Trái ngược hiệu quả các 'đại gia' bán lẻ xăng dầu

Phần lớn doanh nghiệp xăng dầu trong nước ghi nhận kết quả quý II và nửa đầu năm đi lùi so với cùng kỳ. Chỉ số ít doanh nghiệp như Petrolimex đi ngược giai đoạn này.

Nhiều doanh nghiệp xăng dầu ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi trong nửa đầu năm nay. Ảnh: Việt Linh.

Đến đầu tháng 8, hầu hết doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ xăng dầu niêm yết đã hoàn tất việc công bố báo cáo tài chính bán niên 2024. So với cùng kỳ năm ngoái, bức tranh kinh doanh nửa đầu năm của nhóm doanh nghiệp này đã ghi nhận xu hướng phân hóa mạnh.

Trái ngược 2 "đại gia" đầu ngành

Quý II vừa rồi, Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (UPCoM: OIL) ghi nhận doanh thu thuần đạt 34.755 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng mạnh nhưng giá vốn đầu vào vượt lên mạnh hơn khiến biên lãi gộp tổng công ty này thu hẹp xuống mức 31% và kéo lãi gộp đi ngang so với cùng kỳ.

Ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm 20%, các loại chi phí bán hàng và chi phí tài chính của PV Oil đều tăng lần lượt 10% và 41% trong quý vừa qua. Kết quả là lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu này đã giảm 49% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 79 tỷ đồng.

Lý giải kết quả này, ban lãnh đạo PV Oil cho biết thời gian điều hành giá nhiên liệu cơ sở đã được rút ngắn từ 10 ngày/lần (quý II/2023) xuống 7 ngày/lần (quý II/2024). Vì vậy, dù giá xăng dầu thế giới biến động theo hướng giảm như cùng kỳ nhưng tốc độ giảm giá bán tại kỳ này diễn ra nhanh hơn, khiến lãi gộp công ty thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND tăng cao cũng khiến chi phí tài chính tăng lên do ghi nhận các khoản lỗ tỷ giá.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của PV Oil vẫn tăng 50% lên 64.380 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 21% xuống 338 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra cả năm, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 thị trường trong nước đã hoàn thành 78% chỉ tiêu doanh thu và 57% mục tiêu lợi nhuận.

Nửa năm qua, sản lượng kinh doanh xăng dầu của PV Oil đạt 2,8 triệu m3/tấn. Doanh nghiệp cũng đã phát triển thêm 60 cửa hàng xăng dầu, nâng tổng số cửa hàng hiện có trên toàn hệ thống lên 807 điểm.

Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (HoSE: PLX), quý II/2024 là kỳ kinh doanh khởi sắc nhất trong hơn 1 năm qua.

Theo đó, Petrolimex chứng kiến doanh thu thuần đạt 73.837 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Nhờ cải thiện giá vốn, lợi nhuận gộp của tập đoàn này lại tăng 18% lên hơn 4.600 tỷ đồng.

Trong khi đó, cả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Petrolimex đều tăng nhưng không đáng kể so với cùng kỳ. Kết quả là Petrolimex báo lãi ròng 1.275 tỷ đồng riêng quý II, tăng 43% so với cùng kỳ và là mức lãi cao nhất kể từ quý IV/2022.

Ban lãnh đạo tập đoàn đánh giá hoạt động kinh doanh xăng dầu về cơ bản ổn định, có hiệu quả, sản lượng bán tăng so với cùng kỳ.

Kết quả này là nhờ nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm, tương tự với nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước. Bên cạnh đó, các thương nhân cũng thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả.

Ngoài ra, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty con, công ty liên doanh liên kết cũng cao hơn đáng kể.

Lũy kế nửa năm, doanh thu của Petrolimex tăng 12% lên gần 150.000 tỷ đồng trong khi lợi nhuận trước và sau thuế tăng 55% lên lần lượt 2.944 tỷ và 2.407 tỷ đồng.

Năm nay, Petrolimex đặt kế hoạch thận trọng với doanh thu hợp nhất 188.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.900 tỷ đồng. Như vậy, tập đoàn đã thực hiện 79% chỉ tiêu doanh thu và vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm gần 2% chỉ sau 6 tháng.

Tại thị trường Việt Nam, Petrolimex sở hữu hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, còn PV Oil chiếm trên 20%. Đây cũng là 2 doanh nghiệp có số lượng điểm bán, cây xăng nhiều nhất.

Riêng Petrolimex hiện có 43 đơn vị thành viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc với khoảng 5.500 cửa hàng xăng dầu.

"Đại gia" xăng dầu miền Tây lao đao

Trong nhóm doanh nghiệp đầu mối, bán lẻ xăng dầu, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu - NSH Petro (HoSE: PSH) đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất từ khi niêm yết.

Quý vừa rồi, doanh thu của "đại gia" xăng dầu miền Tây chỉ đạt vỏn vẹn 49 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ năm 2023. Việc phải kinh doanh dưới giá vốn đi kèm tình trạng phát sinh nhiều chi phí khiến NSH Petro lỗ sau thuế tới 344 tỷ đồng dù cùng kỳ vẫn báo lãi 67 tỷ đồng.

Được biết, việc bị cơ quan quản lý cưỡng chế hóa đơn là một trong những nguyên nhân chính kéo nguồn thu của đơn vị này chạm đáy.

Mới đây, NSH Petro cũng đã có văn bản hứa hẹn khắc phục số tiền bị cưỡng chế tại Cục Thuế Hậu Giang (giá trị gần 1.140 tỷ đồng) và tại Cục Thuế Cần Thơ (giá trị gần 93 tỷ đồng) ngay trong tháng 8.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty này giảm mạnh 88% xuống còn 525 tỷ đồng. Lỗ ròng sau khi tính thêm quý I cũng bị đội lên thành 374 tỷ đồng.

So với kế hoạch tham vọng năm nay, NSH Petro mới thực hiện chưa đến 4% chỉ tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lãi ròng 327 tỷ đồng.

NSH Petro là một trong những doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn với 67 cửa hàng và 550 đại lý ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây, doanh nghiệp này liên tục vướng vào lùm xùm về nợ thuế, chậm trả lãi trái phiếu lẫn bê bối thao túng chứng khoán PSH do chính con trai Chủ tịch Mai Văn Huy - Mai Hữu Phúc - thực hiện.

Một đơn vị khác trong ngành xăng dầu cũng chứng kiến kết quả kinh doanh đi xuống nửa đầu năm nay là CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), công ty vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi).

Kết thúc quý II, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của nhà máy lọc dầu này đạt lần lượt 24.429 tỷ đồng (-27%) và 769 tỷ đồng (-42%). Đây cũng là kết quả kinh doanh thấp nhất trong nhiều năm qua của doanh nghiệp.

Ban lãnh đạo BSR giải thích trong tháng 3-4, Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải tạm dừng để bảo dưỡng tổng thể đợt 5, gây ảnh hưởng đến lượng sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, giá dầu thô diễn biến phức tạp, giá trung bình giảm từ 90,15 USD/thùng tại tháng 4 còn 82,61 USD/thùng vào tháng 6. Cracking spread cũng giảm so với cùng kỳ, dẫn đến kết quả kinh doanh đi lùi.

Thực tế, đây là mức giảm đã được dự báo trước dựa trên kế hoạch thận trọng mà doanh nghiệp đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp nay ghi nhận 55.000 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng hơn 1.900 tỷ đồng, hoàn thành tương ứng 58% mục tiêu doanh thu và vượt 64% chỉ tiêu lợi nhuận.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/trai-nguoc-hieu-qua-cac-dai-gia-ban-le-xang-dau-a207161.html