Giám sát về phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo ra thì phải có việc làm

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc giám sát phải chỉ rõ nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp, đào tạo ra thì phải có việc làm, đào tạo đúng ngành nghề.

Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 20/8, tiếp tục Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao".

Báo cáo dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, mục đích giám sát nhằm đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân…, đưa ra đề xuất kiến nghị, giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực.

Giám sát về phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo ra thì phải có việc làm- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát.

Nội dung giám sát sẽ tập trung vào 4 vấn đề: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Phạm vi giám sát tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước.

Giám sát phải thật sự đổi mới

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội rất quan tâm tới vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội thống nhất với cách đặt vấn đề của Đoàn giám sát, tập trung sâu vào vấn đề đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực để làm sao chúng ta phát hiện được những mặt mạnh, những việc làm được trong lĩnh vực đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong thời gian vừa qua.

Đồng thời, thấy những mặt hạn chế đối với vấn đề này, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để làm sao thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước hiện nay.

Giám sát về phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo ra thì phải có việc làm- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Về các địa phương đến giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kế hoạch đưa ra rất hợp lý khi tiến hành giám sát trực tiếp tại chính địa phương theo tiêu chí đại diện cho các vùng, miền, là hạt nhân, cực tăng trưởng và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng, trung tâm phát triển mới, sử dụng nhiều lao động, địa bàn khó khăn, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.

Về đề cương báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần có sự phân tích, dự báo đặt ra cho nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp. Đất nước muốn phát triển đi lên, thì phải quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, bảo đảm thật sự là quốc sách hàng đầu.

"Về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước đầy đủ, nhưng vừa qua có sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp, nhất là sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương hay không? Lần giám sát này phải chỉ rõ và đặt ra nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp.

Đào tạo ra thì phải có việc làm, đào tạo đúng ngành nghề. Thực tế cho thấy, có thời gian học theo phong trào, thấy cái gì dễ thì đăng ký học nhưng học ra không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ", Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Đoàn giám sát cần nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành, đã thực hiện, nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện và lý do vì sao?

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Đoàn giám sát phải thật sự đổi mới, thiết thực, lấy hiệu quả là chính. Từ đó, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự nghiệp giáo dục, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Sửa Luật Điện lực: Quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát phải đưa ra số liệu đầy đủ, có "bức tranh" tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực, đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong một mối tương quan Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới để xem xét.

"Chúng ta giám sát nhiều, đi thực tế nhiều nhưng cuối cùng sản phẩm là kiến nghị và khi kiến nghị ra cơ quan nào, ngành nào phải thực hiện chỉ ra cho rõ. Mỗi thành viên Đoàn giám sát là phải thật sự trách nhiệm, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất của mình, nhất là quan điểm đối với kết luận giám sát.

Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cùng tham gia đánh giá việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực theo lĩnh vực phụ trách....", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Đồng thời nhấn mạnh, giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải thật sự đổi mới, thiết thực, lấy hiệu quả là chính, tránh việc đi nhiều địa phương, nhiều ngành nhưng hiệu quả mang lại không lớn.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/giam-sat-ve-phat-trien-nguon-nhan-luc-dao-tao-ra-thi-phai-co-viec-lam-a208276.html