Tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước

(Chinhphu.vn) - Chiều 13/8, tại TPHCM, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía nam để bàn về việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước- Ảnh 1.

Bộ Công Thương làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía nam để bàn về việc đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước - Ảnh: VGP/Anh Lê

Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, đại diện một số Sở Công Thương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hệ thống phân phối lớn khu vực phía nam.

Tại buổi làm việc, đại diện các hiệp hội ngành hàng, nhà bán lẻ lớn tại khu vực phía nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023; các doanh nghiệp (DN) kỳ vọng, trong những tháng cuối năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng lớn thì nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ được cải thiện và tăng trưởng mạnh hơn nữa so với những tháng đầu năm.

Xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi sau dịch

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Đối ngoại Aeon Việt Nam cho biết, trong năm 2024, xu hướng tiêu dùng của khách hàng có sự thay đổi đáng kể, chú trọng hơn tới các sản phẩm organic và sản phẩm thiên về sức khỏe. Trước thực tế này, Aeon cũng bày bán nhiều hơn các sản phẩm phù hợp hành vi tiêu dùng của khách hàng; đồng thời áp dụng chương trình mỗi ngày có một sản phẩm giá tốt nhằm kích cầu tiêu dùng. Cùng với đó, Aeon đẩy mạnh hợp tác với các nhà sản xuất nội địa tạo ra sản phẩm nhãn hàng riêng với giá tốt, chất lượng.

Bà Huệ cho biết, trong thời gian qua, các bộ, sở, ngành tại các địa phương đã hỗ trợ nhiều cho các DN bán lẻ, giúp kết nối với các nhà sản xuất địa phương, qua đó, giúp DN bán lẻ có thêm được nguồn hàng nội địa, chất lượng với giá cả cạnh tranh, phù hợp với người tiêu dùng.

Tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước- Ảnh 2.

Hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đưa ra chương trình “ đi chợ đồng giá” kích cầu tiêu dùng - Ảnh: VGP/Anh Lê

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam Central Retail Việt Nam cũng cho rằng, sau dịch, thói quen tiêu dùng của người dân có sự thay đổi.

Để kích cầu tiêu dùng, các hệ thống siêu thị của Cetral Retail tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn phù hợp với xu thế tiêu dùng mới, giảm tối đa 50% giá trị sản phẩm, nhưng người dân vẫn tiếp cận được nhiều mặt hàng chất lượng.

Bà Hiền kỳ vọng, các chương trình kích cầu của doanh nghiệp cũng như sự khởi sắc của nền kinh tế sẽ đẩy mạnh sức mua của người dân trong những tháng cuối năm 2024.

Địa phương cần có thêm hỗ trợ với các sản phẩm OCOP

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, để hỗ trợ các DN trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương các địa phương tích cực tổ chức các chương trình bình ổn thị trường, các điểm bán hàng OCOP, chương trình bán hàng hóa phục vụ các dịp lễ, Tết; kêu gọi các doanh nghiệp phân phối lớn, các hợp tác xã, chợ đầu mối căn cứ tình hình hoạt động và nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng chương trình hỗ trợ thu mua, chế biến, để tiêu thụ các mặt hàng thế mạnh của các địa phương.

Thông qua những hoạt động này, các sản phẩm của Việt Nam (nông sản, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng...) có thể bán trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường tiêu dùng trong nước cũng như tham gia vào chuỗi phân phối của các doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài.

Tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy thương mại trong nước- Ảnh 3.

6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước- Ảnh: VGP/Anh Lê

Tuy nhiên, theo phản ánh của các nhà phân phối lớn thì việc kết nối với nhà sản xuất tại các địa phương hiện nay còn nhiều trở ngại, manh mún, gây khó khăn cho việc thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, do chủ yếu là các DN nhỏ nên năng lực sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo yêu cầu từ các nhà bán lẻ còn nhiều hạn chế và khó thực hiện; chi phí logistics trong khâu vận chuyển hàng hóa còn cao…

Chính vì vậy, các DN kiến nghị, bên cạnh việc kết nối, các địa phương cần có thêm hỗ trợ với các sản phẩm OCOP của DN trong khâu vận chuyển hoặc có đơn vị đại diện cho các DN sản xuất sản phẩm OCOP trong tỉnh kết nối, làm việc với các DN phân phối, bán lẻ lớn.

Cũng tại buổi làm việc, nhiều DN bán lẻ, nhà phân phối lớn cũng kiến nghị, các chương trình khuyến mãi được tổ chức tại các địa phương cần được rút ngắn, tập trung, tránh dàn trải để mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Tiếp thu các ý kiến chia sẻ, góp ý của DN, ông Phan Văn Chinh cho hay Bộ Công Thương sẽ tập trung các giải pháp để phát triển nguồn hàng; thông qua các DN bán buôn bán lẻ, hiệp hội để định hướng cho sản xuất trong nước. Trong đó, khâu phân phối - lưu thông là hết sức quan trọng để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Nếu làm tốt khâu phân phối, logistics sẽ có thể sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm. Tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lê Anh


Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/tim-giai-phap-kich-cau-tieu-dung-noi-dia-thuc-day-thuong-mai-trong-nuoc-a208120.html