vẫn duy trì ở quanh mức bình quân 20 phiên đi kèm với thanh khoản giảm điểm không cao, cho thấy chưa có tín hiệu bán tháo.

Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là đi ngang với vùng biên độ rộng từ 1.015 – 1.065 điểm kéo dài trong thời gian qua và xu hướng trung hạn kể từ đầu năm cũng đã chuyển biến từ giảm điểm sang đi ngang khi đã 10 tuần chỉ số không xuyên thủng vùng giá thấp nhất đầu tháng 1.

Trong phiên giao dịch tới, chỉ số dự báo sẽ hồi phục một phần do tác động của phái sinh gần sát ATC nhưng TVSI cho là khó vượt qua được mốc 1.065 điểm để hình thành đà tăng giá. Với việc quay trở lại xu hướng đi ngang như giai đoạn vừa qua, các điểm mua mới vẫn chỉ là khi thị trường điều chỉnh và cổ phiếu rơi sát trở lại vùng hỗ trợ đáy tháng 2 đã được thiết lập trước đó. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tập trung vào các mã cổ phiếu mạnh và duy trì tích cực bình quân 50 phiên.

Rủi ro ngắn hạn đang dần tăng lên

Chứng khoán VCBS: Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tạo nến đỏ giảm điểm về sát đường trung bình động MA20. Xét về khung đồ thị ngày, các chỉ báo đang dần bẻ ngang và có dấu hiệu suy yếu sau phiên tăng điểm 15/3. Việc đường trung bình động MA20 đang có dấu hiệu hướng xuống cùng việc VN-Index giảm dưới đường này cho thấy rủi ro ngắn hạn đang dần tăng lên.

Thêm vào đó, dải Bollinger band đang có xu hướng mở rộng xuống dưới cho thấy áp lực điều chỉnh có thể sẽ gia tăng. VCBS giữ nguyên quan điểm, khuyến nghị các nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý thận trọng, quan sát thị trường từ 3-5 phiên để đợi chờ tín hiệu xác định xu hướng rõ ràng thay vì giải ngân sớm.

Thị trường vẫn có xác suất về quanh vùng 1.040

Chứng khoán Agriseco: Đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới, VN-Index vận động dưới tham chiếu trong toàn bộ thời gian giao dịch. Đồng thời phiên 16/3 cũng là phiên đáo hạn phái sinh, vì vậy có thể xuất hiện các yếu tố gây nhiễu chỉ số. Song, thanh khoản sụt giảm 12% cho thấy áp lực bán không quá lớn khi trạng thái thận trọng giữ vai trò chủ đạo xuyên suốt. 

Nhận định phiên 17/3, Agriseco Research cho rằng thị trường vẫn có xác suất về lấp lại GAP cũ quanh vùng 1.040 đầu phiên. Trong trường hợp lực cầu tham gia tốt tại đây, Agriseco kì vọng VN-Index có thể xuất hiện nhịp hồi sau đó. Vì vậy nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục với các cổ phiếu đã được khuyến nghị. Trong trường hợp chỉ số kiểm định thành công vùng 1.040 - 1.045 điểm, nhà đầu tư có thể tăng tỉ trọng với nhóm VN30 và nhóm chứng khoán.

Vùng cản quanh mức 1.060 vẫn là kháng cự cần vượt qua

Chứng khoán TPS: Nỗ lực chinh phục hoàn toàn kênh giá giảm bắt đầu từ tháng 1/2023 của VN-Index chưa thể thành công khi chỉ số nhanh chóng điều chỉnh trở lại ngay khi test cận trên của kênh giá này. Diễn biến này cho thấy áp lực bán vẫn đang hiện diện tại kháng cự trên.

Về thanh khoản, mặc dù khối lượng giao dịch có sự sụt giảm so với phiên trước đó nhưng mức giảm này tương đối không đáng kể do vẫn bám sát trung bình 10 phiên giao dịch gần nhất, qua đó phản ánh thị trường vẫn đang diễn biến sôi động với sự dẫn dắt của khối ngoại. 

Hiện tại, vùng cản quanh mức 1.060 điểm (cận trên của kênh giá giảm) vẫn sẽ là kháng cự mà chỉ số cần vượt qua để hướng đến mức 1.100 điểm. Tuy nhiên, nếu thị trường tiếp tục rung lắc, đường SMA 100 ngày (quanh mức 1.030 điểm) được kỳ vọng sẽ một lần nữa nâng đỡ cho chỉ số chung.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/lang-kinh-chung-khoan-173-rui-ro-ngan-han-co-chieu-huong-tang-a148191.html