Hôm qua, nhà tôi rục rịch treo cờ mừng lễ Quốc khánh. Trong lúc loay hoay phụ bố mẹ, đứa con trai 5 tuổi ngước đôi mắt đầy vẻ háo hức, thì thầm: “Mẹ ơi, tại sao phải treo cờ?”. Thế là, câu chuyện trước giờ đi ngủ của mẹ con tôi thay vì cổ tích, kỹ năng sống đã thành câu chuyện về lá cờ Tổ quốc.
Nói chuyện lớn với một đứa nhỏ, tôi cố gắng diễn đạt bằng những từ ngữ cụ thể, đơn giản nhất, với niềm ước mong ở tuổi lên 5, con hiểu thêm về lá cờ đỏ sao vàng vẫn thường thấy. Đó là máu, là nước mắt của bao nhiêu người ngã xuống, để con được học hành, được ôm mẹ vào lòng, bình yên ngày hôm nay.
Lá cờ - hồn thiêng sông núi tung bay dưới bầu trời hòa bình rực sáng niềm tự hào 4.000 năm lịch sử, với ý chí quật cường, lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết để giành độc lập tự chủ. Tình yêu ấy, niềm tự hào ấy lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành nét đẹp văn hóa đậm bản sắc Việt.
Con sẽ biết rằng, lá cờ treo trong ngày này để nhớ về một thời điểm thiêng liêng: Cụ Hồ đã đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn dân đồng bào, với bè bạn năm châu “chúng ta là một quốc gia độc lập”.
Vì tôi tin rằng khi đã hiểu, đã yêu đất nước mình, tự con sẽ biết cách bảo vệ hai chữ Việt Nam, bảo vệ lá cờ của chúng ta. Con sẽ nhìn lá cờ tung bay với niềm tự hào. Con sẽ thường trực tinh thần sẵn sàng đem hết khả năng của mình phục vụ lợi ích của quê hương, đất nước.
Rất nhiều điều không thể kể hết nhưng tôi mong con trai bé bỏng có trái tim thật nóng để biết yêu nơi mình sinh ra và lớn lên, có cái đầu thật lạnh để tránh những chia rẽ, con phân biệt được đúng - sai, để từ đó quyết tâm bảo vệ những gì mình trân quý.
Lá cờ Tổ quốc là bài học đầu tiên tôi dạy con về lòng yêu nước. Rất nhiều bạn bè tôi cũng đã và đang hun đúc tình yêu thiêng liêng này cho con bằng những gì giản dị nhất, cụ thể nhất quanh mình.
Yêu nước từ điều giản đơn nhất
Cũng khá trùng hợp, hôm qua, khi nói chuyện về lá Quốc kỳ, về ngày 2/9 với con, tôi tình cờ đọc được bài viết về 1 cặp vợ chồng Việt kiều bỏ hết ở xứ người đưa con về nước định cư. Họ đang có 1 cuộc sống yên ổn ở Bắc Âu, nơi hàng tháng con được trợ cấp đến năm 18 tuổi. Họ được miễn phí từ y tế và giáo dục đến bậc thạc sĩ. Quyết định trở về xuất phát từ việc các con lớn lên, có các dấu hỏi về nguồn cội ngày càng nhiều. Họ cảm thấy mình không đủ thông thạo ngôn ngữ, văn hoá và sự kiên nhẫn để dạy con.
Ý nghĩ "Tuổi thơ của các con sẽ qua rất nhanh và lúc đó muốn dạy gì sẽ càng khó. Đây là thời điểm tốt nhất để lũ trẻ hiểu về cội nguồn" khiến họ quyết định rao bán nhà, xe và thanh lý mọi đồ đạc để về nước.
Một người mẹ khác, vốn qua nước ngoài học bằng Tiến sĩ, rồi sinh con ở quê người. Con lớn lên nơi có ngôn ngữ khác, việc học tiếng mẹ đẻ ất khó, rất hạn chế, đòi hỏi nhiều nỗ lực và quyết tâm. Tuy nhiên, nguyên tắc của chị là tranh thủ nói tiếng Việt với con mọi lúc có thể.
Mỗi lần chở con đi học, chị luôn tả cảnh cho con bằng các câu ngắn gọn. Gần như ngày nào chị cũng đọc truyện cho con trước khi đi ngủ, con lớn hơn một chút, chị dạy con đánh vần. Bởi, theo chị, là người Việt nhưng không nói được tiếng Việt là điều rất đáng buồn. Tiếng Việt còn đi kèm văn hóa. Giỏi tiếng Việt còn là giữ gìn văn hóa, nguồn gốc, bản sắc dân tộc mình.
Hiện tại, không hiếm trường hợp các em học sinh học trường quốc tế, có thể đọc vanh vách nhiều cuốn sách bằng tiếng Anh nhưng giao tiếp với ông bà chỉ gật gật đầu, thích ăn đồ Tây, không thích ăn món Việt và chỉ thích chơi cùng các bạn cũng nói tiếng Anh, học trường nói tiếng Anh như mình.
Nhiều người lo ngại, học cao, trình độ cao, nói tiếng nước ngoài "như gió" trong khi tiếng mẹ đẻ thì hoàn toàn mù tịt và đang sống tại quê hương. Không khéo chúng ta "mất con" lúc nào mà không biết.
Con người phát triển nhân cách còn thông qua giao tiếp và ảnh hưởng lớn từ giáo dục. Làm sao dạy chúng về lòng yêu nước, về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha, về truyền thống văn hóa của dân tộc khi mà chúng không rành tiếng Việt.
Vậy nên, yêu nước trước hết là dạy con gìn giữ tiếng mẹ đẻ. Những đứa trẻ Việt phải có một nền tảng cơ bản về ngôn ngữ mẹ đẻ để tránh hòa tan. Là dù con học Đông học Tây, thành thạo bao nhiêu ngoại ngữ, thì vẫn không quên nâng niu "tiếng nước tôi", không quên hồn cốt dân tộc mình.
Giáo dục gia đình là "điểm dừng" đầu tiên của lòng yêu nước
Hãy quan sát một số đứa trẻ xung quanh bạn. Chúng đã lớn lên dưới sự chăm sóc chu đáo của cha mẹ. Chúng mặc đồ của những thương hiệu nổi tiếng và nói về thời trang. Chúng biết rõ đặc điểm của từng thế hệ điện thoại của những thương hiệu nổi tiếng, nhưng có thể không biết ý nghĩa sâu sắc của ngày mồng 2 tháng 9.
Chúng luôn phàn nàn rằng cuộc sống quá nhàm chán và thiếu thốn mà quên mất hòa bình, hạnh phúc ngày nay có được là đánh đổi bằng xương máu và sinh mạng của vô số cha ông. Trong mắt nhiều đứa trẻ, ngày Quốc khánh không khác gì những ngày lễ thông thường.
Hẳn bạn còn nhớ, một Tiktoker chia sẻ về việc một bà mẹ tự hào chia sẻ "con gái học trường quốc tế từ nhỏ" nên không nói được tiếng Việt thu hút sự chú ý. Quả thật, trong clip, chỉ khi người đối diện hỏi bằng tiếng Anh, cô bé khoảng 12, 13 tuổi mới trả lời được câu hỏi. Trước kiến thức đơn giản như "Điện Biên Phủ", nữ sinh này cũng hoàn toàn mù tịt.
Khi đi học, con sẽ được chào cờ đầu tuần dưới lá cờ Tổ Quốc. Khăn quàng đỏ con đeo trên vai cũng như một phần của lá cờ thiêng liêng. Con sẽ được học những bài học lịch sử với những giai đoạn hùng tráng của cha ông. Nhưng trước đó, giáo dục gia đình là "điểm dừng" đầu tiên để con hiểu thế nào là lòng yêu nước.
Khái niệm lòng yêu nước thực ra rất trừu tượng, nếu các em "buộc" phải thấm nhuần một cách khô khan thì chỉ là cách tiếp thu “cho có”. Trong khi, trẻ từ 3 đến 9 tuổi phát triển rất nhanh về thể chất và tinh thần. Chúng bắt đầu có những ấn tượng và hiểu biết riêng về thế giới, hình thành những khuôn mẫu hiểu biết của riêng mình và thậm chí phản ánh điều này qua tính cách và hành vi của mình.
Ấn tượng khách quan tạo ra trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của trẻ về sau. Vì vậy, cha mẹ cần chú trọng giáo dục nhân cách cho con trong thời điểm này, đặc biệt là giáo dục lòng yêu nước.
Dù vậy, người lớn không thể nuôi dưỡng tình yêu đó bằng cách bắt trẻ hô vài khẩu hiệu, đọc các bài báo yêu nước, hát quốc ca… mà cần được lồng ghép vào từng lời nói, hành động trong đời sống hàng ngày. Nó phải được đến một cách tự nhiên nhất và được bồi đắp qua sách vở, âm nhạc, thơ ca và từ chính trải nghiệm của mỗi người trên mảnh đất mình sinh sống.
Yêu quê hương là giúp con từ nhỏ biết Việt Nam chỉ là một đất nước trên bản đồ thế giới, nhưng Việt Nam nằm ở đây, là nơi con sinh ra, và là nơi con đang sống, lớn lên với những người thân yêu trong gia đình mình.
Khi con còn nhỏ, con được dạy về tình yêu quê hương, đất nước bắt đầu từ những hình ảnh cụ thể: Là cánh đồng, ruộng lúa, dòng sông uốn quanh, mảnh trăng soi sáng đêm rằm; là con đường hai bên che bóng cây xanh con vẫn hàng ngày đi qua; là ngôi nhà nơi con ở, là hàng xóm láng giềng xung quanh.
Đừng "giam hãm" con trong 4 bức tường, hãy cho con tự do khám phá, hòa mình vào thiên nhiên, cảnh vật. Khi đi du lịch cùng gia đình, hãy có ý thức truyền cảm hứng cho con hiểu vẻ đẹp của đất trời, sông núi. Hãy tạo cơ hội giúp con trải nghiệm tất cả sự khác biệt của những vùng miền địa lý khác nhau, để từ bé con hiểu mảnh đất hình chữ S của mình phong phú đa dạng tuyệt vời, biết trân trọng và giữ gìn những gì đất nước mình đang có.
Yêu quê hương là giúp con trải nghiệm ẩm thực Việt Nam với những món ăn khắp mọi miền, cho con biết về những trò chơi dân gian;
Là tạo nhiều cơ hội cho con tiếp xúc với lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc qua sách, qua triển lãm, phim ảnh, qua những chuyến tham quan bảo tàng, di tích... Là trò chuyện, thảo luận nhiều hơn với con về những danh nhân, về các tác phẩm "quốc hồn quốc túy" của dân tộc để gieo vào lòng con sự tự hào.
Hãy dành thời gian đưa con đi xem lễ duyệt binh, diễu hành các sự kiện lịch sử lớn, các lễ kỷ niệm lịch sử quan trọng... Khuyến khích con tích cực tham gia một số hoạt động xã hội để trẻ trực tiếp trải nghiệm niềm vui và ý nghĩa của việc đóng góp cho quê hương. Điều này không chỉ có thể nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm xã hội của trẻ mà còn rèn luyện tinh thần làm việc nhóm và nâng cao kỹ năng lãnh đạo.
Cha mẹ hãy là những người hướng dẫn con gắn kết với từng người dân, từng tấc đất, mọi vật trên quê hương qua những hoạt động giản dị như thế. Kiểu giáo dục này giúp con thấm nhuần mọi thứ một cách âm thầm. So với cách dạy cứng nhắc, sự hiểu biết của trẻ về khái niệm lòng yêu nước theo cách này sẽ cụ thể và sống động hơn nhiều.
Tâm hồn, suy nghĩ trẻ con có thể chưa hiểu hết ý nghĩa, những gì được thấy, được nghe. Nhưng có lẽ, tình yêu nước của các em sẽ lớn lên cùng với những bài học mà cha mẹ dạy từ ngày hôm nay và mỗi ngày sau nữa.
Khi chúng ta dạy con lòng yêu nước là chúng ta đang dạy con lòng tự trọng, lòng yêu thương bản thân, dạy con trở thành một con người có cội nguồn.
Khi ta biết yêu thương đồng bào, yêu thương tất cả những điều nhỏ bé nhất ở quê hương, đất nước mình, lúc đó ta sẽ hiểu thế nào là tình yêu đất nước.