Nhà đầu tư có thể thất thoát vốn khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc. Ảnh: Phương Lâm. |
Theo đó, cơ quan quản lý tin rằng quy định hủy niêm yết bắt buộc trong trường hợp cần thiết góp phần tạo môi trường đầu tư công bằng, minh bạch. Theo đó, chỉ những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, tuân thủ quy định pháp luật mới có thể niêm yết chứng khoán lâu dài trên thị trường.
Nhằm cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn cho nhà đầu tư, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã đưa ra quy định về các trường hợp cổ phiếu bị cảnh báo, kiểm soát, hạn chế, đình chỉ giao dịch.
Ví dụ, cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục. Trước đó, Sở sẽ đưa cổ phiếu này vào diện cảnh báo hoặc kiểm soát khi lợi nhuận sau thuế là số âm.
Theo quy định, cổ phiếu bị hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì phải đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Sau tối thiểu 2 năm giao dịch trên UPCoM, doanh nghiệp có thể đăng ký niêm yết lại trên Sở giao dịch nếu đáp ứng các điều kiện niêm yết.
Từ kinh nghiệm quốc tế, UBCKNN cho biết hầu hết thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới đều có các tiêu chí rà soát, hủy niêm yết với các doanh nghiệp yếu kém, không đáp ứng đủ điều kiện duy trì niêm yết.
Tại Hàn Quốc, Thái Lan hay Nhật Bản, ngoài các doanh nghiệp bị hủy niêm yết do giải thể, phá sản còn có các tiêu chí bị hủy niêm yết liên quan tới doanh thu, vốn hóa thị trường, ý kiến của đơn vị kiểm toán, khối lượng giao dịch, vi phạm về công bố thông tin, vi phạm về quản trị công ty...
Để tránh thất thoát vốn khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, cơ quan quản lý khuyến khích nhà đầu tư nắm rõ những quy định liên quan tới việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu, trang bị kiến thức, hiểu biết về thị trường, nền tảng tài chính, uy tín và triển vọng của doanh nghiệp niêm yết.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trong việc lựa chọn cổ phiếu, xem xét khả năng tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp và những người điều hành, cũng như đánh giá uy tín và khả năng quản trị của doanh nghiệp.
"Nhà đầu tư cũng chú ý liên tục cập nhật thông tin về cổ phiếu, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, từ đó có thể nhanh chóng nắm bắt, đánh giá chất lượng cổ phiếu và ra quyết định đầu tư chính xác hơn", thông báo nêu.
Các cổ phiếu đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết thường bị bán tháo rất mạnh. Gần nhất, cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình và HNG của HAGL Agrico đều ghi nhận hàng loạt phiên giảm kịch sàn với dư bán lên tới hàng triệu đơn vị sau khi nhận quyết định hủy niêm yết trên HoSE vào cuối tháng 7.
Kể từ thời điểm công bố quyết định đến nay, thị giá HBC đã giảm 32%, còn HNG giảm 6%.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/lam-sao-de-tranh-mua-co-phieu-sap-bi-huy-niem-yet-a208075.html