Bộ GTVT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (bằng lái xe); cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Theo đó, tại Dự Thảo Thông tư có những đề xuất đáng chú ý.
Cụ thể, tại Điều 42 Dự thảo Thông tư quy định về về điều kiện, thủ tục và trình tự cấp lại giấy phép lái xe vẫn sẽ kế thừa các quy định hiện hành đã ổn định, đồng thời phát huy hiệu quả trên thực tế mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Tuy nhiên, đáng chú ý tại khoản 7 Điều 42 Dự thảo Thông tư có đề xuất về việc không cấp lại giấy phép lái xe đối với các trường hợp như sau:
Thứ nhất, người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi người đó chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thứ hai, giấy phép lái xe đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng.
Theo đó, trường hợp Dự thảo Thông tư nêu trên được thông qua thì người vi phạm giao thông mà hết thời hạn bị tước giấy phép lái xe nhưng không đến nhận sẽ không cấp lại giấy phép lái xe nữa.
Bỏ môn nghiệp vụ vận tải
Hiện nay, tại điểm b điểm c khoản 4 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định việc cấp giấy phép lái xe hạng B1 cho người không hành nghề lái xe và hạng B2 cho người hành nghề lái xe.
Đồng thời, tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT và các văn bản sửa đổi hướng dẫn chi tiết Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng có nêu rõ nội dung chương trình học lái xe từ hạng B2 trở lên có nội dung học về nghiệp vụ vận tải.
Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 (có hiệu lực thi hành từ 01/1/2025) có quy định hạng giấy phép lái xe để điều khiển xe tải bao gồm 2 hạng là C1 và C (hạng C phải được đào tạo bằng hình thức nâng hạng) và không quy định cấp GPLX cho người hành nghề lái xe hay không hành nghề lái xe.
Theo đó, hạng giấy phép lái xe để điều khiển xe ô tô tải gồm 2 hạng C1 và C (hạng C phải được đào tạo bằng hình thức nâng hạng) và không quy định cấp giấy phép lái xe cho người hành nghề lái xe hay không hành nghề lái xe.
Chính vì thế, để phù hợp với quy định hiện hành Cục Đường bộ Việt Nam kính đã đề xuất Bộ GTVT xem xét bỏ nội dung học về nghiệp vụ vận tải và thời gian đào tạo hạng B và hạng C1 với thời gian dưới 2 tháng.
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/cac-truong-hop-khong-duoc-cap-lai-giay-phep-lai-xe-theo-de-xuat-moi-a209950.html