Cha mẹ dạy con tử tế trong 4 tình huống này chẳng khác nào "hại" con

Hãy dạy con tử tế tuỳ lúc.

Chúng ta luôn nhấn mạnh rằng là con gái thì phải tốt bụng, dịu dàng và yêu thương. Tuy nhiên, sự tử tế quá mức đôi khi có thể khiến con bị tổn hại. Là cha mẹ, chúng ta nên dạy con gái không nên quá tử tế trong một số tình huống nhất định để bảo vệ quyền lợi cũng như sự an toàn của chính mình.

Cha mẹ dạy con tử tế trong 4 tình huống này chẳng khác nào

1. Khi gặp yêu cầu từ người lạ (đặc biệt là những người đàn ông khoẻ mạnh), con không nên tử tế

Chúng ta thường dạy con phải biết giúp đỡ nhưng đừng quên cảnh báo con nên cảnh giác khi gặp những yêu cầu từ người lạ. Một số kẻ xấu sẽ lợi dụng lòng tốt của các bé gái và dùng nhiều lý do khác nhau để lấy thông tin cá nhân, tài sản hoặc có những hành vi không phù hợp khác. Trên thực tế, nếu một người lớn gặp khó khăn, chắc chắn họ sẽ tìm được một người lớn khác để nhờ giúp đỡ. Một đứa trẻ yếu ớt không cần phải giúp một người lớn mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trẻ rất dễ "bị dụ" nên vấn đề quan trọng là chúng không được đổi ý khi người đối diện năn nỉ thêm vài câu hoặc món quà quá hấp dẫn. Với các trường hợp trẻ không có người lớn đi kèm, hãy cảnh báo chúng về những nguy hiểm có thể xảy ra khi chấp nhận yêu cầu của người lạ mà không có sự đồng ý của cha mẹ.

2. Con gái không nên quá tử tế khi gặp phải sự đối xử bất công

Dù ở trường, ở nhà hay ngoài xã hội, các em gái đều có thể gặp phải nhiều hình thức bất công khác nhau như bắt nạt, phân biệt đối xử hoặc lạm dụng. Trong trường hợp này, các em nên học cách nói “không” một cách kiên quyết và dũng cảm bảo vệ quyền lợi của mình. Các em cần hiểu rằng lòng tốt đôi khi không có nghĩa là chịu đựng sự bất công mà là biết đứng lên bảo vệ công lý. Điều này đòi hỏi sự đồng hành của cha mẹ.

Một phụ huynh chia sẻ: "Trước đây khi nghe con bị bắt nạt, tôi rất xúc động và nghĩ, mình phải làm sao đây? Con mình đã bị đối xử bất công. Nhưng quan trọng hơn là con không biết phản kháng, để người khác ức hiếp mình. Nếu rụt rè và hèn nhát, tương lai sẽ ra sao? Khi sự tức giận và lo lắng dâng trào, tôi quên mất việc chú ý đến cảm xúc của con. Một khi nhìn thấy phản ứng của tôi, con sẽ không dám kể với mẹ khi có chuyện gì xảy ra.

Sau này, khi con kể chuyện ở trường, tôi kiên nhẫn lắng nghe và giúp con bày tỏ cảm xúc: Lúc đó con giận lắm phải không? Chắc hẳn con đang buồn một chút; không ai nhìn thấy con và con hơi sợ hãi nữa. Sự an ủi này có thể khiến trẻ cảm thấy rằng chúng được thấu hiểu và có được sự tự tin. Ngoài ra, nếu ai đó cứ bắt nạt con gái, tôi sẽ không bỏ qua khi những lời như "Con nít đánh nhau là chuyện bình thường"; "Hai bên đều có trách nhiệm" và "Tôi sẽ nhắc con, đừng lo lắng". Bởi vì một khi bạn không xem xét nghiêm túc, hai ba ngày nữa bạn sẽ lại phát hiện ra con mình bị đánh.

Thông thường, trẻ con cãi nhau một chút cũng không sao, nhưng nếu việc đó lặp đi lặp lại, tôi sẽ trực tiếp đến gặp cha mẹ của đứa trẻ kia, yêu cầu đứa trẻ trực tiếp xin lỗi và hứa lần sau sẽ không bắt nạt người khác. Khi chúng ta đứng về phía con, con sẽ cảm thấy an toàn và biết rằng con có thể dựa vào cha mẹ và gia đình khi bị bắt nạt. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng và sự lo lắng của con".

3. Con gái cũng phải học cách từ chối khi gặp phải những yêu cầu vô lý

"Bạn nhảy xuống bậc thang này, tôi sẽ cho một món đồ chơi"; "Bạn thật nhát gan, ngay cả chỗ này cũng không dám nhảy"; "Tôi sẽ đưa cho bạn một cây gậy, đi đánh đứa kia đi"... Hãy nói với con đây là những tình bạn "giả".

Bởi vì, những người bạn tốt thực sự không bao giờ bắt con làm những điều xấu hay đặt con vào tình huống nguy hiểm. Không chỉ về tình bạn mà bất kỳ khi nào đi ra ngoài, chúng ta phải cảnh báo con cái: An toàn là yếu tố cần lưu tâm đầu tiên. Nếu ai đó sai con làm những điều xấu và làm bất an, hãy dũng cảm nói không, dù đó là người mà con rất tin tưởng.

Trẻ có thể không tự biết những lúc nào phải từ chối, do vậy cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu và giúp trẻ định nghĩa về những việc có thể và không thể. Từng bước, thông qua các tình huống khác nhau, trẻ sẽ dần dần học được cách nhận biết tình huống nào nên nhận lời tình huống nào nên từ chối.

4. Khi gặp phải hành vi quấy rối, tấn công tình dục, phải luôn cảnh giác và đừng thỏa hiệp

Quấy rối, tấn công tình dục là mối đe dọa lớn đối với các bé gái, nhiều em bị tổn hại vì quá tốt bụng hoặc thiếu ý thức tự bảo vệ mình. Vì vậy, với tư cách là cha mẹ, chúng ta nên dạy con gái mình học cách xác định và từ chối những liên hệ không phù hợp cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, chúng ta phải để con gái mình hiểu rằng thân thể và nhân phẩm của chúng là bất khả xâm phạm, bất kỳ hình thức quấy rối nào đều không thể chấp nhận được.

Là cha mẹ, hãy giáo dục con gái mình học cách suy nghĩ độc lập, học cách phân biệt đúng sai, học cách bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của mình. Cần để con gái hiểu rằng lòng tốt là một đức tính tốt đẹp, nhưng tử tế quá mức cũng có thể làm tổn thương chính mình. Nên dành cho con gái mình sự quan tâm và hỗ trợ đầy đủ để chúng học cách tự bảo vệ mình, biết thể hiện lòng tốt đúng cách và trở thành những người phụ nữ tự tin, mạnh mẽ, độc lập khi lớn lên.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/cha-me-day-con-tu-te-trong-4-tinh-huong-nay-chang-khac-nao-hai-con-a208789.html