Mấy hôm nay, mọi người xung quanh tôi bàn luận xôn xao về đề xuất của cử tri một số địa phương, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Bộ luật Lao động quy định người lao động được nghỉ làm, hưởng nguyên lương vào ngày 5/9 - ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Cử tri cũng đề nghị nghiên cứu tăng thêm 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ 2/9 đến 5/9) để tạo cơ hội cho công nhân đưa con đi khai giảng, đồng thời quy định ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5) là ngày nghỉ lễ.
Là người lao động, ai cũng thích được nghỉ, nên khi đọc tin này trên báo, phản ứng đầu tiên của nhiều người hẳn là vui mừng và ủng hộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng đề xuất này sẽ khó được thông qua sau khi các cơ quan chức năng nghiên cứu, cân nhắc kỹ, vì việc tăng một lúc 3 ngày nghỉ lễ không hề đơn giản.
So với Bộ luật Lao động 2012, số ngày nghỉ lễ được quy định trong Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ năm 2021) tăng 1 ngày, trong đó, vào dịp Quốc khánh, người lao động được nghỉ 2 ngày hưởng nguyên lương. Chỉ thêm một ngày nghỉ mà các cơ quan, đơn vị đã phải xem xét, bàn luận kỹ càng, nay luật sửa đổi chưa lâu đã muốn tăng hẳn 3 ngày nghỉ, chắc chắn điều này phải được nghiên cứu rất cẩn thận vì ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế chắc chắn không nhỏ.
Sẽ không hợp lý nếu lý do đề xuất kéo dài kỳ nghỉ Quốc khánh từ 2/9 đến 5/9 là để tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là công nhân, đưa trẻ đến trường. Không phải toàn bộ lực lượng lao động đều có con ở tuổi đi học, nên vào ngày 5/9 chỉ một bộ phận có nhu cầu đưa trẻ đi khai giảng. Với những gia đình có con đi học, không cần cả bố và mẹ đều nghỉ việc để cùng đưa đến trường dự lễ.
Chưa hết, lễ khai giảng chỉ diễn ra vài tiếng đồng hồ nên cha mẹ không cần nghỉ làm cả ngày trời. Hơn nữa, trẻ mẫu giáo, tiểu học hoặc ở giai đoạn đầu của bậc THCS mới cần phụ huynh đưa đi khai giảng và tham dự lễ này cùng mình. Còn học sinh lớn hơn, khoảng từ lớp 7, lớp 8 đã đủ trưởng thành để tự mình dự khai giảng mà không cần bố mẹ ở bên; các gia đình chỉ cần bố trí đưa đón như những ngày đi học bình thường là đủ.
Hơn nữa, nếu tất cả người lao động được nghỉ làm vào ngày khai giảng, vậy giáo viên và những người làm giáo dục hay các công tác liên quan thì sao?
Theo tôi, nhu cầu đưa con đi khai giảng trong vài tiếng đồng hồ của một số người không nên là lý do để tất cả người lao động có thêm 2 ngày nghỉ dịp Quốc khánh, nếu như kết quả nghiên cứu của cơ quan chức năng cho thấy việc tăng ngày nghỉ chưa có lợi cho kinh tế đất nước ở giai đoạn hiện nay.
Chúng ta coi trọng việc học hành, chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ không có nghĩa là phải bảo bọc quá mức. Trẻ lớn cũng cần biết rằng, bố mẹ rất yêu thương mình, dành những điều tốt đẹp nhất cho mình nhưng cũng có trách nhiệm với công việc, với tổ chức, đoàn thể và xã hội.
Mấy chục năm trước, học sinh thế hệ 7x, 8x vui vẻ một mình đến trường mà không hề có cảm giác tủi thân vì biết rằng mỗi tuổi một nhiệm vụ, “em đến trường, bố mẹ đến nhà máy”. Thời nay, hoàn cảnh thay đổi, bố mẹ cần và cũng có điều kiện quan tâm con nhiều hơn; nhưng trẻ lớn, sang tuổi đoàn viên rồi cũng cần có sự tự lập, độc lập nhất định, để bố mẹ có thể tập trung hơn cho công việc và trách nhiệm xã hội.
Những người có nhu cầu đưa con đi khai giảng hoàn toàn có thể xin cắt phép. Thay vì tăng ngày nghỉ, Bộ luật Lao động nên có điều khoản nói rõ bên sử dụng lao động có nghĩa vụ tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép nửa ngày hoặc một ngày vào 5/9 để đưa con đi dự lễ khai giảng. Tuy nhiên, cần có giới hạn về tuổi hoặc bậc học của trẻ, và người xin nghỉ phải chứng minh được con mình đang đi học và nằm trong lứa tuổi này, đồng thời đơn xin nghỉ phải được nộp đúng kỳ hạn.
Quy định như vậy sẽ vẹn cả đôi đường, không gây lãng phí nguồn nhân lực khi mà nền kinh tế đang cần mọi người tập trung thời gian, sức lực. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh hiện tại đã tăng lên từ 1 thành 2 ngày, kết hợp với kỳ nghỉ cuối tuần thành 4 ngày, thế là đủ dài rồi.