Cha già lập di chúc để lại toàn bộ nhà đất cho con trai, bị con gái "tay trắng" kiện ra toà đòi thừa kế: "Con mới là người đứng tên trên sổ đỏ"

Hoá ra, đằng sau mâu thuẫn phân chia tài sản của gia đình Trung Quốc này còn ẩn chứa một câu chuyện đáng buồn khác.

Theo Toutiao, năm 2022, ông Trần Thụ Sâm, 65 tuổi, ở Hồ Nam, Trung Quốc, bất ngờ đến đài truyền hình địa phương để nhờ tìm con gái ruột là Trần Lê. Theo chia sẻ, người con này đã cắt đứt liên lạc với gia đình từ 4 năm trước sau khi biết tin ông viết di chúc để lại ngôi nhà 200m2 đang ở cho em trai. 

Lúc này, sức khỏe của ông Trần đã suy yếu do bị ung thư. Biết thời gian của mình không còn nhiều nên ông cụ này muốn gọi con gái về để bàn bạc và sắp xếp ổn thoả chuyên phân chia gia sản trước khi qua đời. Tuy nhiên vì Trần Lê không chịu nghe điện thoại của cha mẹ nên ông Trần chỉ còn cách "cầu cứu" đài truyền hình.

Bi kịch gia đình từ chia thừa kế

Chia sẻ về lý do không để lại gia sản cho con gái, ông Trần cho biết Trần Lê có cuộc sống khá sung túc. Vợ chồng cô không chỉ điều hành một đại lý ô tô cũ mà sống trong một biệt thự lớn. Cũng vì thế nên ông cụ này cho rằng con gái không thiếu tiền và quyết định để cậu con trai khuyết tật Trần Minh thừa kế ngôi nhà đang ở.

Lần theo những thông tin mà ông Trần cung cấp, phóng viên đã dẫn ông Trần tìm đến nơi chị Trần Lê sinh sống. Vừa thấy con gái, ông Trần đã lấy di chúc ra và yêu cầu cô ký vào giấy nhường lại căn nhà 200m2 ở quê cho em trai. 

Sau nhiều năm gặp lại, khi nhìn thấy toàn bộ tài sản viết trong di chúc vẫn được để lại cho em trai mình, Trần Lê không giấu được sự tức giận mà hét lớn: "Sao cha lại làm thế. Căn nhà đó là của con. Con mới là người đứng tên trên sổ đỏ."

Trước sự chứng kiến của phóng viên, người phụ nữ này bắt đầu kể lại đầu đuôi sự việc. 

Từ nhỏ, cô đã không được cha quan tâm chăm sóc vì ông đã dành trọn tình thương cho cậu em trai kém may mắn. Năm 17 tuổi, Trần Lê phải một mình ra ngoài làm việc kiếm tiền để phụ cha mẹ trang trải cuộc sống. Đến tuổi trưởng thành, cô lập gia đình và không còn sống cùng họ. Tuy nhiên cũng từ đó, cha cô hiếm khi quan tâm và hỏi han đến con gái. Chỉ đến khi cha cô thiếu tiền mua nhà vào 4 năm trước, ông mới tìm đến con gái để hỏi vay 20.000 NDT (hơn 69 triệu đồng).

photo-1724226099488

Lúc đó, ông Trần nói rằng sẽ để Trần Lê đứng tên trên sổ đỏ nên về pháp lý, ngôi nhà trên thuộc sở hữu của cô. Tuy nhiên, vì không có nhu cầu ở nên Trần Lê đã để cha mẹ mình tuỳ ý sử dụng căn nhà. Không ngờ vì lý do này mà cha cô đã tự ý đổi tên chủ sở hữu căn nhà này thành tên của em trai. 

Sau khi biết được chuyện này, Trần Lê rất tức giận. Nhận thấy cha mẹ lúc nào cũng thiên vị em trai, cô đã quyết định cắt đứt liên lạc với họ. Chia sẻ với phóng viên, người phụ nữ này cho biết bản thân cô không ham tiền mà chỉ muốn cha đối xử công bằng hơn với mình.

Nghe con gái nói vậy, ông Trần vội lấy ra một tờ giấy và đưa cho phóng viên. Trong đó ghi rõ thỏa thuận về khoản vay năm xưa của 2 cha con họ. Thoả thuận nói rằng nếu ông Trần trả lại tiền cho con gái mình trước năm 60 tuổi, ngôi nhà mới mua sẽ thuộc về con trai Trần Minh. Nếu không, nó vẫn sẽ là của con gái Trần Lê.

photo-1724226185314

Theo ông Trần, hiện tại, vợ chồng ông đã trả hết 20.000 NDT cho con gái. Không những thế, cả hai còn chi thêm tiền để sửa sang căn nhà đó trong suốt nhiều năm qua. Điều đó cũng có nghĩa là ngôi nhà này giờ đã thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông nên việc truyền lại tài sản này cho con trai là hợp lý. Tuy nhiên, Trần Lê lại cho biết cha cô thực sự đã trả tiền nhưng chậm hơn so với thời gian ghi trong thỏa thuận. Người phụ nữ này cũng khẳng định giấy chuyển nhượng nhà của cha cô là không có giá trị pháp lý khi chưa có sự đồng ý của cô.

Khi mâu thuẫn giữa 2 cha con họ Trần lên đến đỉnh điểm, phóng viên và những người có mặt lúc đó đã cố gắng hoà giải. Tuy nhiên, ngay cả khi con gái Trần Lê đã xuống nước, đồng ý chỉ lấy 1 nửa giá trị của căn nhà thì cha cô là ông Trần vẫn không chấp nhận. Cuối cùng, cả hai chỉ có thể nhờ tòa án phân xử.

Tòa án vào cuộc phân xử

Sau khi xem xét kỹ tình tiết của vụ việc, tòa án địa phương cho rằng hợp đồng mua bán nhà của cô Trần Lê là hợp pháp và có hiệu lực. Do đó, chủ sở hữu của căn nhà tranh chấp chính xác là của cô Trần Lê.

photo-1724226210413

Căn cứ theo Điều 220 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, việc chuyển nhượng, thay đổi quyền sở hữu bất động sản phải được sự đồng ý của chủ sở hữu bất động sản đó. Trong trường hợp này, việc cha cô là ông Trần làm giấy chuyển nhượng quyền sở hữu cho con trai Trần Minh nhưng không có sự đồng ý của chủ sở hữu là con gái nên giấy tờ chuyển nhượng không được xem là hợp lệ. Do đó, tài sản là ngôi nhà 200m2 nói trên vẫn chưa được đổi chủ và thuộc về Trần Lê.

Dưới phán quyết của tòa án, tranh chấp trong gia đình họ Trần cuối cùng cũng được giải quyết, thế nhưng, mối quan hệ của họ không thể quay về như trước bởi những mâu thuẫn giữa họ vẫn còn đó. Bề ngoài, mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn về tranh chấp tài sản. Thế nhưng sâu xa hơn, đó là hệ quả của việc cha mẹ thương con không đồng đều, để rồi tình cảm gia đình theo đó cũng ra đi.

(Theo Toutiao)

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/cha-gia-lap-di-chuc-de-lai-toan-bo-nha-dat-cho-con-trai-bi-con-gai-tay-trang-kien-ra-toa-doi-thua-ke-con-moi-la-nguoi-dung-ten-tren-so-do-a208387.html