Bình Định đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao khu vực miền Trung

Tỉnh Bình Định bắt đầu nghiên cứu, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực để tạo đột phá phát triển. Mục tiêu của tỉnh là trở thành trung tâm công nghệ cao khu vực miền Trung.

Sáng 18/8 tại Tp.Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức Hội nghị chiến lược phát triển ngành trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện quyết tâm của tỉnh Bình Định trong việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ cao, góp phần tạo ra những bước đột phá quan trọng cho nền kinh tế - xã hội.

Đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào mọi lĩnh vực phát triển tạo đột phá

Những năm qua, tỉnh Bình Định đã bắt đầu nghiên cứu để áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như quản lý đô thị thông minh, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, y tế, nông nghiệp công nghệ cao...

Những ứng dụng này không chỉ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ mà còn mang lại những giải pháp tối ưu, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả quản lý.

Tập đoàn FPT và Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) ký thoả thuận hợp tác về “phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng của tỉnh Bình Định giai đoạn 2025-2030”. Ảnh: Thu Dịu

Tỉnh Bình Định cùng với Tập đoàn FPT và Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) ký thoả thuận hợp tác về “phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng của tỉnh Bình Định giai đoạn 2025-2030”. Ảnh: Thu Dịu

Tuy nhiên, để trí tuệ nhân tạo thực sự trở thành động lực chính cho sự phát triển, cần phải xây dựng một hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ, bao gồm việc đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.

Đối với công nghiệp bán dẫn, thế giới đã xác định đây là một trong những ngành công nghiệp cốt lõi của thế kỷ 21; sản phẩm bán dẫn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong các thiết bị điện tử hiện đại mà còn là nền tảng của mọi tiến bộ công nghệ.

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Dịu

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Dịu

Đối với Bình Định, phát triển công nghiệp bán dẫn không chỉ là cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn giúp nâng cao vị thế công nghệ của tỉnh; việc này đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược dài hạn, sự đầu tư nghiêm túc vào hạ tầng công nghệ và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, phát triển công nghệ phải kể đến an ninh mạng. Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, việc bảo vệ hệ thống thông tin và dữ liệu trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Bình Định đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao năng lực an ninh mạng, tuy nhiên, để đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng, cần hợp tác chặt chẽ hơn với các chuyên gia và tổ chức quốc tế để cập nhật các giải pháp và công nghệ tiên tiến nhất. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn thông tin mà còn giúp Bình Định tạo ra một môi trường số an toàn, đáng tin cậy, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

"Hội nghị hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được, thảo luận về những thách thức đang phải đối mặt và quan trọng nhất là định hướng cho tương lai, xác định được những việc cần làm để phát triển", ông Hồ Quốc Dũng – Ủy biên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, chia sẻ tại hội nghị.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đánh giá Bình Định có tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghệ số. Ảnh: Thu Dịu

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đánh giá Bình Định có tiềm năng, lợi thế về phát triển công nghệ số. Ảnh: Thu Dịu

Tại hội nghị, ông Bùi Hoàng Phương – Thứ trưởng Bộ TT&TT, đánh giá, Bình Định là tỉnh có tiềm năng để phát triển công nghệ số nhờ vào vị trí địa lý, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như du lịch, nông nghiệp và chế biến.

Để phát triển thực sự bứt phá, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng số, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao trong các lĩnh vực mũi nhọn.

Theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, điểm thuận lợi của Bình Định là có sự đồng hành doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu, hàng đầu của cả nước.

Hoàn thiện hệ sinh thái, đưa Bình Định thành trung tâm công nghệ cao của khu vực miền Trung

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, với lợi thế, tiềm năng đã và đang có, Bình Định sẽ trở thành trung tâm nguồn lực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và an ninh mạng. Công nghệ có thể giúp các công ty, các thành phố, các tỉnh và thậm chí là một quốc gia phát triển vượt trội. So với nhiều địa phương khác, Bình Định đi sau nhưng chọn hướng đi phù hợp đó là phát triển khoa học, nghĩ về khoa học.

Với lợi thế đang có, đặc biệt là Bình Định cùng với Tập đoàn PFT xây dựng Trung tâm AI – Đô thị phụ trợ, rất nhanh chóng Bình Định trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực.

"Và Bình Định có thể nhanh chóng trở thành trung tâm AI, bán dẫn của khu vực, giải quyết những bài toán lớn nhất của thế giới, chúng tôi sẽ song hành cùng Bình Định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực AI và thu hút các chuyên gia AI hàng đầu của Việt Nam, của thế giới về với Bình Định", ông Bình trao đổi.

Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ, Bình Định chọn ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng không chỉ vì đây là những lĩnh vực công nghệ then chốt trên thế giới mà còn bởi vì những công nghệ này có tiềm năng rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Theo Chủ tịch tỉnh, để hiện thực hóa mục tiêu đưa Bình Định thành trung tâm công nghệ cao của khu vực miền Trung, Bình Định sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực; tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghệ mạnh mẽ, trong đó trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và an ninh mạng phải được đặt ở vị trí trung tâm.

Đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ đầu tư, hoạt động và phát triển tại Bình Định. Hệ sinh thái này sẽ là nền tảng vững chắc để Bình Định trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực miền Trung.

Tại Hội nghị, tỉnh Bình Định cùng với Tập đoàn FPT và Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4) ký thỏa thuận hợp tác về “phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng của tỉnh Bình Định giai đoạn 2025-2030”. Sau hội nghị, tỉnh Bình Định cùng với Tập đoàn FPT và Ban 4 phối hợp triển khai thành lập Ban chỉ đạo, Ban điều hành, các tổ công tác triển khai từng đầu việc cụ thể; Xây dựng và hoàn thiện Đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 – 2030 trình cấp có thẩm quyền; Xây dựng Kế hoạch triển khai chi tiết; làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện; Bên cạnh, định kỳ hàng quý, tổ chức họp để rà soát, đánh giá các nhiệm vụ đã triển khai, giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh và xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các công việc sắp đến đạt hiệu quả.
Trong sáng 18/8, UBND tỉnh Bình Định khởi công dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) – Đô thị phụ trợ tại Bình Định tại Tp.Quy Nhơn. Dự án có quy mô hơn 93,2 ha, tổng vốn đầu tư 4.362 tỷ đồng, do Liên danh FPT Quy Nhơn làm chủ đầu tư.
Dự án gồm 3 phân khu chức năng chính: Trung tâm AI, khu giáo dục và đào tạo, khu đô thị phụ trợ. Trong đó, Trung tâm AI là nơi nghiên cứu, đào tạo, sản xuất phần mềm, hỗ trợ chuyển đổi số, cung cấp giải pháp an ninh mạng, an ninh xã hội, AI phục vụ con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị dịch vụ. Khu đô thị phụ trợ đảm bảo cung cấp các tiện ích thiết yếu theo đặc thù khu đô thị AI, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Định, đặc biệt là nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, AI.


Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/binh-dinh-dat-muc-tieu-tro-thanh-trung-tam-cong-nghe-cao-khu-vuc-mien-trung-a208060.html