Sau khi kết thúc 2 lần lọc ảo cuối cùng, các trường đã đồng loạt công bố điểm chuẩn từ chiều ngày 17/8. Tính đến thời điểm hiện tại, đa phần các trường đã công bố điểm chuẩn đến thí sinh. Theo đánh giá sơ bộ, điểm chuẩn năm nay tăng khá cao ở tổ hợp xét tuyển khối C00 (Văn, Sử, Địa), cao nhất đến hiện tại là ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Văn của Đại học Sư phạm Hà Nội (29,3 điểm).
Điểm chuẩn được công bố, điều đó cũng sẽ đồng nghĩa với việc có những sĩ tử vui như được mùa vì đỗ vào ngôi trường mà mình yêu thích, nhưng cũng sẽ có những bạn ngậm ngùi vì ước mơ, mục tiêu của mình bao năm học hành không trọn vẹn. Suốt từ thời điểm các trường công bố điểm trúng tuyển đến nay, mạng xã hội rầm rộ những bài đăng về chủ đề này.
Mới đây, trong một group hơn 300 nghìn follow của phụ huynh Hà Nội, một phụ huynh đã buồn rầu chia sẻ: "Con em được 27 điểm trượt Học viện ngân hàng rồi. Cháu ở trong phòng khóc cả tối nay rồi. Em làm mẹ mà xót con quá".
Từ chia sẻ của vị phụ huynh này, nếu 27 điểm mà trượt Học viện Ngân hàng thì rất có khả năng sĩ tử trên đăng ký vào ngành Luật Kinh tế (theo tổ hợp C00, C03, D14, D15) với 28,13 điểm, vì nếu ở mức điểm 27 của con vị này mà xét vào những ngành khác, tổ hợp khác của trường đều có khả năng đỗ.
"Thật sự buồn các bác ạ, bạn ấy nỗ lực, điểm cũng không hề thấp mà sao bất công quá. Em thiết nghĩ nên quay về thi đại học như ngày xưa, không thi như bây giờ lạm phát điểm, không công bằng. Ai có điều kiện còn cho học các thứ chứ như em ở quê thì thực sự bất lực!", người mẹ này nói thêm.
Sau cùng, phụ huynh này có hỏi một "hướng đi khác" vào trường tư thục cho con và đều nhận được sự tư vấn nhiệt tình của netizen.
Phụ huynh nói gì?
Bạn sinh viên với nickname V.H.N chia sẻ: "Cô ơi, lạm phát điểm thì mọi người đều bị lạm phát mà, có phải cá nhân nào đâu. Nguyện vọng cũng có thể đăng kí nhiều nguyện vọng, xét tuyển cũng được xét nhiều phương thức, cháu thấy tất cả đều bình đẳng. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý mình. Cô động viên bạn nhé. Nhiều khi không đạt được cái gì là do ông trời đang cho mình cơ hội tốt hơn. Cháu cũng trượt nguyện vọng 1, qua 4 năm học nguyện vọng 2 thì cháu thấy vui vì mình trượt nguyện vọng 1 ạ".
"Mình nghĩ trượt là trượt, không có gì bất công đâu mẹ ạ. Không học cái này thì học cái khác", phụ huynh M.H để lại quan điểm.
Người dùng N.T.H nói: "Con mình nỗ lực, thì con người khác cũng vậy, thậm chí là nhiều hơn. Điểm con mình không hề thấp nhưng chưa chắc cao bằng con người khác. Con mình muốn vào trường đấy thì con người khác cũng vậy. Không đỗ có thể buồn, thất vọng nhưng đã thương thì động viên, an ủi con, còn có các nguyện vọng sau, chứ không được đổ thừa cho bất công".
"Mẹ động viên con cố gắng, cánh cửa này đóng lại cánh cửa khác sẽ mở ra, chỉ cần con luôn cố gắng thì nhất định sẽ thành công!", p hụ huynh H.H bình luận.
Đồng quan điểm, người dùng P.N nói: "Cuộc đời có bao giờ là công bằng đâu. Trượt trường này coi như không có duyên. Giúp con bình tĩnh xem con muốn chọn trường nào khác trong khoảng điểm đó không".
"Do chiến lược chọn nguyện vọng thôi chứ điểm của con thế con học cũng khá ok. Con nhà mình có giải thành phố, học chuyên mà hôm xét tài năng mình cố vấn cho cháu đặt vào 2 ngành sát nhau nên trượt cả 2 nguyện vọng ở Bách khoa, may còn xét đánh giá tư duy nên hôm nay cũng vào được khoa khác thấp hơn. Không học trường này thì trường khác, coi như chưa có duyên với trường vậy. Hãy động viên con, cả một tương lai phía trước nên hãy cố gắng vậy", phụ huynh N.N động viên.
Phụ huynh cần làm gì khi con trượt nguyện vọng 1?
Trượt nguyện vọng 1 không phải là điều dễ dàng đối mặt với cả phụ huynh và học sinh. Nhưng trong tình huống này, điều quan trọng nhất là phụ huynh cần giữ thái độ tích cực và cung cấp sự hỗ trợ tinh thần cho con cái. Đầu tiên, hãy khích lệ con bạn bằng việc lắng nghe cảm xúc và suy nghĩ của chúng mà không phán xét. Phụ huynh cần nhấn mạnh rằng một thất bại không phải là hết mọi cơ hội và nó không định nghĩa giá trị của một người.
Sau đó, cha mẹ nên cùng con xem xét lại quá trình ôn thi của con, khai thác những điểm mạnh để củng cố và nhận diện những điểm yếu để khắc phục. Cùng nhau tìm hiểu các phương án thay thế, có thể là nguyện vọng 2, nguyện vọng bổ sung, hay các trường cao đẳng, trung cấp chất lượng. Phụ huynh nên khuyến khích con mình tham gia các khóa học kỹ năng, tìm hiểu các chương trình đào tạo nghề hoặc tham gia các dự án tình nguyện để mở rộng kinh nghiệm.
Ngoài ra, việc đặt mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cùng với việc lập kế hoạch cụ thể để đạt được các mục tiêu này cũng rất hữu ích. Phụ huynh có thể hỗ trợ con cái bằng cách tham gia các buổi hướng nghiệp hoặc tham khảo ý kiến từ người có kinh nghiệm và chuyên môn. Đây cũng là cơ hội tốt để cha mẹ và con cái cùng nhau tìm hiểu về các ngành nghề khác nhau, từ đó có thể phát hiện ra đam mê và sở thích mới mà trước đây không nhận ra.
Quan trọng hơn cả, cha mẹ cần thể hiện lòng tin và sự tin tưởng vào khả năng và tương lai của con cái. Động viên con bạn rằng dù có chọn lựa nào, quan trọng là phải nỗ lực và làm việc chăm chỉ để đạt được thành công. Sự tự tin và quả quyết từ cha mẹ sẽ là nguồn động viên lớn giúp con cái vượt qua khó khăn và thất vọng ban đầu. Cuối cùng, hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều có con đường riêng và trượt nguyện vọng 1 chỉ là một phần nhỏ trên hành trình dài của chúng.
Tổng hợp