Hai điều kiện bán thuốc qua mạng
Thực hiện Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 29/8, các đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dược.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Tp.Hà Nội) cho biết, về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, tại khoản 1a Điều 42 dự thảo Luật sửa đổi có quy định "thuốc bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt".
Theo đại biểu, quy định như vậy là đúng nhưng chưa đủ. Thực tế, việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, việc kê đơn điện tử, làm bệnh án điện tử để đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh đang phổ biến và trong tương lai sẽ còn phổ biến hơn nữa, đó chính là thương mại điện tử.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với hai điều kiện:
Một là, thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc;
Hai là, người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó có danh sách quản lý.
Cần quy định về hạn ngạch bán lẻ với chuỗi nhà thuốc
Quan tâm đến quy định về chuỗi nhà thuốc, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Tp.Hà Nội) cho biết, dự thảo luật đã đưa ra hai khái niệm mới là "cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc" và "nhà thuốc hoạt động trong chuỗi".
Đây là một mô hình kinh doanh phù hợp với thực tiễn hiện nay và được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của các nhà thuốc, đại biểu cho rằng cần có quy định về hạn ngạch bán lẻ đối với chuỗi nhà thuốc.
Điều này nhằm mục tiêu tạo điều kiện bình đẳng cho tất cả các nhà thuốc, dù là thành viên của chuỗi hay hoạt động độc lập.
Dự thảo luật cũng định nghĩa "chuỗi nhà thuốc" là "hệ thống các nhà thuốc của cùng một cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc theo hệ thống quản lý chất lượng áp dụng thống nhất".
Tuy nhiên, định nghĩa này còn chưa rõ ràng về việc cơ quan quản lý Nhà nước có cần phải kiểm tra, giám sát và cấp phép cho hệ thống quản lý chất lượng này hay không.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật Dược và sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế đang được tiến hành đồng thời.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng các quy định liên quan đến thuốc thuộc danh mục Bảo hiểm y tế để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp giữa hai luật này.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là một luật khó, có tính chuyên ngành cao.
Tuy nhiên, với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa và phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra, cho đến thời điểm này, nội dung của dự thảo Luật cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau Hội nghị này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo các ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Hội nghị;
Hoàn chỉnh hồ sơ, lấy ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan có liên quan và gửi hồ sơ dự án luật lấy ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/de-nghi-cho-phep-ban-thuoc-qua-mang-voi-truong-hop-kham-chua-benh-tu-xa-a209219.html