Hàng Việt cần gì để lên sàn thương mại điện tử nước ngoài?

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế về mặt hàng xuất khẩu, quy trình lẫn quy mô sản xuất. Việc thiếu bản sắc cũng khiến hàng Việt dễ bị thất thế.

thuong mai xuyen bien gioi,  tran tuan anh shopee anh 1

Hàng hóa Việt còn nhiều hạn chế để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ảnh: Đào Phương.

Tại Toạ đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/8, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, đánh giá thị trường Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế đặc thù.

Trước hết, đó là chi phí tiếp cận mạng Internet thấp nhất thị trường Đông Nam Á. Đây là cơ hội để Shopee có thêm nhiều người dùng hơn ở những thành phố nhỏ, vùng nông thôn chứ không phải thành thị.

Thứ hai là hạ tầng, trước đây, thời gian giao hàng có thể tốn 4-5 ngày trên toàn quốc nhưng nay đã được rút ngắn xuống dưới 2 ngày trên phạm vi toàn quốc và ở thành phố lớn thì gần như là trong ngày.

Về lĩnh vực sản xuất, lãnh đạo Shopee đánh giá Việt Nam có nền sản xuất nội địa rất mạnh.

“Đây là lý do chúng tôi đang tiếp cận những doanh nghiệp sản xuất này để phát triển từ thị trường nội địa đi ra thế giới”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Doanh nghiệp Việt cần thêm kinh nghiệm

Đối với câu chuyện xuất khẩu hàng hóa, ông Trần Tuấn Anh cho rằng khía cạnh này liên quan đến 3 vấn đề là quy mô, xu thế, thương hiệu.

Thứ nhất là về quy mô, cách thức Shopee đang tiếp cận ngành sản xuất tại Việt Nam là tập trung đi từ nhỏ đến lớn trước, tức là phát triển từ nội địa để đạt được những lợi ích như tạo gói kinh nghiệm để nâng cao độ đồng bộ sản phẩm.

Đến một lúc nào đó khi chất lượng đồng bộ đủ mạnh, các doanh nghiệp có thể bắt đầu tiếp cận thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, nhà sản xuất phải có khả năng gom hàng để phục vụ cả thị trường nội địa, thị trường nước ngoài, không chỉ 1 mà là nhiều quốc gia đối với cùng 1 sản phẩm.

thuong mai xuyen bien gioi,  tran tuan anh shopee anh 2

Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

“Chúng tôi đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm là 1.000 doanh nghiệp, nhưng thực ra trong tương lai rất gần sẽ là 100.000 doanh nghiệp có khả năng đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài”, đại diện Shopee Việt Nam nhấn mạnh.

Về xu thế, bên cạnh các yếu tố vĩ mô như bền vững, nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, tuyển dụng, huấn luyện lao động, nhà bán hàng cũng cần quan tâm đến xu thế thời trang, cách tiếp cận người tiêu dùng như livestream, video…

“Chúng tôi đang mong muốn có một công cụ tiếp cận được nhiều thị trường khác nhau, đa đạng về thị hiếu, kết nối các nền tảng với nhau. Ví dụ bạn có thể ngồi ở Việt Nam thuê 1 người livestream cho bạn ở Malaysia…”, ông Tuấn Anh nhận định.

Thứ ba là thương hiệu cần gắn với một câu chuyện. Ở Việt Nam, có những thương hiệu rất tốt như về thời trang, nhưng làm thế nào để vươn ra thế giới thì đó là câu chuyện cần bàn bạc nhiều hơn nữa.

Mặt hàng đủ sức cạnh tranh còn hạn chế

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, Việt Nam vẫn cơ bản chịu sự chi phối của thương hiệu và kênh phân phối nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa dịch vụ nói chung và kể cả TMĐT.

Doanh nghiệp Việt cần tìm giải pháp vươn lên, xây dựng thương hiệu có bản sắc riêng, có được kết nối với Amazon hay các nền tảng lớn hơn, quốc tế hơn.

Thứ hai, chuyên gia Thành cho rằng Việt Nam hiện nay có 5.000-6.000 mặt hàng OCOP nhưng số lượng mặt hàng 5 sao OCOP xuất khẩu được thì rất ít. Như vậy, nhiệm vụ ở đây là phải hoàn thiện rất nhiều về mặt đảm bảo chất lượng, truy xuất.

Chuyên gia Võ Trí Thành nêu 3 điểm cần lưu ý đối với hàng hóa Việt, đó là quy mô (ảnh hưởng đến logistics, chi phí, nguồn cung cấp), xu thế (xanh, an toàn, nhân văn) và bản sắc (văn hóa, con người, truyền thống Việt Nam).

thuong mai xuyen bien gioi,  tran tuan anh shopee anh 3

TS Võ Trí Thành (trái) và Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lại Việt Anh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tại tọa đàm, bà Lại Việt Anh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu với thế mạnh dệt may, da giày, nông sản… Dư địa, tiềm năng về TMĐT xuyên biên giới rất lớn.

Ước tính, giá trị xuất khẩu TMĐT xuyên biên giới đạt khoảng 3,3 tỷ USD vào năm 2022 và kỳ vọng vượt 11 tỷ USD vào năm 2027 nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng TMĐT cũng như Nhà nước. Do đó, tối ưu hoá tiềm năng TMĐT của Việt Nam là bài toán đường dài.

“Tôi muốn đề cập đến định hướng về kế hoạch tổng thể TMĐT cho giai đoạn 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ. Theo đó, TMĐT hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm ‘Made in Vietnam’ ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh trên thị trường đó, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu”, bà Việt Anh chia sẻ.

Khía cạnh thứ 2, phát triển bền vững nên là định hướng lớn khi xây dựng giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung.

Từ góc độ này, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong TMĐT cũng sẽ có vai trò nhất định. Ví dụ, khách hàng có những yêu cầu về truy xuất hàng hoá, đảm bảo được vùng trồng, không vi phạm về chặt phá rừng hoặc đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường, chống rác thải…

Đó là những yếu tố mà TMĐT phải áp dụng để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam nhận được những hỗ trợ về chính sách của Nhà nước, các nền tảng TMĐT, xuất khẩu để giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/hang-viet-can-gi-de-len-san-thuong-mai-dien-tu-nuoc-ngoai-a207588.html