Bà Đặng Thị Ba, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Nông thổ sản Việt Nam, cho biết doanh nghiệp đang có cơ sở sơ chế hàng hóa hơn 6.000 m2 ở TP Thủ Đức (TP.HCM), mua từ đất cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước năm 2011.
Tuy nhiên đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu bất động sản này dù đã chi trả đầy đủ theo định giá của cơ quan chức năng. Suốt 13 năm qua, doanh nghiệp vẫn đều đặn trả tiền thuê đất trên dưới 2 tỷ đồng mỗi năm.
Bà kỳ vọng thời gian tới, khi các luật liên quan đi vào hiệu lực kèm các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành rõ ràng, doanh nghiệp sẽ "đòi lại được quyền lợi".
Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng được gỡ khó
Thực tế, trong Nghị quyết mới được thông qua chiều 8/6, Quốc hội xem xét cho phép 3 luật mới liên quan bất động sản có hiệu lực từ 1/8.
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, được kỳ vọng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Tại chương trình Cafe Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 8/6, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho biết luật mới có 5 nhóm nội dung chính là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; tiếp cận đất đai theo cơ chế thị trường, công bằng, minh bạch; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chính sách tài chính đất đai; hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Đáng chú ý, ông nhấn mạnh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách khi xây dựng Luật Đất đai 2024 là đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai cho cả việc xây dựng nhà ở (bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở công vụ, nhà tái định cư, cải tạo nhà chung cư, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân) lẫn sản xuất kinh doanh (đất nông nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp khu công nghệ cao...)
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) chia sẻ tại Cafe Doanh nhân HUBA ngày 8/6. Ảnh: HUBA. |
Vì vậy, các luật mới khi đi vào thực thi, đặc biệt là Luật Đất đai, không chỉ tác động tới doanh nghiệp bất động sản, mà còn tới tất cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khác có thuê hoặc sở hữu bất động sản.
Trong đó, các hình thức tiếp cận đất đai (thu hồi, đấu giá, đấu thầu, chuyển đổi quyền sử dụng...) và các phương pháp định giá đất được quy định rõ ràng, đầy đủ hơn là giải pháp tháo gỡ vướng mắc kéo dài nhiều năm qua cho các doanh nghiệp.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh định giá đất theo nguyên tắc thị trường chính là linh hồn của Luật Đất đai năm 2024.
Chưa kể, các điểm mới như linh hoạt hơn việc trả tiền thuê đất 1 lần hay hàng năm; bổ sung các trường hợp được miễn, giảm tiền thuê đất; cũng như các quy định chuyển tiếp linh hoạt sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng lâu nay cho các doanh nghiệp.
Các luật mới không chỉ tác động tới doanh nghiệp bất động sản, mà còn tới tất cả doanh nghiệp lĩnh vực khác có thuê hoặc sở hữu bất động sản. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo TS Lực, các hiệp hội doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các luật và nghị định, hướng dẫn đã ban hành, đặc biệt là các điểm mới, đáng chú ý và tác động, cũng như các điểm còn vướng mắc, cần được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết hơn. Mục tiêu là các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và thực hiện đúng, hạn chế vi phạm, tiêu cực, qua đó tăng hiệu lực thực thi các luật trong thực tiễn.
Bất động sản sẽ sớm hồi phục
Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản cũng đặt nhiều kỳ vọng. Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, cho biết doanh nghiệp đang xin cấp phép 4 dự án ở TP.HCM, bao gồm 2 dự án nhà ở xã hội, 1 dự án nhà ở thương mại và 1 dự án phân khúc cao cấp.
"Thị trường hiện nay đang rất khó nhưng sẽ hồi phục vì các luật sắp đi vào thi hành sẽ có hiệu ứng domino. Nhưng cuối cùng, thị trường vẫn phải đi vào phân khúc nhà ở thực trước tiên. Chính vì vậy chúng tôi rất quan tâm và sẽ đầu tư 3.000 căn nhà ở xã hội để có thể tung ra thị trường ngay trong năm nay", ông Nghĩa nói.
Dự kiến tháng 8 các luật mới có hiệu lực, nếu khi đó doanh nghiệp bắt đầu triển khai dự án thì nhanh lắm cũng phải đến tháng 8/2026 mới có thể đưa ra thị trường. Do đó tôi dự đoán sớm nhất năm 2026 thị trường sẽ hồi phục
Ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lê Thành
Theo ông, thị trường bất động sản hiện tại đang gặp vấn đề khủng hoảng thiếu do vướng mắc về pháp lý. Đây là lý do những dự án tốt, ở vị trí đắc địa thời gian qua vẫn "cháy hàng".
"Vì vậy khi các vấn đề về pháp lý được tháo gỡ, nguồn cung trở lại thì thị trường sẽ sôi động.
Dự kiến tháng 8 tới đây các luật mới có hiệu lực, nếu khi đó doanh nghiệp bắt đầu triển khai dự án thì nhanh lắm cũng phải đến tháng 8/2026 mới có thể đưa ra thị trường.
Do đó tôi dự đoán sớm nhất năm 2026 thị trường sẽ hồi phục", ông Lê Hữu Nghĩa nêu quan điểm.
Ông Lê Hữu Nghĩa (trái), Tổng giám đốc Công ty TNHH Lê Thành và TS Cấn Văn Lực (giữa), Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia chia sẻ với các doanh nghiệp TP.HCM. Ảnh: HUBA. |
Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh đây là lần đầu Luật Đất đai đưa ra chế tài xử lý đối với các dự án chậm triển khai.
Theo đó, đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng.
Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại, trừ các trường hợp bất khả kháng.
Đồng tình với chế tài này, tuy nhiên một số doanh nghiệp thành viên của HUBA cho rằng trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cần quy định rõ hơn về việc xác định nguyên nhân dự án chậm triển khai. Bởi trong nhiều trường hợp thực tế, nguyên nhân đến từ phía cơ quan chức năng.
Thực tế, các doanh nghiệp cho biết những vướng mắc về đất đai thời gian qua không chỉ nằm ở cơ chế, chính sách mà còn ở một bộ phận cán bộ ngại việc, sợ sai, dẫn đến tình trạng "ngâm" hồ sơ năm này qua năm khác.
Các luật mới được đánh giá đã có những quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn, đồng thời có sự đồng bộ nên có thể góp phần giảm tình trạng chồng chéo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo TS Cấn Văn Lực, các luật mới đã có những quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ hơn, đồng thời có sự đồng bộ nên có thể góp phần giảm tình trạng chồng chéo, cán bộ thực thi không biết làm thế nào gây ảnh hưởng đến khâu thực thi pháp luật. Do đó, thời gian và chi phí triển khai dự án của doanh nghiệp có thể được rút ngắn.
Dù vậy, TS Lực khuyến nghị các doanh nghiệp nên xây dựng đội ngũ pháp lý để nghiên cứu sâu về các luật, cũng như tham gia góp ý, phản biện nhằm tiếp tục hoàn thiện các Nghị định, Thông tư hướng dẫn triển khai sắp tới để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật mới và các luật liên quan khác.
Theo Nghị quyết mới thông qua, Quốc hội đã giao Chính phủ chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành các luật thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, không tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/doanh-nghiep-san-xuat-ky-vong-vao-luat-dat-dai-hieu-luc-tu-18-a199122.html