Cổ phiếu bất động sản là nhóm hiếm hoi tăng điểm phiên đầu tháng 9. Ảnh: Phương Lâm. |
Sau kỳ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch 4/9 với tâm lý nặng nề, chủ yếu bị đè nén bởi các diễn biến tiêu cực từ thị trường quốc tế.
Ngay những giờ giao dịch đầu tiên, sắc đỏ đã bao phủ bảng điện tử. Cả 3 chỉ số đều lao dốc nặng nề, riêng VN-Index có thời điểm thiệt hại hơn 15 điểm.
Chỉ số chính đại diện sàn HoSE dành nguyên ngày giao dịch dưới tham chiếu. Thanh khoản được cải thiện so với các phiên gần đây lên hơn 17.300 tỷ đồng nhưng chủ yếu do nguồn cung gia tăng.
Kết phiên, VN-Index giảm 8,07 điểm (-0,63%) xuống 1.275,8 điểm; HNX-Index giảm 1,42 điểm (-0,6%) xuống 236,14 điểm; UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,44%) xuống 93,75 điểm.
Trước đó, trên thị trường thế giới, kết thúc phiên 3/9 (rạng sáng ngày 4/9 theo giờ Việt Nam), cả 3 chỉ số chính tại thị trường chứng khoán Mỹ cùng ghi nhận ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ đợt bán tháo quy mô toàn cầu vào ngày 5/8. Trong đó, Dow Jones giảm hơn 626 điểm (-1,51%) xuống mức 40.936 điểm; S&P 500 giảm 119 điểm (-2,12%) xuống 5.528 điểm còn Nasdaq Composite giảm 577 điểm (-3,26%) xuống 17.136 điểm.
Rổ cổ phiếu công nghệ của S&P 500 dẫn đầu mức giảm và chứng kiến ngày tệ nhất trong 2 năm qua. ETF VanEck Semiconductor, chỉ số theo dõi cổ phiếu chip bán dẫn, cũng sụt giảm hơn 7%, mức tệ nhất từ tháng 3/2020.
Diễn biến này xuất hiện sau khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất phản ánh dấu hiệu suy yếu. Dữ liệu trên làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Mỹ, vốn cũng từng là nguyên nhân gây ra đợt bán tháo vào đầu tháng trước.
VN-Index rơi hơn 8 điểm trong phiên đầu tiên sau nghỉ lễ 2/9. Ảnh: TradingView. |
Tại thị trường Việt Nam hôm nay, cản 3 sàn ghi nhận 494 mã giảm (gồm 14 mã giảm sàn), 824 mã đứng giá và 289 mã tăng (gồm 26 mã tăng trần).
Đáng chú ý, tình trạng dòng tiền rời khỏi các cổ phiếu vốn hóa lớn khiến rổ VN30 chứng kiến 23 mã giảm, 6 mã tăng và duy nhất BCM giữ tham chiếu. Chỉ số đại diện rổ giảm hơn 1% để lùi xuống 1.317 điểm.
Phiên hôm nay, áp lực kéo tụt chỉ số chủ yếu đến từ VCB (-0,8%), VPB (-2,4%), FPT (-1,3%), GVR (-1,8%), TCB (-1,5%), MBB (-1,8%), PLX (-3,3%), SSB (-3,7%), HDB (-2,2%) và MSN (-1,6%).
Ngược lại, cổ phiếu VHM (+2,4%) dẫn đầu nhóm gánh thị trường gồm GAS (+0,7%), CTG (+0,7%), VRE (+2,6%), VNM (+0,5%), PDR (+3,9%), DGC (+1,3%), IMP (tăng trần), NLG (+2,4%), PGV (+1,4%).
Trong bối cảnh giao dịch ảm đạm lan tỏa khắp nhóm ngành, chỉ số ít cổ phiếu bất động sản bất ngờ trở thành điểm dừng chân của dòng tiền vào cuối phiên. Ngoài các mã kể trên, lực cầu mua vào còn thúc đẩy các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác như DXG (+1,2%), DIG (+0,6%), KDH (+0,8%), CEO (+3,1%).
Mặt khác, cổ phiếu công nghệ thông tin có diễn biến đồng pha với làn sóng tháo chạy trên thế giới, bên cạnh FPT còn có VGI (-2,5%), FOX (-0,8%), CTR (-0,7%), VTK (-1,7%), CMT (-2,1%).
Khối ngoại có phiên bán ròng mạnh nhất gần một tháng qua với quy mô 840 tỷ đồng, chủ yếu rút ròng tại DGC (-140 tỷ đồng), HPG (-107 tỷ đồng), FPT (-106 tỷ đồng), VPB (-94 tỷ đồng).
Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản như PDR (+49 tỷ đồng), DXG (+20 tỷ đồng), NLG (+19 tỷ đồng), VRE (+16 tỷ đồng), NVL (+13 tỷ đồng) lại hút dòng tiền ngoại.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/co-phieu-bat-dong-san-ganh-thi-truong-a209771.html