Sau khi các trường đồng loạt công bố điểm chuẩn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, sư phạm chính là ngành được nhắc tên nhiều nhất hiện nay. Sư phạm là ngành khoa học về giáo dục và giảng dạy trong trường học. Nói cách khác, ngành sư phạm sẽ đào tạo các thầy cô giáo và đội ngũ cán bộ cho các cơ sở giáo dục. Làm việc trong ngành sư phạm đồng nghĩa với việc tham gia vào sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề, lĩnh vực của xã hội.
Tại sao lại như vậy, hãy cùng khám phá nhé!
Điểm chuẩn cao ngất ngưởng
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, điểm chuẩn của các trường đào tạo sư phạm tương đối cao. Thậm chí, nhiều người còn nói trêu rằng chỉ có "học bá" của những "học bá" mới có khả năng trúng tuyển vào ngành sư phạm năm nay, đặc biệt là Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Lịch sử.
Giữ "ngôi vương" điểm chuẩn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 thuộc về ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội với 29,3 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc, thí sinh đạt 9,7 điểm/môn vẫn không thể trúng tuyển. Các ngành có điểm chuẩn cao kế tiếp của trường là: Sư phạm Địa lý (29,05 điểm); Sư phạm Lịch sử - Địa lý (28,83 điểm); Giáo dục đặc biệt (28,37 điểm); Giáo dục Quốc phòng và An ninh (28,26 điểm)...
Hiện tượng này cũng xảy ra tại trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khi điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử cao nhất trường với 28,6 điểm, xếp ngay sau là Sư phạm Ngữ văn với 28,56 điểm và Sư phạm Địa lý với 28,43 điểm.
Tương tự tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn cao nhất trong tất cả các ngành của trường với 28,6 điểm. Điểm chuẩn hai ngành này tăng khoảng 1,6-1,75 điểm so với năm ngoái. Theo sau là ngành Sư phạm Địa lý với 28,37, tăng gần 2 điểm. Các ngành còn lại trong nhóm Sư phạm đều lấy từ 23,69 trở lên.
Một số lý do khiến điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay cao có thể kể đến như: Chỉ tiêu tuyển sinh ít trong khi đó số nguyện vọng đăng ký nhiều, điểm chuẩn cao, chính sách đãi ngộ học phí, được ưu tiên xếp lương cao nhất...
Thật vậy bạn không nghe nhầm đâu, theo quy định, khi học sư phạm mầm non các bạn sẽ không mất học phí, một tháng còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thiếu nhân lực ngành giáo viên
Dù là ngành học hot, nhưng ngành sư phạm hiện nay vẫn thiếu rất nhiều nhân lực. Báo VTC News đưa tin, theo báo cáo trong hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo được tổ chức sáng 19/8, năm học 2023-2024 cả nước bổ sung 27.826 biên chế trong số 65.980 biên chế được Bộ Chính trị giao trong giai đoạn 2022-2026. Tuy nhiên tính đến tháng 4/2024, các địa phương mới tuyển dụng được 19.474 giáo viên.
Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn tồn tại ở hầu hết các địa phương. Tính đến tháng 4/2024, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp. Trong đó, thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy các môn học mới (tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Điều này vô hình trung đã gây khó khăn cho triển khai chương trình GDPT mới.
Lương được ưu tiên xếp cao nhất
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 với toàn bộ đại biểu Quốc hội tham gia tán thành việc điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024. Việc lương cơ sở giúp mức lương của viên chức tăng tương ứng, trong đó có lương của giáo viên các cấp.
Dưới đây là mức lương của giáo viên từ ngày 1/7:
1. Bảng lương giáo viên mầm non
Giáo viên mầm non hạng III là nhóm nhận lương thấp nhất, từ khoảng 4,9 đến hơn 11,4 triệu đồng một tháng (tùy từng bậc). Mức này cao hơn so với hiện tại khoảng 1,1-2,6 triệu đồng.
2. Bảng lương giáo viên tiểu học
Giáo viên tiểu học được xếp vào viên chức loại B có mức lương từ 5,4 triệu đến 15,88 triệu đồng/tháng tương ứng với các bậc từ 1 đến 9 và hệ số từ 2,34 đến 6,78.
3. Bảng lương giáo viên THCS
Giáo viên THCS và THPT hạng I nhận cao nhất. Trong đó, người có hệ số lương 6.78 hưởng lương gần 16 triệu đồng một tháng, cao hơn hiện tại khoảng 3,7 triệu.
4. Bảng lương giáo viên THPT
Theo quy định tại Điều 8 Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT quy định về cách xếp lương giáo viên trung học phổ thông được xếp theo 3 hạng 1, 2, 3 (áp dụng hệ số lương của viên chức tương đương loại A2 - nhóm A2.1; loại A2 - nhóm A2.2 và loại A1).
Theo nghị quyết về cải cách tiền lương, có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề... Nhưng từ ngày 1/7, các điều kiện chưa đủ thực hiện nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên như hiện tại.
Với giáo viên, tùy vị trí, nơi công tác, mỗi người có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Chưa dừng lại ở đó mới đây nhất, Báo Điện tử Chính phủ đưa tin, theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.
Tổng hợp