Chủ động nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Sáng 30/8, UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Báo cáo tại hội nghị, ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong 8 tháng đầu năm, có 935 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước; có 250 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã quay trở lại hoạt động. Lũy kế đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 12.983 doanh nghiệp đang hoạt động.
Mặc dù, Chính phủ và địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh có 138 doanh nghiệp giải thể và 715 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023.
Về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, trong 8 tháng đầu năm, có 47 hợp tác xã thành lập mới. Các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động đa dạng lĩnh vực, ngành nghề, ngoài đóng góp trực tiếp về kinh tế của hợp tác xã còn góp phần hỗ trợ kinh tế thành viên tạo việc làm và có nhiều đóng góp tích cực về mặt xã hội.
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện và thường xuyên nắm bắt hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, có 134 nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh, trong đó 6 nhà đầu tư nước ngoài, 87 nhà đầu tư trong nước. UBND tỉnh đã phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng số vốn đầu tư 2.894,04 tỷ đồng. Đồng thời, phê duyệt điều chỉnh 22 quyết định chủ trương đầu tư, trong đó một số dự án có điều chỉnh tổng vốn đầu tư từ 299,9 tỷ đồng lên 588,6 tỷ đồng.
Tỉnh cũng nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, dịch vụ phát triển kinh doanh. Để rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai ác giải pháp, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp .
Đối với lĩnh vực đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập mới cho doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 2 ngày và từ 3 ngày xuống còn 1 ngày đối với một số thủ tục đăng ký thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp so với quy định. Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã triển khai rà soát các thủ tục hành chính ở cả 3 cấp theo hướng giảm thời gian giải quyết và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời công bố, công khai theo quy định.
Thận trọng với những doanh nghiệp thành lập để mua bán hóa đơn
Tại hội nghị đã có 8 lượt ý kiến với 21 nội dung phát biểu của đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các ý kiến tập trung vào một số nhóm vấn đề như: Chi phí hóa đơn điện tử ở mức cao; xúc tiến thương mại và kết nối giao thương ở nước ngoài; hỗ trợ tiếp cận vốn vay trong quá trình sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp; giải pháp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh; giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển; tiền thuê tài sản, miễn giảm tiền thuê đất, chênh lệch tiền thuê đất giữa các địa bàn huyện trong tỉnh, tận thu phần tài sản cho thuê,...
Một đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk cho biết, những năm gần đây, do những biến động của kinh tế toàn cầu về lạm phát, lãi suất, tỉ giá hối đoái, lãi suất ngân hàng neo ở mức cao... đã ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã thua lỗ, dẫn đến phá sản.
Qua tổng hợp các ý kiến, đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk thông tin, một số doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp nhỏ mong muốn, ngoài chính sách của Chính phủ, của Nhà nước thì tỉnh Đắk Lắk nên có chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ nguồn vốn vay cho các doanh nghiệp với mức lãi suất thấp hơn mức quy định. Bên cạnh đó, làm thế nào để các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi nhất.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Kim Cương, Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho hay, về lãi suất cho vay hiện nay khoảng từ 5-7% đối với cho vay ngắn hạn và 8-10% cho vay trung hạn. "Lãi suất này tốt hơn nhiều so với trước năm 2020. Đối với ý kiến về lãi suất cho vay đặc thù, đây là một mong muốn chính đáng nhưng rất khó... Tuy nhiên, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến này và có báo cáo về ngân hàng trung ương" - ông Cương khẳng định.
Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk nêu ra một số ý kiến liên quan đến chi phí hóa đơn điện tử.
Bà Anh chia sẻ: "Một điều rất vô lý là khi chúng tôi mua hàng của doanh nghiệp đó thì họ vẫn đang hoạt động, có điều kiện kinh doanh theo quy định. Trong hóa đơn điện tử, Tổng cục thuế đều nắm, quản lý. Tuy nhiên, khi kiểm tra cuối năm 2023 thì doanh nghiệp đó phá sản, bỏ trốn. Do đó, hóa đơn đó của chúng tôi không được tính, thậm chí còn phải nộp phạt... Vấn đề này thuộc Cục thuế hay của doanh nghiệp".
Cũng theo bà Anh, hiện nay, chi phí hóa đơn điện tử quá cao. "Một hóa đơn điện tử rất nhiều tiền. Bây giờ, Cục thuế buộc bán 1 cây kem, 1 lít xăng phải ra 1 hóa đơn. Trong khi đó, 1 cây kem, chúng tôi chỉ lãi 1 nghìn đồng chưa trừ chi phí, khấu hao, tiền công... Trước đây, chưa có hóa đơn điện tử, một năm cao nhất chỉ mất 25 triệu đồng tiền hóa đơn nhưng hiện nay chúng tôi phải mất 27 triệu đồng hóa đơn. Ngoài ra, chúng tôi phải có 1 công nhân ngồi đó in hóa đơn hàng ngày. Do đó, tôi đề nghị nhà nước thu tiền thuế thì nên làm việc với viễn thông và trả tiền hóa đơn này để chúng tôi không phải trả hóa đơn, không còn phải ngồi in hóa đơn ra" – bà Anh cho hay.
Giải đáp thắc mắc của bà Anh, ông Phạm Thanh Long, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đắk Lắk cho hay, về hóa đơn điện tử, ngành thuế thống nhất triển khai từ tháng 7/2022. Theo đó, 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử và không còn sử dụng hóa đơn giấy truyền thống như trước đây nữa. Cùng với việc sử dụng hóa đơn điện tử, hiện nay, Tổng Cục thuế đã hình thành một cơ sở dữ liệu lớn liên quan đến hóa điện tử. Tức là tất cả hóa đơn trên địa bàn toàn quốc, ngành thuế đều quản lý được.
Tuy nhiên, ngành thuế quản lý được ngay tại thời điểm doanh nghiệp xuất hóa đơn. Đối với nội dung kinh tế có phát sinh thực tế theo các nội dung ghi chép trên hóa đơn không thì chỉ có doanh nghiệp mua hàng và doanh nghiệp bán hàng mới nắm được. Tại thời điểm này, ngành thuế không nắm được để cảnh báo cho doanh nghiệp.
Cũng theo ông Long, trong thời gian qua, có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định về thành lập doanh nghiệp, hóa đơn điện tử để lập doanh nghiệp mua bán hóa hóa đơn khống. Đến khi thực hiện kê khai thuế, các doanh nghiệp này sẽ bỏ trốn. Các doanh nghiệp này, sau đó các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và kết luận, đó là những doanh nghiệp chỉ thành lập để mua bán hóa đơn. Với những trường hợp này, cơ quan thuế sẽ phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, ông Long khuyến cáo, các doanh nghiệp trên địa bàn khi tìm hiểu các đối tác bán hàng thì phải tìm hiểu kỹ, đặc biệt lưu ý các trường hợp doanh nghiệp đăng ký nhiều ngành nghề, mới thành lập và chưa có lịch sử giao dịch và lịch sử chấp hành chính sách pháp luật. Các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng khi giao dịch với các đơn vị này.
Liên quan đến chi phí hóa đơn điện tử, theo ông Long đây là một khó khăn mới phát sinh. Vừa qua, có triển khai hóa đơn điện tử kết nối từ máy tính tiền áp dụng đối với các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ và cung cấp trực tiếp đến khách hàng theo quy định. Phát sinh từ việc này là số lượng hóa đơn điện tử tăng hơn so với trước đây. Do đó, chi phí hóa đơn điện tử sẽ lớn hơn 1 chút so với trước... Tuy nhiên, đây không phải là chi phí quá lớn ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
"Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để làm việc với các nhà cung cấp giải pháp nhằm tìm ra cơ chế giảm chi phí đối với doanh nghiệp có hóa đơn nhiều. Đồng thời, cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chính sách pháp luật về thuế cũng như phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp..." – ông Long nói thêm.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh, góp phần vào sự thành công chung của địa phương, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp. UBND tỉnh ghi nhận và biểu dương sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, mong rằng trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật, chủ động trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời. Đẩy mạnh tái cơ cấu, liên kết, hợp tác kinh doanh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.
Về phía các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ UBND tỉnh đề ra để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển với tinh thần nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh nhằm mục tiêu chung là tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế.
Khánh Ngọc
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/doanh-nghiep-keu-kho-vi-ban-1-cay-kem-cung-ton-chi-phi-hoa-don-dien-tu-a209315.html