Mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 đã gây ra ngập lụt, nhiều khu vực tại Thái Nguyên đã bị ngập sâu. Mực nước sông Cầu dâng cao gây ngập úng các khu vực tại Thái Nguyên, nhiều nơi bị chia cắt. Nước lũ dâng bất ngờ ở Thái Nguyên khiến ai nấy không kịp trở tay, bất lực nhìn dòng nước nhấn chìm tất cả.
Bị mắc kẹt giữa mênh mông biển nước, cả gia đình không thể xoay xở, không đồ ăn, không nước uống trong nhiều giờ đồng hồ nên nhiều người dân đã đăng tải lời cầu cứu lên mạng xã hội kèm theo số điện thoại để mong muốn nhận được sự giúp đỡ, có thể đến nơi tránh trú an toàn chờ lũ rút.
Bên cạnh việc mong muốn nhận hỗ trợ về lương thực thì phần lớn người dân đều đăng tải bài viết tìm những xuồng cứu sinh, phao, thuyền giải cứu người thân đang gặp nguy hiểm do ngập cao, không thể tự di tản.
Đáp lại, nhiều cá nhân, tổ chức, nhóm... đã đăng tải thông tin liên lạc, đề nghị người gặp nạn gọi điện trực tiếp để thông báo vị trí, từ đó có thể di chuyển phương tiện đến ứng cứu. Tuy nhiên, do nhiều địa điểm ngập sâu cộng thêm nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao nên việc cứu hộ dường như quá tải. Bên cạnh đó, một số tập thể, cá nhân tại các địa phương khác cũng đang chuẩn bị phương tiện để hỗ trợ thực phẩm, đồ dùng cùng nhân lực chuyển lên Thái Nguyên để giúp đỡ người dân tại đây.
Chia sẻ trên báo Thanh niên, bà Tạ Thị Nhàn (45 tuổi, ở TP.Thái Nguyên) cho biết, bà vừa đi nhờ chiếc xuồng nhỏ của một người hàng xóm đến khu vực an toàn, còn chồng vẫn mắc kẹt ở nhà. Ở phòng khách nhà bà Nhàn, nước dâng đến tận cổ, cả gia đình phải tìm cách thoát ra ngoài.
"Đến giờ vẫn chưa được ai vào hỗ trợ đưa chồng ra ngoài nên tôi đăng lên mạng để mọi người. Nước lên ầm ầm, giờ không biết còn ai được vào trong nhà nữa không. Chiếc xuồng bé tí nên tôi và con ra ngoài trước, tôi tưởng tôi chết trong hôm nay, giờ nước nhấn chìm tất cả, trở tay không kịp", bà Nhàn chia sẻ.
Trong khi đó, bà Dương Thị Hồng (53 tuổi, ở TP.Thái Nguyên) cho biết, gia đình đang ở trong vùng ngập lụt. Nước lên tận mái nhà, chảy xiết mạnh, lợn gà nuôi chìm trong biển nước. Gia đình có 7 người lớn và hai con nhỏ gọi đơn vị hỗ trợ cứu hộ nhưng vẫn chưa được tiếp nhận.
Sau khi ở trên mái nhà khoảng 1 giờ đồng hồ sau đó chạy sang nhà cao tầng của hàng xóm được xây dựng kiên cố.
"Từ 11h tôi phải lên mái tôn vì nhà ngập hết, không kịp chuyển bất kỳ đồ đạc nào, chìm trong nước. Lợn bơi trong nước, gà chết, nhìn tài sản chìm trong biển nước mà chỉ biết chấp nhận không còn cách nào khác. Ăn xong bữa trưa nước từ đâu dâng lên, không nghĩ nhanh như vậy. Nước lên ầm ầm, tủ lạnh lúc đầu kê cao lên một chút, sau 3 lần kê vì nước cao giờ chìm hẳn trong nước", bà Hồng cho biết.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nam, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.Thái Nguyên cho biết, 22 phường, xã trên địa bàn thành phố bị ngập nên chính quyền đã huy động toàn bộ nguồn lực, các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn để hỗ trợ người dân. Theo đó, địa phương đã huy động các đơn vị chủ lực có các xe chuyên dụng, ca nô đến các hộ dân đang bị mắc kẹt đưa họ đến nơi an toàn.
"Đến thời điểm hiện tại toàn thành phố có 132 xóm, tổ dân phố bị ngập, 15 xóm bị cô lập hoàn toàn và 3.329 hộ dân nước dâng vào nhà cửa, khoảng 700 hộ dân buộc phải di dời", ông Nam nói.
Theo ông Nam, sau khi nhận được dự báo về tình hình nước lũ trên sông Cầu dâng cao, diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP.Thái Nguyên đã có văn bản khuyến cáo người dân chủ động sẵn sàng di dời đến những nơi an toàn. Chính quyền cũng có những biện pháp di dời những hộ dân ở vùng trũng thấp đến nơi kiên cố.
Cũng theo ông Nam, địa phương cũng nhận được sự giúp đỡ của các đơn vị cũng như các hội nhóm, CLB từ thiện hỗ trợ nước uống, thức ăn cho người dân trên địa bàn toàn thành phố.
"Chúng tôi khuyến cáo người dân thật bình tĩnh bám trụ và đợi mọi người đến cứu trợ. Tuy nhiên, có những hộ dân bị cô lập hoàn toàn, nước chảy rất xiết nên lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận. Chính quyền cũng thiết lập hệ thống đường dây nóng, số điện thoại của cơ quan chức năng để giải đáp, hỗ trợ người dân trong tình thế này", ông Nam cho hay.
Báo dẫn thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Nguyên cho biết trên sông Cầu, lũ đang lên nhanh và diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ và vận hành một số hồ chứa ở phía thượng lưu.
Các trạm thủy văn Gia Bẩy và trạm thủy văn Chã, Đài Khí tượng thông tin lũ đang tiếp tục có xu thế tăng.
Tại Trạm thủy văn Gia Bẩy, mực nước lũ lúc 13h đạt mức 2.850cm, cao hơn 150cm so với Báo động cấp III và cao hơn 36cm so với trận lũ lịch sử xảy ra vào ngày 2/7/1959, hiện đang tiếp tục có xu thế tăng chậm.
Tại trạm thủy văn Chã lúc 13h là 854cm, cao hơn 54cm so với báo động cấp I và tiếp tục có xu thế tăng. Nhà chức trách cảnh báo 6-12 giờ tới, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên chậm dần và có khả năng đạt đỉnh.
"Đây là trận lũ có diễn biến rất phức tạp do ảnh hưởng từ mưa lớn cục bộ và vận hành điều tiết các hồ phía thượng lưu, do vậy làm gia tăng mức độ ngập lụt ven sông kéo dài, có nguy cơ sạt lở bờ sông, đê bao, gây ngập úng vùng trũng thấp, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven các sông, suối và những điểm xung yếu như bờ ta luy cao, bãi thải", Đài Khí tượng thủy văn Thái Nguyên cảnh báo và đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai do lũ lên cấp 3.
Trước diễn biến lũ lụt phức tạp, danh sách số điện thoại cứu hộ tại các địa phương tại tỉnh Thái Nguyên cũng được chia sẻ và cập nhật liên tục trên mạng xã hội để kịp thời hỗ trợ người dân đang bị nước lũ cô lập cần sự giúp đỡ.
Số điện thoại đường dây nóng phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn tỉnh Thái Nguyên: 02083737113.
UBND huyện Đồng Hỷ: 0979705747
UBND TP. Phổ Yên: 0915210808
UBND huyện Phú Bình: 0915548858
UBND huyện Phú Lương: 0989864002
UBND huyện Võ Nhai: 0914748858
UBND TP. Sông Công:0912700905
UBND huyện Định Hóa: 0912708957
UBND TP. Thái Nguyên: 0974228333
UBND huyện Đại Từ: 0977904777
Người dân lưu ý khi có tình huống xấu cần liên hệ vào số điện thoại đường dây nóng để được ứng cứu kịp thời!
Theo Cổng thông tin điện tử TP.Thái Nguyên