Trong khi đó, lực mua áp đảo trên thị trường năng lượng, kim loại và nguyên liệu công nghiệp. Đóng cửa, nhiều mặt hàng quan trọng trong các nhóm nguyên liệu này đã đồng loạt tăng giá đẩy chỉ số MXV-Index tăng 0,16% lên 2.100 điểm.
Bạc có phiên tăng giá mạnh nhất kể từ đầu tháng 7
Kết thúc ngày giao dịch 8/8, lực mua tiếp tục chiếm ưu thế đã giúp phần lớn mặt hàng kim loại tăng giá trong phiên hôm qua. Đối với kim loại quý, giá bạch kim nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp với mức tăng 1,1% lên 939,2 USD/ounce. Giá bạc phục hồi 2,46%, đóng cửa tại 27,6 USD/ounce. Đây cũng là phiên tăng giá mạnh nhất của bạc kể từ đầu tháng 7.
Dòng tiền đầu tư đang dần quay lại thị trường khi tâm lý các nhà đầu tư ổn định tích cực hơn. Nỗi lo về nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đã được xoa dịu sau những bình luận trấn an của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Bên cạnh đó, giá kim loại quý vẫn đang được hưởng lợi nhờ nhu cầu trú ẩn tăng cao khi căng thẳng Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Vụ sát hại các thành viên cấp cao của nhóm chiến binh Hamas và Hezbollah trong tuần trước đã làm dấy lên lo ngại Iran sẽ tấn công trả đũa Israel.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 0,18% lên 8.728 USD/tấn sau khi liên tục giằng co trong phiên hôm qua. Giá đồng vẫn đang phải chịu sức ép trong bối cảnh tiêu thụ còn ảm đạm, đặc biệt là tại quốc gia tiêu thụ đồng hàng đầu Trung Quốc. Tuy vậy, lực mua kỹ thuật cùng với một số tín hiệu cho thấy tiêu thụ tại Trung Quốc cải thiện đã giúp củng cố lực mua đồng trong phiên.
Dữ liệu cho thấy chênh lệch chi phí đồng nhập khẩu tại nước này liên tục tăng trong thời gian gần đây, tồn kho đồng tại đây cũng duy trì đà giảm trong 4 tuần liên tiếp, phản ánh nhu cầu đang có dấu hiệu phục hồi.
Giá dầu thế giới nối dài đà phục hồi
Theo ghi nhận của MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thế giới tiếp đà hồi phục sau dữ liệu việc làm của Mỹ giảm bớt lo ngại về nhu cầu và căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Chốt phiên, dầu WTI tăng 1,28% lên 76,19 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 1,06% lên 79,16 USD/thùng.
Tại Trung Đông, Israel hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa về một cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận trong bối cảnh các vụ trả đũa của Iran vẫn chưa lắng xuống. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự bất ổn đối với nguồn cung dầu thô từ khu vực sản xuất lớn nhất thế giới.
Thêm vào đó, sau tuyên bố bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara, công suất khoảng 300.000 thùng/ngày của Libya vì các cuộc biểu tình, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nước này tiếp tục đưa ra thông báo đang tiến hành cắt giảm dần sản lượng.
Hơn nữa, dữ liệu từ Cơ quan phân tích và kế hoạch dầu khí Ấn Độ cho biết, mức tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 19,653 triệu tấn trong tháng 7, do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và tăng trưởng kinh tế nói chung tăng lên. Nhu cầu tích cực từ quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 châu Á đã xoa dịu đi những áp lực trước đó đến từ phía Trung Quốc.
Đối với yếu tố vĩ mô, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, làm dịu đi những lo ngại áp lực trên thị trường lao động của nền kinh tế số 1 thế giới. Các đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 17.000 xuống còn 233.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 3/8, theo Bộ Lao động, ghi nhận mức giảm lớn nhất trong khoảng 11 tháng. Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cũng tích cực hơn so với dự báo ở mức 240.000 đơn xin trợ cấp của các nhà kinh tế.
Trong khi đó, trong một tuyên bố mới nhất, bất chấp sức ép vĩ mô các nhà phân tích đến từ Citi Bank vẫn kỳ vọng giá dầu sẽ được hỗ trợ trong cuối năm. Các nhà phân tích tại Citi cho biết có khả năng giá dầu thô Brent sẽ nhận được sự hỗ trợ trong vùng 80 USD/thùng.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/dong-tien-dau-tu-dang-dan-quay-lai-thi-truong-hang-hoa-nguyen-lieu-the-gioi-a207578.html