Một video từng khiến CĐM Trung Quốc xôn xao tái hiện cảnh cảnh 2 cụ già khoảng 80 tuổi trong viện dưỡng lão, sống một cuộc sống cô đơn, không con cháu bên cạnh. Khi còn trẻ, họ mải mê làm việc kiếm tiền để cho 2 cô con gái ăn học đàng hoàng, đầu tư cho ra nước ngoài học tập. Nhưng khi các con công thành danh toại lại chẳng mảy may quan tâm đến cha mẹ.
Cô con gái lớn mở doanh nghiệp, tối ngày bận bịu với đủ việc không tên, ít có thời gian về quê thăm cha mẹ. Còn cô con gái thứ hai sau khi kết thúc chương trình du học đã ở lại nước ngoài làm việc, lấy chồng và sinh con, vài năm mới về quê một lần.
Giờ 2 ông bà già di chuyển khó khăn, không ai ở bên chăm sóc nên chỉ có thể tự mình nương nhờ viện duỡng lão. Khi được hỏi "Nếu lựa chọn lại, ông bà vẫn cho con ra nước ngoài học tập chứ?". Câu trả lời của ông lão khiến vô số người phải suy nghĩ: "Có lẽ là không, thật tốt khi có các con ở bên cạnh".
Tuổi già cô đơn dù con cháu "công thành danh toại"
Khi chúng ta còn nhỏ, cha mẹ luôn cố gắng hết sức đầu tư để con được "bay cao, bay xa". Chỉ cần tương lai của con cái tốt hơn, cha mẹ sẵn sàng hy sinh mọi thứ. Nhưng có vẻ như mọi người đều đã bỏ qua một vấn đề. Con cái càng xuất sắc thì sau này có thể càng xa cha mẹ. Họ có sự nghiệp và những theo đuổi của họ. Một nơi chốn nhỏ bé không thể đáp ứng được ước mơ của họ, và cha mẹ họ cũng không thể giữ được họ.
Thậm chí nhiều người còn cho rằng: "Con cái càng có triển vọng thì cha mẹ càng bất hạnh khi về già".
Bà Mẫn Mẫn, 65 tuổi, đã một mình chăm sóc người chồng bị liệt ở quê nhà Cáp Nhĩ Tân trong 5 năm. Bà nhớ như in 5 năm về trước, vào khoảng 2 giờ sáng, chồng bà bị ngã từ trên giường xuống đất, lên cơn co giật rồi từ đó nằm liệt giường. Dù bà đã sơ cứu trong 20 phút nhưng vẫn không giúp chồng có được sức khoẻ như trước. Trong cơn tuyệt vọng, bà đã nhấc máy gọi khoảng 20 người nhưng đã qua mất thời điểm "vàng" cứu chữa. Lúc đó, bạn bè, người thân của 2 vợ chồng bà đều đã ngủ say, còn cô con gái duy nhất lại cách nhà 500km. Cuối cùng bà chỉ biết bất lực ngồi đợi đội cứu thương tới.
Cứ nghĩ con cái học hành chăm chỉ, được nhận vào trường Đại học ở các thành phố hạng nhất, hạnh hai, lấy bằng Thạc sĩ sẽ giúp cuộc sống cha mẹ già tốt hơn nhưng chưa hẳn vậy. Đa số người trẻ sẽ ở lại thành phố, tiếp tục theo đuổi hoài bão sự nghiệp. Cũng có nhiều người sẽ sang nước ngoài làm việc, định cư.
Khoảng cách vật lý ngày càng tăng và tốc độ già đi của cha mẹ đã trở thành một thử thách mà mối quan hệ gia đình phải đối mặt.
Liệu cha mẹ có nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái?
Tạp chí Youth Magazine PRO đã thực hiện một cuộc khảo sát và tóm tắt sáu xu hướng hiện đang diễn ra trong các gia đình Trung Quốc. Một trong những xu hướng là số hộ gia đình có người già neo đơn ngày càng tăng. Nhiều người chia sẻ nếu sinh con ở tuổi 25 thì đến khoảng 43 tuổi, họ sẽ bước vào trạng tháu cô đơn.
Thế hệ cũ thường cho rằng nuôi con cái để tuổi già có thể cậy trông. Vì thế, họ nỗ lực mang đến cho con những điều tốt nhưng thực trạng ngược lại. Càng về già, họ càng sống trong cô đơn. Họ thật hạnh phúc nhưng cũng thật đáng thương. Họ hạnh phúc, hãnh diện vì đã nuôi dạy nên những đứa trẻ xuất sắc. Nhưng họ cũng đáng thương vì con cái càng thành công thì lại càng xa cách với gia đình.
Có nhiều trường hơp ngoại lệ, không phải do con cái không hiếu thảo, bỏ rơi cha mẹ. Nhưng không thể phủ nhận người trẻ ngày nay phải đối mặt với nhiều áp lực cuộc sống, đặc biệt là trong giai đoạn lập nghiệp.
Không ít cha mẹ có định nghĩa quá hẹp về con cái. Khi con còn nhỏ, họ hy vọng con đạt điểm cao, đứng đầu trong mọi kỳ thi. Sau khi con ra trường, họ lại mong con có công việc tốt, thu nhập cao. Họ luôn dặn con dốc sức cho sự nghiệp, không phải lo lắng cho họ. Chính những áp lực vô hình đã đẩy những đứa trẻ xa rời cha mẹ.
Những đứa trẻ xuất sắc chắc chắn là sự kỳ vọng của cha mẹ và là bộ mặt của cha mẹ. Nhưng khi trải qua tuổi già và bệnh tật, bạn sẽ hiểu rằng con cái hiếu thảo, ân cần, đảm đang và đáng tin cậy là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời này.
Vì vậy, đừng trông cậy vào con cái, cũng đừng đổ lỗi cho con cái. Trong cuộc sống, mỗi người đều có cách vận hành riêng của mình. Khi còn nhỏ, mỗi người đều có lòng hiếu thảo của riêng mình. Chúng ta không thể yêu cầu con phải xuất sắc và đồng hành cùng mình. Khi nảy sinh mâu thuẫn, có lẽ chúng ta cần phải điều chỉnh tâm lý.
Theo Toutiao