Nơi kết nối giao thương, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh
Tiếp nối thành công của các lễ hội lần trước, Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI năm 2024 với chủ đề "Ngọc Linh mãi mãi tự hào" diễn ra từ ngày 1 đến 3/8, tại trung tâm huyện Nam Trà My, thu hút đông đảo người dân, cộng đồng doanh nghiệp và du khách gần xa đến tham dự.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện cho hay, cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Đây là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích, được xem là "vàng xanh".
Tháng 6/2017, sâm Ngọc Linh được công nhận là Sản phẩm quốc gia và Quốc hội đã đưa sâm Ngọc Linh vào loại cây trồng chủ lực trong Khung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đặc biệt, ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó xác định cây sâm Ngọc Linh là một loại cây chiến lược, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay, huyện Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh với diện tích trên 15.000ha; thực hiện bảo tồn được khoảng 100 ha, tương đương với khoảng 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.650 ha với hơn 1.500 hộ dân tham gia trồng; thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng, với diện tích hơn 341,75 ha.
Thời gian qua, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ tâm. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.
Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, lễ hội lần này sẽ diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, như: Phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi, lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh, chương trình khai mạc lễ hội, công bố biểu trưng huyện Nam Trà My và quyết định công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia "Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh - huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam", hội thi sâm Ngọc Linh, tổ chức thi các gian hàng ẩm thực, trò chơi dân gian đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Việc tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh đã đáp ứng lòng mong đợi, sự kỳ vọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện và bạn bè gần xa, thể hiện sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm về tổ chức sự kiện, về xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu sản phẩm quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Dự, chủ vườn sâm (Thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) cho hay: "Phiên chợ sâm Ngọc Linh và các loại sản phẩm dược liệu miền núi được tổ chức hằng tháng, đặc biệt là phiên chợ trong dịp Lễ hội sâm Ngọc Linh là cơ hội để người trồng sâm được giao lưu, trao đổi, giới thiệu và bán các sản phẩm sâm cũng như dược liệu của mình đến với người tiêu dùng hiệu quả nhất. Ngay trong buổi sáng khai mạc phiên chợ, chúng tôi đã bán được hơn 3 kg sâm Ngọc Linh củ, giá tùy độ tuổi, dao động từ 45-110 triệu đồng/kg".
Sẽ nâng cấp lễ hội sâm Ngọc Linh thành lễ hội ngang tầm quốc tế
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị của cây sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh vừa giao Sở Ngoại vụ chủ trì tham mưu UBND tỉnh sớm có văn bản đăng ký và làm việc với Bộ VHTT&DL và các bộ, ngành liên quan để xin chủ trương tổ chức lễ hội sâm quốc tế tại Quảng Nam trong năm 2025.
Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan chủ động làm việc với Bộ Y tế để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực".
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị huyện Nam Trà My tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc, không du nhập các loại giống sâm khác vào trồng trên địa bàn; phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi gian dối, trục lợi bất chính trong việc tạo giống, trồng, buôn bán sâm giả Ngọc Linh, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Việt Nam.
Bên cạnh đó, Nam Trà My cần tận dụng lợi thế về cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh để tập trung phát triển du lịch sinh thái, nhất là du lịch vùng sâm; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng, tái sinh rừng; gắn chặt việc trồng sâm với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái rừng trên địa bàn.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên quan trong việc trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần làm tăng giá trị của cây dược liệu quý này.
Nhật Anh
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/soi-noi-cac-hoat-dong-le-hoi-sam-ngoc-linh-o-vung-cao-quang-nam-a207799.html