Tác phẩm Into the Valley, the Boy Walks (Psalms 23:4) của Amani Lewis từng trị giá 107.100 USD hồi năm 2021, nay chỉ còn 10.080 USD, mất 90% giá trị. Ảnh: Christie's. |
Nghệ sĩ Amani Lewis, 29 tuổi, từng có những ngày tháng huy hoàng khi tác phẩm của anh được bán đấu giá với mức giá kỷ lục.
Năm 2021, bức tranh đầy ám ảnh mà Lewis vẽ năm 2020 được bán với giá 107.100 USD, gấp đôi so với ước tính ban đầu. Hai tác phẩm khác cũng tăng giá gấp ba lần, và một nhà sưu tập thậm chí còn đề nghị trả 150.000 USD tiền mặt cho các tác phẩm mới của Lewis.
Thành công đến quá nhanh chóng, Lewis đã có những triển lãm ở Paris (Pháp) và Florida (Mỹ), nâng cấp phòng studio và mua một chiếc Tesla.
Nhưng niềm vui chẳng tày gang.
Amani Lewis cùng tác phẩm Galatians 6:2 — the carriers tại triển lãm ở Miami (Mỹ). Ảnh: Ysa Pérez/New York Times. |
Tháng 6, bức tranh 107.100 USD kia của Lewis tái xuất tại phiên đấu giá, nhưng chỉ còn được trả 10.080 USD, mất 90% giá trị.
Lewis cũng chấm dứt hợp đồng thuê căn hộ sang trọng có giá 7.000 USD/tháng ở Miami và tạm thời chuyển đến sống cùng anh trai.
Trong năm qua, khi dòng tiền rút khỏi thị trường nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ trẻ đã phải đối mặt với thất bại nặng nề, khiến sự nghiệp bị ảnh hưởng, tài chính lao dốc, theo The New York Times.
Nạn nhân của cơn sốt đầu cơ
Năm 2021, trong giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà sưu tập đã đầu cơ lên đến 712 triệu USD cho loạt tác phẩm của những nghệ sĩ sinh sau năm 1974 tại các phiên đấu giá. Đây là bước nhảy vọt so với con số 259 triệu USD chỉ 1 năm trước đó.
Nhưng trong giai đoạn 2021-2023, giá trị các tác phẩm của những nghệ sĩ này đã giảm gần 1/3, theo Artnet Price Database.
Các chuyên gia cho biết xu hướng giảm giá vẫn đang tiếp diễn. Trong nửa đầu năm 2024, doanh số bán tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ đã giảm 39% so với năm ngoái.
Các nghệ sĩ trẻ thường không được hưởng lợi nhiều từ những phiên đấu giá với giá cao ngất ngưởng, bởi lẽ phần lớn tác phẩm được bán ra lại thuộc sở hữu của các nhà sưu tập, những người đã mua trước đó và giờ đây bán lại để kiếm lời. Họ cũng hiếm khi dám lên tiếng về việc bị ảnh hưởng bởi đầu cơ nghệ thuật.
Nhìn lại, nghệ sĩ Ismail (34 tuổi) cảm thấy hối hận vì đã bán cùng lúc 5 tác phẩm cho các cố vấn nghệ thuật và nhà sưu tập. Anh nhớ lại những lời đề nghị mua tranh qua email hay Instagram, và thừa nhận rằng rất khó để phân biệt giữa nhà sưu tập chân chính và kẻ đầu cơ.
Allison Zuckerman (ảnh trái) bày tỏ sự bất lực khi giá trị tác phẩm bị chi phối bởi thị trường. Tác phẩm Woman With Her Pet của cô (ảnh phải) mất giá 91% tại phiên đấu giá tháng 6 vừa qua. Ảnh: Allison Zuckerman Studio và Kravets Wehby Gallery. |
Năm 2021, giá tác phẩm nghệ thuật tăng chóng mặt đã dẫn đến làn sóng bán tháo ồ ạt, khiến thị trường vốn đã bấp bênh càng thêm hỗn loạn. Các phòng trưng bày tranh cũng tăng giá bán, nhưng đôi khi lại đẩy giá quá cao, khiến người mua e ngại.
Khi một đại lý tăng giá tranh của Lewis vào năm 2022, triển lãm của anh đã không bán được hết tác phẩm, khiến tình hình tài chính càng thêm khó khăn. Đó chính là khởi đầu cho sự sụp đổ.
"Khi giá tăng quá cao, mọi người đều phấn khích và dễ mắc sai lầm. Giờ đây, những người mua cảm thấy mình đã trả quá nhiều đang dần rút lui khỏi thị trường", Loring Randolph, giám đốc bộ sưu tập nghệ thuật ở Dallas (Texas, Mỹ), nhận định.
Tương lai của nghệ sĩ
Emmanuel Taku, nghệ sĩ người Ghana, từng bán một bức tranh với giá 189.000 USD vào năm 2021, nhưng rồi chứng kiến tác phẩm giảm xuống chỉ còn 10.160 USD trong phiên đấu giá tháng 3 vừa qua.
Laurent Mercier, đại diện của Emmanuel Taku, bày tỏ sự "buồn bã và không tin nổi" về những gì đã xảy ra với nghệ sĩ. Những bức chân dung theo phong cách lập thể của Isshaq Ismail, từng được bán với giá lên tới 367.000 USD 2 năm trước, giờ đây không thể vượt qua ngưỡng 20.000 USD.
Allison Zuckerman, một nghệ sĩ 27 tuổi đến từ Brooklyn (New York, Mỹ), cảm thấy bất lực khi chứng kiến những cuộc đấu giá, nơi giá trị tác phẩm bị chi phối bởi thị trường, không phải bởi tâm huyết của người nghệ sĩ. Bức tranh Woman With Her Pet của cô đã được bán với giá 212.500 USD 3 năm trước, nhưng chỉ thu về 20.160 USD tại phiên đấu giá hồi tháng 6.
Tác phẩm Sisters in Pink của Emmanuel Taku giảm 95% giá trị, từ mức 189.000 USD vào năm 2021 xuống 10.160 USD trong năm nay. Ảnh: Phillips. |
Đầu cơ là một phần đặc trưng của thị trường nghệ thuật, tạo ra những cơn sốt mua vào rồi sụp đổ trong nỗi thất vọng.
Vào những năm 1980, nền kinh tế Nhật Bản mạnh mẽ và thị trường chứng khoán Mỹ sôi động đã đưa doanh số bán nghệ thuật lên những đỉnh cao mới.
Nhưng bước sang năm 1990, nền kinh tế rơi vào khó khăn, một nửa số tác phẩm nghệ thuật đương đại được rao bán tại các cuộc đấu giá lớn trong mùa thu đó đều không bán được.
Một lần nữa, vào năm 2014, một nhóm các nghệ sĩ trẻ được các nhà phê bình gọi là "Zombie Formalists" vì phong cách retro trừu tượng gây sốt trên thị trường. Nhưng chỉ 3 năm sau, nhiều tác phẩm được bán với giá chỉ bằng một phần nhỏ so với giai đoạn đỉnh cao, và đó là trong trường hợp tác phẩm có thể bán được.
"Bong bóng" lần này còn khác hơn trước. So với thời "Zombie Formalism", giá trung bình của một tác phẩm nghệ thuật đương đại năm 2021 là gần 60.000 USD, cao hơn 40%, theo Artnet.
Georgina Adam, tác giả của 2 cuốn sách về thị trường nghệ thuật đương đại, cho biết trước đây, sự thăng trầm của nghệ sĩ phụ thuộc vào thị hiếu. Nhưng ngày nay, chu kỳ ngắn hơn do đầu cơ.
Hơn 1/3 người mua tại Christie's và Sotheby's năm 2021 là khách hàng mới, có thể quan tâm đến lợi nhuận hơn là trở thành người bảo trợ lâu dài.
Về phần mình, các nhà đấu giá lớn cho biết họ cam kết thúc đẩy một thị trường lành mạnh cho các nghệ sĩ mới nổi.
"Chúng tôi sử dụng dữ liệu và hoạt động của thị trường sơ cấp để cung cấp các tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ với sự cân nhắc một cách có trách nhiệm và tầm nhìn dài hạn", Jaime Israni, phát ngôn viên của nhà đấu giá Phillips, cho biết.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/bong-bong-712-trieu-usd-cua-thi-truong-nghe-thuat-vo-tan-a208289.html