EVN gánh khoản lỗ lũy kế 47.500 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Ảnh: Việt Linh. |
Tại tọa đàm “Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết giá điện hiện nay đang có 4 bất cập lớn.
Thiếu tính thị trường, gánh nhiều mục tiêu
Trước hết, giá điện chưa thực hiện theo cơ chế thị trường. Hiện toàn bộ chi phí đầu vào để sản xuất điện như than, khí, dầu, tỷ giá… đã theo thị trường.
Thế nhưng, giá đầu ra lại không phản ánh được những biến động của các chi phí đó, có lúc thì điều chỉnh quá lâu, có lúc điều chỉnh lại không tính đúng, tính đủ, không bảo đảm bù đắp toàn bộ chi phí đã bỏ ra để sản xuất kinh doanh điện.
Theo chuyên gia, chính cách điều hành như vậy khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ lũy kế khoảng 47.500 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới.
Thứ hai, giá điện phải gánh vác quá nhiêu nhiệm vụ, đa mục tiêu. “Chúng ta muốn phải tính đúng, tính đủ, bảo đảm bù đắp chi phí nhưng phải khuyến khích thu hút đầu tư, phải đảm bảo an sinh xã hội, phải bảo đảm an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát. Rất nhiều mục tiêu. Có những mục tiêu ngược chiều nhau”, ông Thỏa nhận định.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Trong khi đó, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đề nghị phải dùng những biện pháp như thuế, phí, các quỹ điều tiết các thị trường để điều tiết thị trường điện chứ không chỉ trông cậy vào việc kiềm chế giá thấp để đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thứ ba, những bất cập trong cơ chế bù chéo giá điện vẫn chưa được giải quyết. Cuối cùng, giá điện chưa tách bạch giữa giá với chính sách an sinh xã hội.
Cũng trong chính sách giá điện vừa qua, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng việc giảm giá điện khiến ngành điện chịu nhiều áp lực phải gánh vác.
Ví dụ như đợt dịch Covid-19, Chính phủ quyết định giảm giá điện nhưng không quy định chính sách để điều tiết thị trường hợp lý, chính sách thuế xử lý như thế nào, các công cụ thị trường xử lý ra sao và chính sách an sinh xã hội nên tách ra thế nào.
Cho nên, chính sách giá điện vẫn còn lẫn lộn, không bảo đảm đúng nguyên lý về giá cả để bảo đảm mục tiêu khuyến khích ngành điện phát triển, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
"EVN lỗ tức Nhà nước mất vốn"
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Hồi, cho rằng vấn đề quan trọng nhất nằm ở khâu điều hành giá cả.
Thực tế, phép tính giá điện mỗi nước lại khác nhau, không có cách tiếp cận chuẩn, đúng cho tất cả hệ thống điện, dù là tiếp cận theo chi phí bình quân hay tiếp cận theo chi phí biên vì ngành điện rất đặc thù. Song, phương thức tính toán bao giờ cũng có những điểm chung.
Đầu tiên là tính đúng, tính đủ trong chi phí mà hộ tiêu thụ gây ra cho hệ thống điện. Đây là điểm đầu tiên mà các quốc gia bao giờ cũng cố gắng hướng đến. Với cách tiếp cận như thế, cơ cấu biểu giá bao giờ cũng phải thể hiện đúng.
Điểm thứ hai, giá điện của Việt Nam hướng tới đa mục tiêu trong khi trên thế giới tách bạch tương đối rõ.
“Mặc dù tôi xin khẳng định giá điện ở nước nào cũng có sự điều tiết của chính phủ. Bảo rằng sản phẩm này 100% theo thị trường là không có, nhưng vấn đề là điều tiết như thế nào”, chuyên gia kinh tế năng lượng này chia sẻ.
Về cơ bản, ông Hồi đề nghị tách bạch giữa hoạt động mang tính chất công ích và những hoạt động mang tính chất thị trường.
Bây giờ cấp điện ra đảo, chi phí cung ứng là 7.000-8.000 đồng, nhưng vẫn bán giá đồng nhất trên toàn quốc là khoảng 2.200 đồng. Trong khi Việt Nam đang gom vào thì ở nước ngoài, phần hỗ trợ từ phía chính phủ được tách bạch rất rõ ràng.
Chuyên gia Bùi Xuân Hồi đề xuất nâng giá điện nếu muốn cân bằng tài chính cho EVN. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Trong quá trình đấy, bắt buộc phải điều tiết dần, ưu tiên cho sản xuất dần giảm đi và trả đúng vai trò của hộ sản xuất. Tuy nhiên, khi tình trạng chênh lệch và không điều chỉnh kéo dài quá lâu, việc ngay lập tức xóa bù chéo sẽ gây sốc cho nền kinh tế.
Theo vị chuyên gia, EVN là đơn vị bán lẻ điện lớn nhất hiện nay. Nếu giá điện thấp, đầu tiên EVN lỗ, mà EVN là doanh nghiệp Nhà nước, nên lỗ tức là Nhà nước mất vốn. Nếu EVN có lợi nhuận thì Nhà nước có lợi nhuận, có cơ hội để EVN tái đầu tư mở rộng.
Khái niệm tái đầu tư mở rộng là khái niệm của ngành điện, bởi năm nào cũng tăng trưởng chứ không bao giờ dừng quy mô, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Như vậy, không có lợi nhuận thì không có tái đầu tư mở rộng và chắc chắn ảnh hưởng đến đầu tư nguồn điện và lưới điện.
Nếu tình hình tài chính của EVN như thế, bản thân khả năng EVN tái đầu tư rất khó, cho nên khía cạnh phát triển nguồn điện, lưới điện bị ảnh hưởng, nguy cơ thiếu điện xảy ra.
Thứ hai, khi EVN lỗ quá nhiều, mất khả năng thanh toán thì những doanh nghiệp khác tham gia vào bán điện cho EVN chắc chắn bị ảnh hưởng, tạo thành hiệu ứng domino, dẫn đến câu chuyện thu hút đầu tư ngành điện khó khăn.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/evn-lo-gan-48000-ty-dong-2-nam-qua-co-phai-do-gia-dien-a208299.html