Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!

Phở là một món ăn "gây nghiện", gói gọn cả một bầu trời tinh túy ẩm thực mà bất cứ kẻ sành ăn nào cũng khó bỏ qua.

Vừa qua, ngày 9/8, sự kiện đáng tự hào đã diễn ra khi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tôn vinh phở Hà Nội và phở Nam Định lên ngôi vị Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian. Những tinh hoa ẩm thực này không chỉ đắm say lòng người bằng hương vị đặc trưng mà còn thể hiện sự sáng tạo không ngừng và nguồn cảm hứng dân gian truyền thống. Phở Nam Định và phở Hà Nội chứa đầy đủ giá trị như tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương, bên cạnh đó còn phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ, đồng thời có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài, được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Phở Nam Định, được đánh giá cao vì khắc họa chân thực niềm tự hào vùng đất thành Nam với từng sợi phở mềm mại, hấp dẫn, quá trình làm phở đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng từ việc chọn lựa nguyên liệu đến cách thức chế biến. Những hàng phở gánh truyền thống tại Nam Định vẫn giữ gìn bí quyết gia truyền, và những người con xa quê đã mang hương vị này đến những miền đất mới, từ Hà Nội, Hải Phòng đến TP.HCM, phở Nam Định không chỉ là món ngon mà còn là niềm tự hào văn hóa tiêu biểu.

Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 1.

Phở Hà Nội luôn mang một màu sắc thật khác trong bản đồ văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Trong khi đó, phở Hà Nội - quốc hồn quốc túy, mỗi tô phở là một câu chuyện văn hóa ẩm thực, từ nước dùng thơm ngon đến miếng thịt bò hoặc gà tươi ngon, chế biến qua bàn tay tài hoa của người Hà Thành. Sự giản dị nhưng hấp dẫn của phở Hà Nội mang một màu sắc thật khác, các quán phở ở Hà Nội thường không mở quy mô lớn, thay vào đó các không gian phục vụ thường len lỏi khắp phố xá, tạo nên một đặc trưng ẩm thực rất Thủ đô.

Nhắc về phở Hà Nội, nhiều người cũng chẳng biết món Di sản văn hóa phi vật thể này xuất hiện từ bao giờ hay có nguồn gốc từ vùng đất thành Nam, người ta chỉ biết, phở Hà Nội từ lâu đã trở thành một tinh túy của vùng đất ngàn năm văn hiến.

Vũ Bằng, với ngòi bút điêu luyện và tình yêu sâu đậm với nền ẩm thực phong phú của Hà Nội, đã từng viết nên những áng văn trác tuyệt, khắc họa một đoạn "lịch sử xưa" của phở Hà Nội, một hình ảnh không thể phai mờ trong tâm trí của những người yêu mến món ăn này. Qua thời gian, dù xã hội có bao biến đổi, phở vẫn giữ được tinh túy và hồn cốt của mình, không chỉ dừng lại ở những giọt nước dùng thơm lừng, những sợi bánh phở mềm mại hay lát thịt bò mỏng hòa quyện. Đó là một phần của văn hoá, của lịch sử, nơi mỗi tô phở không chỉ gợi nhớ về một Hà Nội xưa cũ mà còn là biểu tượng của sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại. Tinh túy của phở không chỉ tính bằng thời gian mà còn là sự tôn vinh những giá trị truyền thống qua từng thế hệ, qua từng bữa ăn hàng ngày, khiến cho mỗi lần thưởng thức là một trải nghiệm đậm đà, khó quên.

Nếu ai chưa từng đọc những cảm xúc về phở của Vũ Bằng, xin đừng vội lướt qua "vị ngon" qua từng câu chữ của nhà văn giàu tình yêu với Thủ đô này. Có lẽ, sau khi "thưởng phở" qua câu chữ, bất cứ ai cũng cảm thấy thèm thuồng, ngay lập tức chỉ muốn đứng dậy, ghé một quán phở quen hoặc sáng đương mùa thu, dậy sớm, lên phố cổ để tìm cho kỳ được một quán phở ngon để thưởng thức cái tinh túy của Hà Nội chắt chiu bao năm này.

Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 2.

Phở Hà Nội luôn hấp dẫn bởi câu chuyện văn hóa được gửi gắm trong đó.

Phở Hà Nội - món quà căn bản ai cũng phải thử một lần

Trong cuốn Miếng ngon Hà Nội , khi nhắc về phở, Vũ Bằng đã khẳng định người Việt Nam có thể không ăn bánh bao, bánh bẻ, mì vằn thắn hay xôi lúa nhưng chắc chắn ai cũng đã từng ăn phở.

"Rẻ lắm. Theo giá trị của đồng bạc bây giờ năm đồng một bát phở, mà ba đồng cũng được một bát phở ngon như thường. Vì thế, từ cô bán hàng trong một cửa hiệu buôn cho đến một ông công chức, từ một bà mệnh phụ nhà có cửa võng sơn son thiếp vàng, đến một người thợ vắt mũi không đủ nuôi miệng, ai cũng ăn bát phở. Ngon miệng thì ăn hai, riêng tôi thì tôi đã từng thấy có người điểm tâm buổi sáng tới ba bát liền, mỗi bát tám đồng, vị chi là hai mươi bốn, hai mươi nhăm đồng bạc.

Thật thế, phở với một hạng người, không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện, như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện. Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương đẩy bước chân ta, thúc bách ta phải trèo lên đỉnh núi để vào trong chùa rồi lại ra chùa ngoài. Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở: Thật là cả một bài trí nên thơ.

Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có... Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.

Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được...

Ấy vậy mà người sành ăn phở, người ăn phở kỹ càng không thể dễ tính, nhất tề bước vào một cửa hiệu phở thứ nhất nào để mà ăn liều ăn lĩnh.

Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 3.
Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 4.

Không nhà hàng sang trọng hay cửa hiệu rộng rãi, những hàng phở nho nhỏ len lỏi khắp phố cổ Hà Nội mang một phong vị đặc trưng Hà thành.

Bởi vì những người sành ăn đó, thường không tin gì cho lắm ở những hàng phở mở cửa hàng. Người ta bảo rằng phần nhiều những hàng phở mở hiệu như thế, nước dùng không được ngọt, hoặc có ngọt là cái ngọt của mì chính, chứ không phải là cái ngọt của xương bò, ấy là chưa nói rằng lại còn cửa hiệu phở quá vụng về muốn có nước dùng ngọt lại cho đường vào nữa. Ăn phải một bát phở như thế, không những tiếc tiền, mà lại còn thấy phí phạm cả cái công ăn, đến sinh ra lợm giọng, bực mình là khác.

Vì thế, người ăn phở muốn cho thật đúng cung cách, phải thăm dò, phải điều tra, phải thí nghiệm kỹ càng rồi mới ăn mà một khi đã chịu giọng rồi, ta có thể tin chắc rằng người đó sẽ là một người khách trung thành, cũng như một người đàn ông nghệ sĩ trung thành với hơi hướng của một người yêu, cũng như một người chồng mê vợ vì người vợ đã có tài làm một hai món khéo, ăn vào hợp giọng" .

Phở xưa ở Hà Nội

Nói về cái cách ăn phở của người Hà Nội, Vũ Bằng cũng không quên nhắc đến một đoạn thật xưa khi người Hà Nội bày tỏ sự yêu thích với món ăn nhiều nước này.

"Chính vì lẽ đó, chúng ta đã từng thấy có những người vất vả vì ăn phở. Trước kia, còn thái bình, ta đã từng thấy có buổi sáng, hàng trăm người chen chúc khổ sở vào cái ngõ con bề ngang không quá một thước ở phố Hàng Khay, bên cạnh nhà Bát Si Nha hay xuống tận đằng sau chợ Hôm, trong một cái quán lá tồi tàn để thưởng thức cho kỳ được một hay hai bát phở mới yên tâm.

Thời đó, nổi tiếng có anh phở Sứt lập ra món phở giò (lấy thịt bò quận lại như cái dăm bông rồi thái mỏng từng khoanh nhỏ điểm vào với thịt). Phở Nhà thương Phủ Doãn ăn được nhưng nước hơi nhạt; phở Đông Mỹ ở phố Mới ăn êm, nhưng tẩy gừng hơi quá tay; phở Cống Vọng, kéo xe, ngon, nhưng nước dùng hơi hôi; phở Mũ Đỏ ở đằng sau miếu chợ Hôm vô thưởng vô phạt, ăn khá, nhưng chưa có gì quyến rũ.

Còn một anh phở nữa là anh phở Tàu Bay lúc đó cũng nổi tiếng lắm; sáng sáng, người ta đứng đầy cả ra ở ngã ba đầu Hàm Long, xế cửa Sở Hưu bổng để mà tranh nhau ăn, như thể lúc mới hồi cư, người ta tranh nhau đứng lĩnh "bông" sữa, bông vải vậy. Thịt mềm, nước cũng đã ngọt, nhưng thật ra thì chưa có thể gọi là trác tuyệt.

Phải đợi đến lúc hồi cư về, ta mới thấy, phong trào phở tiến nhanh và tiến mạnh như thế nào. Họa hoằn về phía chợ Đuổi mới thấy một hai hàng phở xe. Còn thì là phở gánh và phở hiệu.

Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 5.

Ảnh tư liệu.

Một gian nhà đổ căng một cái bạt, bắc vài cái ghế; một cổng đình chắn một tấm phên tre; một cái ngõ, che mấy tấm tôn và kê một hai tấm ghế dài: Thế là đã thành ra một cửa hàng rồi, ngồi ăn được, mà rất có thể lại ngon lành là khác.

Bởi vì ta phải biết rằng, người đi ăn phở - nói cho thật đúng nghĩa chữ ăn phở - không kỳ quản lắm đến sự bài trí của chỗ ăn, cũng như người ăn thuốc phiện, nghiện tiệm, không cứ là phải nằm hút ở một chỗ sang trọng có dọc đẹp, đèn pha lê và tiêm móc làm bằng bạc.

Nếu ta đã từng thấy có những người giàu có, nghiện thuốc phiện, chui vào những cầu gác bẩn thỉu, hôi hám để ăn thuốc mới thấy "đã thèm". Thì ta lại cũng thấy biết bao nhiêu người sang trọng lần mò tới chỗ rất tồi tàn để ăn cho được một hai bát phở.

Đó là do người ăn phở sành, hầu hết, chỉ chủ tâm đến cái điểm chính là phở mà thôi, chứ không quan tâm đến ngoại cảnh làm gì. Điều cần thiết là bánh phải mỏng và dẻo, thịt mềm, và nhất là nước dùng phải ngọt, ngọt kiểu chân thật, nghĩa là ngọt vì nhiều xương, tẩy vừa vặn không nồng, mà lại tra vừa mắm muối, không mặn quá mà không nhạt quá.

Đạt được mấy điểm đó tức là ăn phở được đấy.

Vào khoảng 1948-1949, phở Phú Xuân ở phố Rixô ăn được; đồng thời có phở Đông Mỹ, phở Tứ. Phở Tứ, phở Tàu Bay (bây giờ đã dọn thành cửa hiệu) và một ít hàng nữa mà ta không kể hết. Nhưng phở nào hình như cũng chỉ có một thời. Vì thế, nhiều hiệu và nhiều gánh phở có tiếng bây giờ nằm ngủ ở trên danh vọng. Người ta nghiệm thấy điều này: Phần nhiều hàng phở lúc còn gánh thì ngon, mà dọn thành cửa hàng rồi thì kém.

Có phải đó là vì chểnh mảng trong sự cố gắng, hay là vì thành kiến của người ăn?

Duy ta có thể chắc được điểm này là một hàng phở đương làm ngon mà sút kém đi thì chỉ trong một tuần lễ, nửa tháng, cả Hà Nội đều biết rõ; trái lại, mới có một hàng phở nào làm ăn được thì cũng chỉ dăm bữa, mươi ngày là cả Hà Nội cùng đổ xô ngay đến để mà "nếm thử", không cần phải quảng cáo lên nhật báo lấy một dòng!

Âu đó cũng là một điểm đặc biệt trong thương trường vậy.

Nhiều người cho rằng sở dĩ thế ấy là vì món phở đứng cao hơn mọi sự lừa bịp của thời này: Phở ngon là ngon, chứ không thể lừa dối người ta được.

Mà lừa dối làm sao?

Một người lầm, nhưng không thể một nghìn người lầm được. Người ta ăn phở có phải là tiêu hóa rồi mà thôi đâu? Không.

Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 6.

Ảnh tư liệu.

Cũng như đọc một áng văn hay, gấp sách lại mà còn dư âm phảng phất, còn suy nghĩ, còn trầm mặc, người ta ăn phở xong cũng đắn đo ngẫm nghĩ, rồi có khi đem thảo luận với anh em, nhất là các công chức và các tay thương gia rỗi thì giờ thì lại luận bàn kỹ lắm. Thì ra phở không những là một món ăn, một sự thích thú cho khứu giác, mà còn là cả một vấn đề; vấn đề ăn phở, vấn đề làm phở.

Muốn thấu triệt hai phương diện của vấn đề, chúng ta cần phải bỏ mấy tiếng đồng hồ lên trước cửa trường Hàng Than để quan sát một hàng phở nổi danh nhất bấy giờ: Phở Tráng - mà có người yêu mến quá mức đã gọi (chẳng biết đùa hay thực?) là "vua phở 1952". Tráng là tên ông "vua phở" này. Nhưng người ta không gọi anh bằng tên, cũng như người ta ít khi gọi những hàng phở ngon bằng tên của người bán, mà gọi bằng tên phố người hàng phở đứng bán (như phở Tráng thì gọi là phở Hàng Than, phở Sứt thì gọi là phở Hàng Khay), hoặc gọi bằng sướt hiệu (như phở Lùn, phở Cụt, phở Mũ Đỏ) hoặc gọi bằng đặc điểm nào đó của cái cửa hàng (phở xe đầu Hàng Cá), hoặc gọi bằng tên tự (như phở Đông Mỹ, phở Tân Tân, Phú Xuân) và có khi lại gọi bằng một phù hiệu (như phở Tàu Bay, Tàu Bò)...

Vậy thì ông vua ấy tên là Tráng, nhưng người ta vẫn gọi là phở Hàng Than. Hình thù, vóc dáng của anh ta trông thật nản. Người gầy, môi hơi thưỡi, mắt thì lờ đờ như người chết rồi. Bất cứ lúc nào, nhìn thấy anh, ông cũng cảm giác đó là một người vừa mới thăng đồng, đương sống trong một cái thế giới u minh; thêm vào đó, lại bịt ở trên đầu một cái mùi soa trắng, trông mới lại càng... "thiểu số".

Người đâu mà lại "lỳ xì" đến thế là cùng! Hàng năm bảy chục người, hàng tám chín chục người đứng vòng lấy gánh hàng của anh ta, chật cả một cái hè đường để mua ăn, để "đòi ăn" - Phải, họ đòi ăn thật - mà anh ta cứ làm như thể không trông thấy gì, không nghe thấy gì.

Anh ta cứ thản nhiên, thái thịt, dốc nước mắm, rưới nước dùng - ai đợi lâu, mặc; ai phát bẳn lên; mặc; mà ai chửi, anh ta cũng mặc. Đi ôtô đến ăn cũng thế, mặc áo vải đến ăn cũng thế; các bà các cô đẹp đáo để, đến ăn cũng thế. Anh ta không đặc biệt riêng với ai - kể cũng dân chủ đấy! - Nhưng có nhiều bà tức vì anh ta không nịnh đầm.

Ghét quá. Thế thì thuê một cái nhà rộng, mượn thêm người làm có phải lợi không? Hay là điều đình với xưởng củi người ta để cho một gian, bày mấy cái bàn, cái ghế, có người trông nom, tính tiền cẩn thận có phải không mất mát không?

Mặc cho ông cứ nói, anh phở Tráng không trả lời - nhất là không bao giờ cười. Trông mà lộn ruột, muốn tát cho một cái. Chết một nỗi ghét người thì thế, nhưng đến cái phở của anh ta muốn ghét, không tài nào ghét được.

Có ai chen chúc vất vả, hò hét đứt hơi được một bát phở của anh, mà lại chưa ăn ngay, còn dừng lại một phút để ngắm nghía, phân tách bát phở đó ra thế nào không?

Thật là kỳ lạ! Bánh phở không trắng và dẻo hơn, thịt thì cũng chẳng nhiều, nhưng mà làm sao ngon lạ, ngon lùng đến thế? Chưa ăn đã biết là ngon rồi.

Cứ nhìn bát phở không thôi, cũng thú. Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu... ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức họa lập thể của một họa sĩ trong phái văn nghệ tiền tiến dùng màu sắc hơi lố lỉnh, hơi bạo quá, nhưng mà đẹp mắt.

Trên tất cả mấy thứ đó, người bán hàng bây giờ mới thái thịt bò từng miếng bày lên. Đến đây thì Tráng vẫn không nói năng gì, nhưng tỏ ra biết chiều ý khách hàng một cách đáng yêu. Ông muốn xơi chỗ thịt nào cũng có: Vè, sụn nạm, mỡ gầu, mỡ lật, vừa mỡ vừa nạc, vừa nạm vừa sụn, thứ gì anh ta cũng chọn cho kỳ được vừa ý ông - miễn là ông đến xơi phở đừng muộn quá.

Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 7.
Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 8.

Ảnh tư liệu.

Ăn phở chín thì như thế là xong, chỉ còn phải lấy nước dùng và rắc một chút hạt tiêu, hay vắt mấy giọt chanh (nếu không là tí dấm). Nếu ông lại thích vừa tái vừa chín thì trước khi rưới nước dùng, anh Tráng vốc một ít thịt tái đã thái sẵn để ở trong một cái bát ôtô, bày lên trên cùng rồi mới rưới nước dùng sau.

Thế là "bài thơ phở" viết xong rồi đấy, mời ông cầm đũa. Húp một tí nước thôi, đừng nhiều nhé! Ông đã thấy tỉnh người rồi phải không?

Nước dùng nóng lắm đấy, nóng bỏng rẫy lên, nhưng ăn phở có như thế mới ngon. Thịt thì mềm, bánh thì dẻo, thỉnh thoảng lại thấy cay cái cay của gừng, cay cái cay của hạt tiêu, cay cái cay của ớt; thỉnh thoảng lại thấy thơm nhè nhẹ cái thơm của hành hoa, thơm hăng hắc cái thơm của rau thơm, thơm dìu dịu cái thơm của thịt bò tươi và mềm... rồi thì hòa hợp tất cả những vị đó lại, nước dùng ngọt cứ lừ đi, ngọt một cách hiền lành, êm dịu, ngọt một cách thành thực, thiên nhiên, không có chất gì là hóa học... không, ông phải thú nhận với tôi đi: "Có phải ăn một bát phở như thế thì khoan khoái quá, phải không?".

Quả vậy, ăn một bát phở như thế, phải nói rằng có thể "lâm li" hơn là nghe thấy một câu nói hữu tình của người yêu, ăn một bát phở như thế, thú có thể ví như sau một thời gian xa cách, được ngã vào trong vòng tay một người vợ đẹp mà lại đa tình vậy!

Y hẳn cũng có người cảm giác như tôi, cho nên biết bao nhiêu bận đứng chờ làm phở, tôi đã thấy những người đàn bà, đàn ông, người già, trẻ con, bưng lấy bát phở mà đôi mắt sáng ngời lên. Người ta chờ lâu thì bực thật đấy, nhưng cũng vẫn cứ chờ cho được, tuồng như đã đến mà không được ăn thì chính mình lại phải tội với mình, vì đã đánh lừa thần khẩu - hay nói một cách khác, đến đấy mà không cố ăn cho kỳ được thì rồi sẽ hối hận như một người tình đã để lỡ cơ hội chiếm người yêu...

Nhưng mà dù thiết tha đến bực nào, ông cũng rất có thể một hôm nào đó bị ra về mà không được ăn - dù một bát thôi. Ấy là vì chỉ độ chín giờ, chín rưỡi thì thường là phở Hàng Than đã hết.

Cho nên những người thật nghiện phở thường vẫn rủ nhau đi ăn thật sớm. Theo lời họ nói lại, muốn thưởng thức hoàn toàn hương vị phở Hàng Than, cần phải dậy đi ăn từ sáu giờ, vào lúc trời chưa sáng hẳn. Lúc đó, trời mờ mờ chưa rõ mặt người, phố xá họa hoằn mới có dăm ba người qua lại. Anh đi ăn sẽ thấy một cái thú khác lạ nữa là ăn ngon trong tịch mịch, ăn ngon trong không khí trong lành.

Khách chưa có ai, anh muốn ăn kiểu gì, muốn xơi chỗ thịt nào, muốn dùng nước thịt bò tươi rưới lên bánh, muốn có mỡ lật, mỡ gầu, muốn nước trong hay béo, tha hồ mà hạch! Anh được như ý và anh sẽ vừa ăn vừa nhìn mấy thanh củi tạ ở trong lò kêu lách tách và bắn ra ngoài trời sắc sữa những hoa lửa vi ti màu đỏ tươi".

Hàng phở ngon, là hàng phở ăn một bát, lại muốn ăn hai

"Dù sao, ta cũng phải nhận rằng đến vấn đề ăn phở thì người Việt Nam quả là khó tính lạ lùng. Một người bạn đã từng nếm đủ hương vị của tất cả những hàng phở danh tiếng ở Hà thành khoảng ba mươi năm trở lại đây, một hôm, cho tôi biết rằng: "Đến cái năm 1952 này, phở hình như đã tiến tới chỗ tuyệt đỉnh của nó rồi, cũng như một bản nhạc tuyệt kỹ... không chê vào đâu được, nghĩa là không thể thêm một món gì hay giảm một món gì".

Theo anh ta thì phở mà cho magi vào thì rất hỏng mà quấy "lạp chiếu chương" vào cũng lại dở vô cùng. Phải là hoàn toàn gia vị Việt Nam mới được: Hồ tiêu Bắc, chanh, ớt, hành hoa, rau thơm hay là một tí mùi, thế thôi, ngoại giả cấm hết, không có thì là tục đấy!

Có người kể chuyện rằng trước đây mười lăm, hai mươi năm, đã có một hàng phở ở phố Mới tìm lối cải cách phở, cũng như Năm Châu, Phùng Há dạo nào cải cách cải lương Nam kỳ, tung ra sân khấu những bản "De đơ dà múa". Họ cho mà dầu và đậu phụ vào phở, nhưng cố nhiên là thất bại.

Sau còn có người làm phở cho cà rốt thái nhỏ, hay làm phở ăn đệm với đu đủ ngâm giấm hoặc là cần Tây, nhưng thảy thảy đều hỏng bét vì cái bản nhạc soạn bừa bãi như thế, nó không... êm giọng chút nào.

Phở Hà Nội xưa qua ngòi bút của Vũ Bằng: Không chỉ là món ăn mà còn như một thứ nghiện; giống như đọc một áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất!- Ảnh 9.

Phở gánh bên bờ sông Hồng. Ảnh tư liệu.

Một chú khách ở chợ Hôm, chuyên về lối "phở nhừ", bánh thì thái to, thịt thì thái con cờ hầm chín, nước cho húng lìu, một dạo cũng đã làm cho người nói tới, song những người sành phở chỉ dùng một vài lần thôi, vì không những đã không có vị phở, thịt ăn lại bã, mà nước thì đục mà ngấy quá.

Một hàng phở ngon là một hàng phở ăn một bát, lại muốn ăn hai và nếu còn sức ăn nữa thì phải ăn ba không thấy chán. Gặp phải ngày ta se mình, ngửi mùi thịt thấy sợ, hàng phở ngon vẫn có thể làm cho ta ăn ngon miệng với một bát phở chay, chỉ có bánh và nước thôi. Làm như thế mà ngon, thế mới là ngon đấy.

Một bát phở vừa tái vừa chín ngon, chưa đủ để định giá trị của hàng phở được; muốn biết chân giá trị của nó, theo lời người biết ăn phở, phải là thứ phở chín không thôi, phở chín mà ngon thì mới thật là ngon đấy.

Thực ra, điều quan hệ trong một bát phở là cái bánh, nhưng thứ nhứt, như trên kia đã nói, cần phải có nước dùng thật ngọt. Bí quyết là ở chỗ đó. Và tất cả những hàng phở ngon đều giữ cái bí quyết ấy rất kín đáo, y như người Tàu giữ của, vì thế cho nên trong làng ăn phở, vấn đề nước vẫn là một vấn đề then chốt để cho người ta tranh luận.

Hầu hết người ta đều nhận thấy rằng muốn có một nồi nước dùng ngon, cần phải pha mì chính. Nhưng chưa chắc thế đã hoàn toàn là phải. Thuyết cho đường nhất định là bị loại rồi. Có người cho rằng phải có nhiều đầu cá mực bỏ vào; có người chủ trương cần phải có thứ nước mắm tốt lại có người quả quyết với tôi rằng muốn có nước dùng ngọt, không thể thoát được món cua đồng - cua đồng giã nhỏ ra, lọc lấy nước, cho vào hầm với nhiều xương ống, nhưng phải chú ý tẩy cho thật khéo, mà cũng đừng ninh kỹ quá sợ nồng.

Đến bây giờ, ai đã thật biết cái bí mật ấy chưa? Riêng tôi, tôi cũng đã tìm tòi suy nghĩ rất cẩn thận mỗi khi trịnh trọng nâng một bát phở lên ăn, nhưng thú thực, tôi vẫn chưa biết rằng trong tất cả những "giả thuyết" về "phương pháp làm nước dùng phở" người ta kể ra đó, giả thuyết nào là đúng.

Kết cục, tôi đã gạt bỏ tất cả những sự băn khoăn đó sang một bên và không buồn nghĩ nữa, vì tôi thấy rằng ăn một miếng phở, húp một tí nước dùng ngon thỉnh thoảng điểm một lá thơm hăng ngát mà không biết tại sao phở lại ngon như thế thì có phần hứng thú hơn là mình biết rõ ràng quá cái bí quyết ngon của phở.

Cả một chương dài, Vũ Bằng dành để nói về phở bò Hà Nội, chỉ riêng phở bò mà chưa tính phở gà. Từ cái cách ăn phở, chọn phở, định giá phở ngon đến việc tận hưởng món tinh túy này trong suốt nhiều năm sao cho thỏa đáng.

Thế nên, một đoạn "lịch sử xưa" của Phở Hà Nội được Vũ Bằng cất giấu, tái hiện lại trong một chương chữ. Để rồi, ở bất kỳ nơi nào, lúc nào, người ta đọc được cũng thấy rằng:

"Miếng ngon Hà Nội, vì thế, nhiều khi làm cho ta yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội ê chề, và làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn... Có ai đã xa Hà Nội lâu ngày, một chiều hiu hắt vọng về Hà Nội nhớ từng cái ngõ, từng cái nhà, nhớ từng vườn Bách Thảo, hồ Hoàn Kiếm nhớ đi, nhớ từ những hoa sấu rụng ở trên đường đầu thu nhớ xuống, mà tự nhiên ở đâu có người tìm đến mang "một chút quà Hà Nội" đến cho mình, người ấy mới có thể biết "quà Hà Nội" giá trị như thế nào!

Người sành ăn, người biết ăn ngon cũng thế, ăn một miếng ngon của đất nước thấy bừng lên ở trong lòng một mối hạnh phúc, vì đã được ăn vào trong mình một chút gì của đất nước, một tinh túy truyền từ năm, tháng nọ sang tháng, năm kia".

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/pho-ha-noi-xua-qua-ngoi-but-cua-vu-bang-khong-chi-la-mon-an-ma-con-nhu-mot-thu-nghien-giong-nhu-doc-mot-ang-van-hay-gap-sach-lai-con-du-am-phang-phat-a207719.html