Nhiều mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp và năng lượng đồng loạt tăng giá trong khi sắc đỏ lại áp đảo trên thị trường nông sản và kim loại. Đóng cửa, lực mua chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,71% lên 2.097 điểm.
Kết phiên giao dịch 7/8, giá hai mặt hàng cà phê tiếp đà tăng mạnh. Cụ thể, giá cà phê Arabica nhảy vọt 4,39%, thiết lập mức cao nhất trong ba tuần; giá cà phê Robusta cũng cao hơn 2,24% so với tham chiếu, lên gần 4.500 USD/tấn. Tỷ giá USD/BRL thu hẹp và lo ngại nhiệt độ giảm tại Brazil đã đẩy giá đi lên.
Chỉ số Dollar Index tăng nhẹ trong khi đồng Real của Brazil cũng mạnh lên trong phiên hôm qua đã kéo tỷ giá USD/BRL suy yếu về mức thấp nhất một tuần, ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Chênh lệch tỷ giá ngày càng thu hẹp, đẩy mạnh tâm lý hạn chế bán cà phê của nông dân Brazil do thu về ít ngoại tệ hơn, nguồn cung ra thị trường vì thế cũng eo hẹp hơn đẩy lo ngại thiếu hụt nguồn cung lên cao.
Thêm vào đó, thị trường cũng lo lắng về việc sương giá đang trở lại Brazil cũng ảnh hưởng trực tiếp lên kỳ vọng về nguồn cung tại quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Sương giá ở thời điểm hiện tại không ảnh hưởng quá lớn lên nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 khi nông dân đã thu hoạch gần 90% sản lượng dự kiến. Tuy vậy, nguồn cung cà phê vụ tiếp theo khả năng cao sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề do nguy cơ cây cà phê chết lạnh vì sương giá.
Dù vậy, triển vọng tích cực mùa vụ cà phê thu hoạch năm 2024 cũng giảm bớt do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Hãng tư vấn StoneX hạ dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 của Brazil xuống còn 65,9 triệu bao loại 60 kg, thấp hơn 1,7% so với dự báo trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm sản lượng cà phê Robusta. Hiện sản lượng cà phê Robusta dạng hạt ước tính đạt 21,2 triệu bao, thấp hơn 6,8% so với dự báo trước.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (8/8), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ đi ngang so với ngày hôm qua, hiện dao động quanh 121.500-122.000 đồng/kg.
Lúa mì chấm dứt chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng giá
Giá lúa mì đã ghi nhận mức giảm khoảng 1% vào hôm qua, chấm dứt chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng giá. Thị trường chịu áp lực bán mạnh trong phiên tối, trong bối cảnh nguồn cung được kỳ vọng sẽ cao hơn trong báo cáo cung – cầu nông sản thế giới WASDE tháng 8.
Theo hãng tin Reuters, sản lượng lúa mì Mỹ niên vụ 2024-2025 được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 2,015 tỷ giạ, từ mức 2,008 tỷ giạ trong báo cáo trước. Điều này phản ánh tình hình vụ mùa tích cực trong những tuần gần đây, đặc biệt là từ báo cáo tiến độ mùa vụ hàng tuần. Nhờ sản lượng cao hơn, tồn kho lúa mì cuối niên vụ 2024-2025 của Mỹ cũng được dự đoán sẽ tăng lên mức 862 triệu giạ, từ mức 856 triệu giạ được đưa ra hồi tháng 7. Kỳ vọng tồn kho lúa mì tiếp tục tăng trong báo cáo lần này là yếu tố đã khiến giá lúa mì chịu sức ép.
Giá ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 12 cũng đánh mất hơn 1%, ghi nhận phiên thứ hai liên tiếp suy yếu. Triển vọng nguồn cung tốt là yếu tố đã góp phần thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Theo USDA chi nhánh Brasilia, tổng sản lượng ngô niên vụ 2024-2025 của Brazil dự báo sẽ đạt mức 127 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với niên vụ trước nhờ sự kết thúc của hiện tượng El Nino. Cơ quan này cũng cho biết Brazil đã vượt qua Mỹ và trở thành nước xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới vào năm 2023 sau khi tiếp cận được thị trường Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tình hình vụ mùa tại Mỹ cũng đang khá tích cực. Dự báo thời tiết tại khu vực Vành đai Ngô trong 5 ngày tới mát mẻ và khô ráo. Sau giai đoạn này, mưa nhiều khả năng sẽ quay trở lại mang đến độ ẩm cần thiết cho cây trồng phát triển.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/luc-mua-chiem-uu-the-day-chi-so-mxv-index-tiep-da-di-len-a207400.html