Ông đánh giá thế nào về “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại?
Điều tôi lo ngại nhất trong năm 2023 chính là “sức khỏe” của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, “sức khoẻ” của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn, tài sản hay những khoản dự trữ của doanh nghiệp dồn hết để phòng chống dịch. Hơn nữa, từ cuối năm 2022 đến nay, tác động từ sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu lại càng ảnh hưởng lớn tới “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Điều này thể hiện ở nhiều chỉ số khác nhau. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp rời khỏi thị trường từ đầu năm 2023 đến nay rất cao. 9 tháng đầu năm 2023, có 135.105 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số đáng lo ngại, cao hơn so với nhiều năm. Ngược lại, tốc độ doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm mạnh so với nhiều năm. Trên 165 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, trong đó đa số là doanh nghiệp thành lập mới (trên 116 nghìn doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, mặc dù Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đang nỗ lực khơi thông dòng vốn này, nhưng cầu về tín dụng vẫn hạn chế… Những điều này thể hiện bức tranh “sức khỏe” của doanh nghiệp rất đáng lo ngại trong năm 2023, thậm chí sang năm 2024, triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn tương đối kém lạc quan.
Do đó, bức tranh “sức khỏe” của doanh nghiệp năm 2023 chắc chắn không phải màu xanh, mà nằm đâu đó ở màu vàng tức là đang ở mức đáng báo động, đáng quan ngại, một số ngành, lĩnh vực đã chuyển sang màu đỏ.
Không chỉ khó khăn về thị trường, mà chính sách cũng đang là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Xin ông cho biết cụ thể hơn về điều này?
Ngoài những vấn đề chậm trễ trong thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, đất đai,… năm 2023 có một số vấn đề liên quan tới chính sách mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, như các tiêu chuẩn, quy định đặt ra quá cao về phòng cháy chữa cháy… Nhiều doanh nghiệp phản ánh, chi phí xây dựng chỉ 3 tỷ đồng nhưng các chi phí liên quan tới công tác phòng cháy, chữa cháy lên tới 6-8 tỷ đồng,… cao như vậy thì mọi phương án kinh doanh khó có thể thực hiện được.
VCCI cũng nhận được rất nhiều phản ánh của doanh nghiệp về vấn đề này, như: doanh nghiệp thép phản ánh về những tiêu chuẩn thép không gỉ của Bộ Khoa học và Công nghệ; một số doanh nghiệp viễn thông phản ánh về tiêu chuẩn 5G; những doanh nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thì lo ngại về việc ghi nhãn… Những điều này tạo ra những khoản chi phí kinh doanh khá lớn cho doanh nghiệp.
Vấn đề nổi cộm nữa mà VCCI nhận được rất nhiều kiến nghị của các ngành hàng (sắn, chế biến gỗ, cao su, điện điện tử…) là về vấn đề hoàn thuế VAT. Tôi hiểu ngành thuế đang đối mặt với những thách thức rất lớn, một mặt tránh việc gian lận, chiếm dụng, làm ăn không đúng pháp luật; mặt khác, cơ chế hiện tại, việc kiểm tra lâu, kéo dài, chậm trễ trong hoàn thuế gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp. Đặc biệt với những doanh nghiệp xuất khẩu, bị đọng vốn lớn trong khi lãi suất ngân hàng cao thì việc hoàn thuế chậm ảnh hưởng vô cùng lớn tới doanh nghiệp.
Vậy theo ông, những chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã đạt hiệu quả như mong muốn chưa?
Tôi thấy đã có nhiều chính sách đi rất nhanh vào thực tế, có hiệu lực ngay với các doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách tài khóa, giãn, giảm thuế có lẽ là thành công nhất. VCCI thực hiện khảo sát với doanh nghiệp trong 2 năm qua cho thấy nhóm chính sách giảm thuế đến được với doanh nghiệp nhiều nhất. Đây chính là kinh nghiệm cho những lần hỗ trợ sau. Bởi việc giảm thuế đến được ngay với doanh nghiệp, có hiệu lực ngay, không cần phải thực thi, số đông doanh nghiệp được hưởng và công bằng.
Nhưng có một số chính sách trễ hơn nên hiệu quả không cao như hỗ trợ công nhân về nhà ở, chương trình “Sóng và máy tính cho em” trong chương trình hỗ trợ phục hồi Covid-19… Cũng có tình trạng thiết kế chính sách rồi, nhưng mất 6-7 tháng sau mới có nghị định để triển khai thực hiện, như vậy thời điểm hỗ trợ bị trễ.
Một trong những chương trình quan trọng của hỗ trợ phục hồi là Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ về các dự án đầu tư công. Đánh giá cho thấy, mặc dù chương trình rất nỗ lực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân của chương trình này ở thời điểm hiện tại đạt 38-40%. Điều này thể hiện chúng ta rất vướng trong quá trình triển khai, thực hiện các dự án đầu tư công vì để đầu tư công phải đưa vào quy hoạch, chuẩn bị hồ sơ giấy tờ… mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, năng lực thực hiện chưa tốt, thủ tục chưa thực sự thuận lợi.
Nhưng theo tôi, Chính phủ cũng đã rất cố gắng trong thúc đẩy đầu tư công. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chưa năm nào hết quý 3 chúng ta đã giải ngân trên 51%. Điều này phản ánh sự nỗ lực của Chính phủ, tuy nhiên, không gian cải thiện vẫn còn rất nhiều. Theo tính toán nếu giải ngân được 95% (như mục tiêu Chính phủ đặt ra) đầu tư công thì có thể đóng góp thêm vào tăng trưởng 2%.
Trong bối cảnh “sức khỏe” doanh nghiệp còn yếu như hiện nay, theo ông, cần có thêm những giải pháp nào như “liều thuốc” giúp doanh nghiệp bật dậy?
Những vướng mắc về phòng, cháy chữa cháy như tôi nêu trên, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đang nhận rõ điều này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ mạnh mẽ, hiện Bộ Xây dựng, Bộ Công An đang rà soát để sửa đổi những quy chuẩn chưa phù hợp và sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy.
Về hoàn thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đang rốt ráo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Hy vọng những vướng mắc này được nhanh chóng tháo gỡ, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp là rất cần thiết. Có thể hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách, nên Quốc hội cũng đã có giải pháp kích cầu như tiếp tục gia hạn giảm thuế VAT 6 tháng cuối năm, giảm tiền thuê đất, miễn giảm thuế; đồng thời, tiếp tục có những giải pháp cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Chúng ta phải nhìn thấy một thực tế như vậy để có các giải pháp, chính sách cần được đẩy mạnh hơn nữa. Một chế độ dinh dưỡng cho người ốm phải khác với chế độ dinh dưỡng cho người khỏe, cần đánh giá sự tiếp nhận của người ốm. Làm sao để doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn, tồn tại được, duy trì được công ăn việc làm, đảm bảo hoạt động của mình trong thời gian tới, bởi thu ngân sách phụ thuộc vào số doanh nghiệp đang tồn tại, đang hoạt động rất lớn.
Điều tôi vẫn quan tâm hàng đầu đó là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay là các giải pháp hỗ trợ cần tiến hành đồng bộ ở nhiều ngành, nhiều cấp hơn nữa. Hiện nay, một số chính sách chưa thống nhất, ăn khớp, đồng bộ với nhau. Đơn cử: một mặt, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cố gắng để giảm chi phí vốn, kéo mặt bằng lãi suất xuống; nhưng mặt khác, ở nhiều lĩnh vực, chi phí vốn chưa giảm như vấn đề về nợ đọng VAT. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ không cần hỗ trợ vay ưu đãi mà chỉ cần hoàn thuế cho họ đã là một hỗ trợ tốt nhất.
Bên cạnh đó, việc đề ra chính sách là một chuyện, nhưng việc thúc đẩy thực hiện các chính sách hỗ trợ lại là một giải pháp cần được ưu tiên. Quốc hội và Chính phủ đang chuẩn bị báo cáo đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 43. Tôi hy vọng việc đánh giá này cần nhìn thẳng vào xem nhóm giải pháp nào đi vào cuộc sống nhanh, hiệu quả, hỗ trợ được doanh nghiệp, người dân; nhóm giải pháp nào chưa tốt, bộ ngành nào đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, bộ ngành nào chưa. Đã đến lúc gắn việc thực hiện chính sách hỗ trợ với trách nhiệm hoàn thành công việc của các cơ quan cụ thể.
Vấn đề nữa, khó khăn có thể là ngắn hạn nhưng làm sao để tạo động lực tăng trưởng dài hạn, bền vững là đặc biệt quan trọng. Các nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam, nhìn vào triển vọng trung và dài hạn. Vì vậy, cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện hạ tầng nhanh chóng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, không để xảy ra tình trạng thiếu điện, cắt điện tái diễn… để nhà đầu tư yên tâm.
Đầu tư nước ngoài cũng là động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam, nhưng tôi cho rằng dòng vốn đầu tư nước ngoài thời gian tới sẽ gặp thách thức do những thay đổi như Thuế tối thiểu toàn cầu, chất lượng hạ tầng của Việt Nam cũng đến tới hạn, nên cần có những giải pháp tăng cường sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, như chất lượng điều hành, thể chế, các quy định pháp luật cần tốt hơn.
Một yếu tố khác, thời gian qua những biến động thị trường thế giới ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, nên tôi cho rằng cần phải đổi mới công tác xúc tiến thương mại mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn bằng nhiều cách như mở rộng thị trường châu Phi, Nam Mỹ…
VnEconomy 13/10/2023 06:00
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 41-2023 phát hành ngày 09-10-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-can-dong-bo-a190143.html