Phó thống đốc Đào Minh Tú: VND mất giá ở mức hợp lý

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết mức mất giá của VND giai đoạn 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 4,4%, trong khi nhiều quốc gia ở ngưỡng 7-11%.

Tỷ lệ mất giá của VND so với USD đạt 4,4%. Ảnh: Nam Khánh.

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 tổ chức sáng 23/7, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ ở góc độ linh hoạt.

Những giải pháp được đưa ra nhằm tập trung vào 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, nhất là vấn đề huy động, tập trung nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

VND mất giá ở mức hợp lý

Lãnh đạo NHNN đánh giá lãi suất điều hành vẫn duy trì ổn định từ đầu năm 2023 đến nay. Trong đó, NHNN đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở giảm chi phí, sử dụng nguồn lực kể cả giảm lợi nhuận để hồi phục nền kinh tế, không để doanh nghiệp rơi vào tình trạng đình trệ, đóng cửa.

NHNN cũng đảm bảo lượng tiền cung ứng, lượng tiền hút về để hài hòa trong lưu thông.

Về vấn đề tỷ giá, Phó thống đốc cho biết mức mất giá của VND giai đoạn 6 tháng đầu năm duy trì khoảng 4,4% trong khi nhiều nước ở ngưỡng 7-11%.

“Mức mất giá của VND là mức hợp lý. Chúng ta không thể căng cứng hay cố định tỷ giá trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tác động”, Phó thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Ông Tú đánh giá giá trị nhập khẩu của Việt Nam lên đến 178 tỷ USD và cần lượng ngoại tệ rất lớn.

Vì vậy, giải pháp trung hòa để tạo điều kiện cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu là vấn đề lớn. Thứ hai là giải quyết được sự đồng bộ giữa chính sách tỷ giá và chính sách lãi suất, đảm bảo kiểm soát lạm phát trên cơ sở điều hành tỷ giá, đảm bảo cung cầu ngoại tệ của nền kinh tế.

Thực tế, NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp cần thiết, như động thái bán ngoại tệ từ ngày 19/4 để giữ tỷ giá ở mức hợp lý, tạo nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu, đảm bảo tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời, nhà điều hành cũng đã nhiều lần hút tiền VND về thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu trên thị trường mở.

Tăng trưởng tín dụng đạt 6%

Tại họp báo, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 ước đạt 6%. Đây là tín hiệu tích cực khi tín dụng 2 tháng đầu năm vẫn còn tăng trưởng âm, có thời điểm âm 1-2%, do cầu tín dụng thấp và nhu cầu tiếp cận vốn của doanh nghiệp không cao.

Nhờ thực hiện các biện pháp quyết liệt, tạo điều kiện, chính sách, tháo gỡ khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp, tín dụng bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3, đặc biệt trong các tháng quý II.

tang truong tin dung,  ong dao minh tu,  ty gia hien nay,  gia vang tang anh 1

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 đạt 6%. Ảnh: SBV.

Thông tin thêm, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho biết tín dụng cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và chảy vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,3%; lĩnh vực ưu tiên tăng rất cao so với mặt bằng chung của nền kinh tế như lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 9,8%, công nghệ cao tăng 18,16%...

Đáng chú ý, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, điển hình như kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỷ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% trong tổng tín dụng bất động sản. Tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,15% và chiếm tỷ trọng 60%.

Tuy nhiên, Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng thông báo nợ xấu đang có xu hướng tăng cao. Nợ nội bảng hiện là 5%, trong khi đó tất cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC, nợ xấu chưa thu hồi được... giữ ở mức 6,9%.

Theo ông Tú, có những khoản vay vài tháng sau là biết ngay chất lượng tốt hay không tốt, trả được hay không trả được, hay có phải chuyển nhóm nợ không. Đây chủ yếu là những khoản vay ngắn hạn, vay luân chuyển.

Mặt khác, các khoản vay trung và dài hạn chỉ có thể được đánh giá đầy đủ khi đến kỳ hạn thanh toán. Nhìn chung, lãnh đạo NHNN cho rằng sau 2 năm dịch bệnh cho đến việc kinh tế sa sút vào năm 2023, câu chuyện nợ xấu là của cả nền kinh tế chứ không phải do ngành ngân hàng yếu kém.

“Trách nhiệm xử lý nợ xấu ngoài các ngân hàng thương mại, tức là bên cho vay, thì các doanh nghiệp là người vay cũng phải tìm cách trả nợ. Bởi vì tiền đó là tiền của người dân. NHNN sẽ tìm cách kiểm soát tích cực hơn để đảm bảo chất lượng tín dụng và kiểm soát nợ xấu, cũng như trích lập nhằm đảm bảo sự an toàn hệ thống”, Phó thống đốc nhấn mạnh.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/pho-thong-doc-dao-minh-tu-vnd-mat-gia-o-muc-hop-ly-a203795.html