Giá đất đền bù đất nông nghiệp tăng sau khi áp dụng bảng giá đất điều chỉnh từ 1/8. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực ngày 1/8 vừa qua đã bỏ quy định về khung giá đất. Thay vào đó, mỗi địa phương sẽ tự quyết định bảng giá đất và điều chỉnh hàng năm, thay vì 5 năm một lần như trước đây. Đồng thời, bảng giá đất phải điều chỉnh, bổ sung theo biến động của thị trường.
Từ 1/1/2026, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ áp dụng bảng giá đất mới. Hàng năm, UBND cấp tỉnh phải trình Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất, áp dụng từ ngày 1/1 năm tiếp theo.
Trên thực tế, thời gian gần đây, TP.HCM cũng đã công bố dự thảo bảng giá đất điều chỉnh áp dụng cho các tháng còn lại trong năm.
Tại cuộc họp đầu tháng 8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM (TNMT) cho biết việc điều chỉnh bảng giá đất gồm 7 bước và hiện Sở đã hoàn thành 6 bước.
"Toàn bộ dữ liệu của đơn vị tư vấn thu thập trên toàn địa bàn TP đã được cân chỉnh và chuyển cho tổ giúp việc của HĐND TP.HCM xem xét, thẩm định", ông nói.
Đáng chú ý, trong dự thảo về việc ban hành Quyết định điều chỉnh bảng giá đất tại TP.HCM, Sở TN&MT đề xuất điều chỉnh giá đất tại nhiều quận tăng trung bình 5-10 lần. Một số địa phương thuộc khu vực ngoại thành và vùng ven dự kiến điều chỉnh 15-50 lần so với hiện tại.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận việc bỏ khung giá đất sẽ khiến giá đất, tiền đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư tăng lên, qua đó đẩy giá bất động sản tăng. Tuy nhiên, tác động này chỉ trong ngắn hạn. Về lâu dài, thị trường được quyết định bởi cán cân cung - cầu, trở nên minh bạch và bền vững hơn.
Ngoài bãi bỏ khung giá đất cũ, Luật Đất đai 2024 cũng quy định chi tiết việc người dân bị thu hồi đất sẽ được hưởng thêm nhiều quyền lợi về bồi thường, đền bù tái định cư.
Cụ thể, Điều 96 nêu rõ hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường bằng đất nông nghiệp hoặc bằng tiền hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.
Về việc bố trí tái định cư, theo quy định tại Điều 111, người dân bị thu hồi đất nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp không phải đất ở, nếu đủ điều kiện và có nhu cầu, sẽ được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư, tùy theo quỹ đất của địa phương.
Như vậy, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp có thể nhận bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở nếu có nhu cầu và quỹ đất địa phương cho phép.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/gia-den-bu-dat-nong-nghiep-tang-tu-18-a207646.html