Thạc sĩ Vật lý đầu tiên của Việt Nam
Tại thủ đô Hà Nội có một con đường tên là Ngụy Như Kon Tum, dài 1,1km chạy ngang qua làng sinh viên thuộc quận Thanh Xuân. Nhiều người vẫn lầm tưởng con đường này được đặt theo tên thành phố Kon Tum thuộc tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, đó lại là tên gọi của một vị giáo sư người Việt tài đức hơn người. Đó chính là Giáo sư Ngụy Như Kon Tum.
GS. Ngụy Như Kon Tum sinh vào ngày 03/05/1913 tại thị trấn Kon Tum, thành phố Kon Tum lúc bấy giờ. Thân sinh ông là cụ Ngụy Như Bích, làm công việc lục sự bưu điện. Cụ Ngụy Như Bích vốn là người sống tình cảm, gắn bó với quê hương, làng xóm nên có thói quen dùng tên địa phương để đặt cho các con. Chính vì vậy mà Ngụy Như Kon Tum còn có một người chị gái tên là Ngụy Như Ban Mê Thuột.
Sinh ra trong một gia đình gia giáo và có truyền thống học tập lâu đời, từ khi còn nhỏ Ngụy Như Kon Tum đã bộc lộ trí thông minh vượt trội hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Thời thơ ấu, ông theo học lớp Năm, lớp Tư và lớp Ba (theo thứ tự bây giờ: lớp Một, lớp Hai, lớp Ba) tại Trường tiểu học Kon Tum - ngôi trường công lập đầu tiên và duy nhất lúc bấy giờ ở Kon Tum. Vì xung quanh có nhiều bạn bè người Ba-na nên Ngụy Như Kon Tum có thể nói thành thạo tiếng Ba - na, tiếng Việt và cả tiếng Pháp.
Năm 1924, khi tròn 11 tuổi, Ngụy Như Kon Tum về Huế học lớp Nhì của trường Cao đẳng tiểu học Huế. Vốn thông minh và hiếu học, đến năm 1930, ông đậu "đíp-lôm" loại giỏi (bằng Cao đẳng Tiểu học) và nhận được học bổng ra học Ban tú tài bản xứ ở Trường Bưởi (Hà Nội).
Chưa dừng lại ở đó, năm 1932, ông còn đạt kỳ tích đỗ cùng lúc 3 bằng Tú tài là Tú tài bản xứ, Tú tài Tây ban Toán và Tú tài Tây ban Triết. Sau đó, ở tuổi 19, ông được cấp học bổng toàn phần sang Paris du học tại trường Đại học Sorbone danh giá.
Tiếp tục con đường học vấn, sau 3 năm học tại Sorbonne, Ngụy Như Kon Tum thành công tốt nghiệp Cử nhân Khoa học, sau đó đỗ bằng Thạc sĩ Vật lý loại xuất sắc, trở thành vị Thạc sĩ Vật Lý đầu tiên của Việt Nam. Năm 1939, ông tiếp tục học lên Tiến sĩ. Lúc này, giảng viên hướng dẫn ông làm luận án chính là GS. Jolliot Curie - con rể của vợ chồng bác học Pierre Curie và Marie Curie. Tuy nhiên, vì chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra trong quá trình Ngụy Như Kon Tum hoàn thành luận án Tiến sĩ, ông đã quyết định về Việt Nam để phục vụ đất nước.
Đóng góp toàn bộ trí lực cho sự nghiệp giáo dục của đất nước
Trở về quê hương, Ngụy Như Kon Tum lúc bấy giờ bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình tại trường Chasseloup Laubard Sài Gòn. Năm 1941, ông ra Hà Nội dạy ở trường Bưởi và sáng lập hội SET để tác động tinh thần yêu nước trong thanh niên trí thức. Năm 1945, ông làm Giám đốc Khu học xá Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Ngụy Như Kon Tum cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc để tham gia cách mạng. Tại đây, ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Bác đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo Dục. Tuy nhiên, Ngụy Như Kon Tum xin từ chối nhận nhiệm vụ đó với lý do "Bộ trưởng Giáo dục phải là người có chuyên môn sâu rộng về khoa học xã hội và nhân văn thì quản lý, sáng tạo mới tốt. Tôi là người làm khoa học tự nhiên, e khó hoàn thành được nhiệm vụ". Sau đó, chức vụ này đã được giao cho GS.TS Nguyễn Văn Huyên phụ trách (từ năm 1945 - 1975). Về GS. Ngụy Như Kon Tum, ông nhận chức Giám đốc Trung học vụ (trực thuộc Bộ Giáo dục).
Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập. Với những thành tích và cống hiến ấn tượng của GS. Ngụy Như Kon Tum, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay. Ông giữ chức vụ này cho đến khi về hưu vào năm 1982.
Trong suốt quá trình làm việc của mình, GS. Ngụy Như Kon Tum đã cống hết trí lực của bản thân để góp phần giúp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày một phát triển. Ông cũng được đông đảo học trò, đồng nghiệp yêu quý bởi lối sống giản dị, liêm khiết, chí công vô tư.
Năm 1982, GS. Ngụy Như Kon Tum được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Đúng vào dịp 20/11/1990, ông tiếp tục nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Đến năm 1991, ông qua đời tại thủ đô Hà Nội.
Tổng hợp