Cung đường di sản lẫy lừng mang tên "Hồ sơ Yên Tử": UNESCO đã khảo sát, đánh giá sơ bộ

Quần thể di sản đặc biệt, lẫy lừng trong lịch sử của Việt Nam đang chờ được UNESCO chứng nhận.

Hồ sơ Yên Tử có thêm Bãi cọc Bạch Đằng

UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã thống nhất xin ý kiến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc bổ sung Bãi cọc Bạch Đằng vào Hồ sơ Yên Tử để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Trong quá trình triển khai, đơn vị tư vấn đã lựa chọn 3 điểm là bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa thuộc Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) đưa vào bảng trình bày tên 32 di tích để nghiên cứu xây dựng hồ sơ.

Trước đó, Hồ sơ Yên Tử là cách gọi tắt của Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh) - Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) là hồ sơ di sản đầu tiên trong cả nước đệ trình UNESCO mà có phạm vi triển khai trên địa bàn 3 tỉnh, trải dài hàng trăm km2.

Đây được kỳ vọng sẽ là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Cung đường di sản lẫy lừng mang tên

Đoàn chuyên gia của UNESCO khảo sát, thẩm định thực địa Bãi cọc Bạch Đằng. (Ảnh: Báo Tổ quốc)

Bãi cọc Bạch Đằng ở đâu?

Theo báo Kinh tế Đô thị, di tích bãi cọc Bạch Đằng (Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) là nơi lưu giữ những chiến công lẫy lừng của dân tộc ta trước công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược.

Nằm trên đường trục đường giao thông từ Hà Nội về thành phố Hạ Long, bãi cọc Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên thuộc khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Từ ngã tư thị xã Quảng Yên đi về hướng Phà Rừng khoảng 2 km, rẽ trái khoảng 500 m, bạn sẽ đến với bãi cọc Yên Giang, một phần của trận địa cọc Bạch Đằng năm xưa.

Cách bãi cọc Yên Giang vài km là bãi cọc đồng Vạn Muối, nằm ở cửa sông Rút, thuộc phường Nam Hòa. Theo các nhà nghiên cứu, đây là nửa phía Nam của trận địa cọc Bạch Đằng, còn nửa phía Bắc là bãi cọc Yên Giang.

Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, bãi cọc đồng Má Ngựa đã được phát hiện và tiến hành khảo sát, khai quật vào năm 2010. Đây là bãi cọc thứ ba thuộc bãi cọc Bạch Đằng nằm ở cửa sông Kênh, cách bãi cọc đồng Vạn Muối khoảng 1 km về hướng Nam.

Cung đường di sản lẫy lừng mang tên

Bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối và bãi cọc Đồng Má Ngựa thuộc Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng. (Ảnh: Guland)

Danh thắng Yên Tử ở đâu?

Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử có diện tích 9.295 ha, gồm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp, trải dài gần 20km theo tuyến đường từ Dốc Đỏ (chùa Bí Thượng – chùa Trình) đến đỉnh núi Yên Tử (chùa Đồng), thuộc địa bàn phường Phương Đông, xã Thượng Yên Công thuộc thành phố Uông Bí và xã Hồng Thái Đông thuộc thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.

Cung đường di sản lẫy lừng mang tên

Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử gồm nhiều công trình kiến trúc tôn giáo chùa, am, tháp, trải dài gần 20km theo tuyến đường từ Dốc Đỏ (chùa Bí Thượng – chùa Trình) đến đỉnh núi Yên Tử (chùa Đồng). (Ảnh: Google map)

Cụm di tích dọc theo tuyến đường chính (đường Yên Tử) từ Dốc Đỏ đến bến xe Giải Oan, bao gồm các chùa: Chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân (Thiền viện Trúc Lâm).

Cụm di tích trung tâm, bao gồm các di tích từ chùa Giải Oan đến chùa Đồng, gồm các di tích chính: Chùa Giải Oan, Hòn Ngọc, Tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, am Hoa, am Dược, am Thiền Định, am Ngọa Vân, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, tượng An Kỳ Sinh, bia Phật, chùa Đồng và các am, thất chưa phát lộ... các tuyến đường hành hương, các cảnh quan danh thắng gắn với các di tích như thác Ngự Dội, thác Vàng, thác Bạc, cổng Trời, đường Tùng, rừng trúc, đỉnh núi Yên Tử.

Chùa Vĩnh Nghiêm ở đâu?

Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) hay có tên gọi khác là chùa Đức La (tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự), tọa lạc tại thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Đây là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm.

Cung đường di sản lẫy lừng mang tên

Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. (Ảnh: Google map)

Hiện tại, chùa lưu giữ nhiều hiện vật cổ như hệ thống tượng Phật, hoành phi câu đối, tranh, bia đá… Trong đó, nổi bật là 3.050 bản ván gỗ khắc chữ Hán và Nôm gồm các bộ kinh sách đạo Phật, sự nghiệp của các vị cao tăng và nhiều sách hướng dẫn chữa bệnh bằng các bài thuốc dân gian… Những bản mộc bản này được lưu giữ cẩn thận, chữ rất sắc nét, có giá trị nghệ thuật vô giá. Năm 2012, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc chương trình Ký ức thế giới.

Côn Sơn - Kiếp Bạc ở đâu?

Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc tỉnh Hải Dương là một danh thắng và di tích lịch sử đã in dấu trên sử sách từ 7 thế kỷ trước. Điểm nhấn của quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chính là Đền Kiếp Bạc và Chùa Côn Sơn.

Cung đường di sản lẫy lừng mang tên

Điểm nhấn của quần thể di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc chính là Đền Kiếp Bạc và Chùa Côn Sơn. (Ảnh: Google map)

Đền Kiếp Bạc được vua Trần Thánh Tông xây dựng để tưởng nhớ công đức lớn lao trừ được giặc dữ, ngăn được họa lớn cho đất nước của Hưng Đạo Vương. Đền Kiếp Bạc nằm ở hai thôn Dược Sơn và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Kiếp Bạc là tên ghép của hai vùng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Đây là nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lập căn cứ địa, tích trữ lương thực và huấn luyện binh sĩ trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII.

Chùa Côn Sơn là công trình Phật giáo đã có từ thời nhà Đinh, nằm tọa lạc dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền rằng, đây là nơi Đinh Bộ Lĩnh hun gỗ làm than, dẹp loạn 12 sứ quân. Và với trận hoả công hun giặc này mà chùa Côn Sơn còn được gọi là chùa Hun.

Hơn nữa, chùa từng là nơi Thiền sư Huyền Quang vị tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm tu hành và phát triển đạo giáo mạnh mẽ. Cho đến nay, đây là nơi lưu giữ vô số những cổ vật, dấu tích quan trọng của lịch sử nước nhà.

Hành trình hướng tới Di sản Thế giới

Một bài đăng ngày 1/7 của Báo Hải Dương cho hay, hồ sơ Di sản Thế giới (UNESCO) quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang đã được đánh giá sơ bộ, đáp ứng các yêu cầu về thể thức hồ sơ.

Trước đó, theo báo Quảng Ninh, để tiếp tục củng cố tư liệu phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, 3 tỉnh đã tiến hành khai quật khảo cổ bổ sung tại 9 điểm di tích. Các đơn vị cũng nhiều lần tiến hành điều chỉnh về danh mục các điểm di tích lựa chọn đưa vào xây dựng hồ sơ; điều chỉnh về tiêu chí xây dựng hồ sơ, giảm từ 4 tiêu chí còn 3 tiêu chí (iii, v và vi). Phạm vi nghiên cứu cũng mở rộng thêm đối với khu di tích Bạch Đằng (Quảng Ninh), An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (Hải Dương)... Ngoài ra, 3 tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế để lấy thêm ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, xác định giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di sản.

Cung đường di sản lẫy lừng mang tên

Hồ sơ Di sản Thế giới (UNESCO) quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc của 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang đã được đánh giá sơ bộ, đáp ứng các yêu cầu về thể thức hồ sơ. (Ảnh: Báo Công lý)

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo vừa gửi thư đến UBND tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang cho biết qua đánh giá sơ bộ, Hồ sơ Yên Tử đã đáp ứng các yêu cầu về thể thức. Trung tâm Di sản thế giới đề nghị UBND 3 tỉnh gửi hình ảnh mới nhất về di sản đề cử, kèm theo các chi tiết cụ thể.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới cũng thông tin, hiện hồ sơ đã được chuyển đến Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS). ICOMOS sẽ đánh giá và sắp xếp đoàn chuyên gia thẩm định thực địa tại Việt Nam, dự kiến trong tháng 9/2024.

Dịp này, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng đề nghị UBND 3 tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang cung cấp các nội dung liên quan theo đề nghị của Trung tâm Di sản thế giới và chuẩn bị các điều kiện đón đoàn chuyên gia ICOMOS đến thẩm định, thể hiện vai trò tích cực của Việt Nam với tư cách thành viên UNESCO.

ICOMOS là tổ chức tư vấn độc lập. Sau khi đánh giá, tổ chức này sẽ khuyến cáo (nếu có) đối với hồ sơ.

Để quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới sẽ còn một chặng đường rất dài. Song với việc Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo gửi thư đến UBND tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang thông báo hồ sơ đề cử đáp ứng các yêu cầu về thể thức là một bước tiến quan trọng trong hành trình này.

Tổng hợp

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/cung-duong-di-san-lay-lung-mang-ten-ho-so-yen-tu-unesco-da-khao-sat-danh-gia-so-bo-a201735.html