Quả khế nhiều nước, ít calo. Nó còn giàu chất xơ, vitamin A, vitamin C, kali và các chất dinh dưỡng khác, tác dụng tốt cho nhu động ruột, thúc đẩy đại tiện, ngăn ngừa táo bón, giảm ba cao (mỡ máu cao, huyết áp cao, đường huyết cao), bảo vệ tim mạch và mạch máu não.
Ngoài ra, nó còn giúp duy trì sức khỏe mắt, da, thúc đẩy khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, kháng viêm và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, ung thư.
Bạn có thể đưa khế vào thực đơn ăn uống của mình, nhằm giúp cơ thể hấp thụ được nguồn dinh dưỡng phong phú từ khế mang lại. Vào mùa hè, uống nước khế để giải nhiệt. Ăn canh khế cũng có tác dụng giảm ho.
Loại quả này chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt nhưng lại chứa ít calo. Vì vậy, khế là lựa chọn lý tưởng dành cho những người muốn giảm cân. Nó giúp bạn hạn chế cảm giác thèm ăn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Vitamin A trong quả khế sẽ hỗ trợ cải thiện thị lực, ngăn ngừa các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Cứ 100 gam khế ăn, bạn có thể hấp thụ 37,5 mg vitamin C, tức khoảng 57% nhu cầu hàng ngày, giúp nâng cao sức đề kháng.
Ai không nên ăn khế?
Bác sĩ chuyên khoa thận người Đài Loan (Trung Quốc) Jiang Shoushan chia sẻ, trong khế có lượng nhỏ chất caramboxin, có thể gây hại cho hệ thần kinh. Hầu hết người bình thường đều có thể bài tiết chất độc qua thận nên sẽ không có vấn đề gì nếu họ ăn khế.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân suy thận, chức năng thận kém, họ không thể chuyển hóa độc tố thuận lợi. Khi độc tố tích tụ trong cơ thể, có thể dẫn đến chứng tăng ure huyết. Vì vậy, nhóm người này nên đặc biệt cẩn thận.
Bác sĩ Michael Greger - chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng chỉ ra rằng, bệnh nhân mắc bệnh thận nên tránh hoàn toàn ăn khế và các sản phẩm có chứa khế.
Lưu ý khi ăn khế
Tuy loại quả này nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng bạn không nên ăn quá nhiều cùng một lúc. Những người có chức năng thận bình thường cũng có thể có nguy cơ bị tổn thương chức năng thận khi ăn 4 đến 6 quả khế hoặc hơn 300 ml nước khế nguyên chất mỗi lần. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh ăn khế khi bụng đói.