Tuần trước, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) thông báo kế hoạch nâng cấp hệ thống. Việc này dự kiến thực hiện từ tối ngày 31/8 đến 11h ngày 1/9. Tuy nhiên, đến chiều nay, giao dịch của ngân hàng này vẫn chưa thông suốt.
Hải Anh (Hải Phòng) để phần lớn nguồn tiền giao dịch trên tài khoản TPBank, do đây cũng là tài khoản nhận lương hàng tháng. Nhận thông báo nâng cấp hệ thống, cô chuyển bớt một phần tiền qua ngân hàng khác để tiện giao dịch, nhưng không nhiều do nghĩ thời gian gián đoạn không lâu. Nhưng đến 15h ngày 1/9, hệ thống TPBank vẫn ở trạng thái quá tải, không thể đăng nhập.
"Tôi nghĩ việc gián đoạn chỉ tới cuối giờ sáng nay nên chủ quan, phải nhờ người nhà chuyển khoản từ ngân hàng khác qua thanh toán", Hải Anh nói.
Tương tự Hải Anh, Nguyễn Dũng (Hà Nội) nhận thông báo nâng cấp hệ thống của TPBank từ giữa tuần, anh rút ít tiền mặt dự phòng chi tiêu. Tuy nhiên, lúc 13h30, Dũng không thể chuyển khoản, trong khi theo thông báo trước đó từ nhà băng "việc nâng cấp hoàn thành lúc 11h".
"Ngân hàng liên tiếp lùi thời gian bảo trì hệ thống khiến khách hàng không kịp trở tay. Nếu biết trước hệ thống có thể bị gián đoạn lâu hơn dự kiến tôi đã rút thêm tiền mặt dự phòng", Dũng nói, thêm rằng hôm nay đã phải vay người thân tới ba lần để xử lý các khoản phát sinh.
Từ lâu, chị Quỳnh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) không còn thói quen rút tiền mặt khi thanh toán online qua ứng dụng ngân hàng trở nên phổ biến. Nhưng trường hợp giao dịch trực tuyến ngân hàng bị gián đoạn, chị Quỳnh Anh cũng như nhiều khách hàng khác của TPBank hôm nay rơi vào tình cảnh "dở khóc, dở cười", có tiền trong tài khoản mà không thể giao dịch.
"Chiều đưa gia đình đi siêu thị, tôi chọn đầy giỏ đồ ăn dự trữ cho tuần tới, nhưng khi thanh toán thì "đứng hình". Không đủ tiền mặt, cũng không có cách thanh toán khác thay thế, tôi đành để lại một nửa giỏ đồ tại quầy", chị kể.
Nói với VnExpress, đại diện TPBank cho biết nhà băng này thực hiện kế hoạch nâng cấp hệ thống core banking. Trước đó, ngân hàng đã thông tin về đợt nâng cấp trên các kênh để khách hàng có kế hoạch giao dịch trong thời gian hệ thống gián đoạn. Sau khi nâng cấp, hệ thống có lưu lượng tải cao và số lượng tăng đột biến dẫn tới giao dịch bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi nỗ lực khắc phục để dịch vụ được khôi phục thông suốt trong thời gian sớm nhất", đại diện TPBank cho hay.
Đến 17h45, nhiều khách hàng cho biết hệ thống TPBank có thể đăng nhập và giao dịch trở lại, chậm hơn nhiều giờ so với hạn hoàn thành nâng cấp hệ thống của nhà băng này trước đó. Dù vậy, một số tác vụ như tra cứu lịch sử giao dịch, chuyển khoản... vẫn không thể thực hiện.
Chi Anh (TP HCM) cho biết đã chờ cả chiều để chuyển khoản thanh toán một đơn hàng qua ứng dụng TPBank. Đến 18h50, cô cho biết ứng dụng ngân hàng này có thể đăng nhập, nhưng việc chuyển khoản vẫn gián đoạn.
Công nghệ phần mềm lõi (core banking) là một hệ thống các phân hệ nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng, như tài khoản gửi tiền thanh toán, tiền vay, vấn đề liên quan đến dịch vụ khách hàng. Giải pháp phần mềm core banking được xem là hạt nhân của hệ thống thông tin ngân hàng. Việc nâng cấp core banking được xem là một hoạt động lớn của mỗi nhà băng, với chi phí lên tới hàng triệu USD, giúp ngân hàng phát triển đa dạng kênh dịch vụ, sản phẩm, quản lý nội bộ chặt chẽ hơn.
Đến cuối năm 2023, TPBank cho biết có 12 triệu khách hàng. Lượng khách mới tăng hơn 40% so với năm 2022. Hết quý II, ngân hàng này có tổng tài sản hơn 361.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Quy mô cho vay và huy động tiền gửi của khách hàng đều trên 200.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, nhà băng này lãi trước thuế hơn 3.700 tỷ, tăng hơn 10% cùng kỳ năm trước.
Minh Sơn
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/giao-dich-qua-tpbank-bi-nghen-a209500.html