Làn khẩn cấp hay làn dừng xe khẩn cấp là làn đường ngoài cùng bên phải trên cao tốc. Làn đường này sẽ chạy dọc theo toàn bộ chiều dài của tuyến đường cao tốc.
Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc QCVN 115:2024/BGTVT, thì làn dừng xe khẩn cấp là làn được thiết kế để làm nơi dừng đỗ tạm thời của các phương tiện gặp sự cố, để các phương tiện cứu hộ, cứu nạn hoạt động; các phương tiện khác không được chạy xe và không tự ý dừng xe ở làn dừng xe khẩn cấp, trừ xe ưu tiên.
Làn dừng xe khẩn cấp đối với đường có tốc độ thiết kế 120km/giờ và cấp 100km/giờ có chiều rộng tối thiểu 3m, đường có tốc độ thiết kế 80km/giờ làn dừng xe khẩn cấp tối thiểu là 2,50m.
Phần đường dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc thường xuất hiện dưới 2 dạng là làn khẩn cấp cứng và làn khẩn cấp mềm, trong đó làn khẩn cấp cứng được trải nhựa hoặc bêtông giống với mặt đường chính. Còn làn khẩn cấp mềm thông thường chỉ là phần đường bằng đất hoặc sỏi đá…
Có thể phân biệt với các làn đường chính bằng một vạch sơn liền màu trắng phản quang (khác với các vạch đứt phân tách các làn đường chính với nhau). Ngoài ra, các miếng mắt mèo cũng được đặt trên vạch trắng này như là một dấu hiệu nhận biết.
Theo điểm c, khoản 1, Điều 26 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người điều khiển phương tiện không được phép chạy ở làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc.
Tài xế chỉ được sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp như: Xe bị hỏng hóc, xe gặp trục trặc như hết xăng, chết máy, thay lốp; Tài xế gặp vấn đề về sức khỏe; Tai nạn giao thông và các trường hợp khẩn cấp khác.
Ngoài ra, các loại xe ưu tiên như xe cấp cứu, cứu hỏa, xe cảnh sát, quân sự được phép di chuyển trên làn đường này trong các trường hợp khẩn cấp.
Như vậy, nếu như tài xế không thuộc các trường hợp trên thì không được phép đi vào làn dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc, kể cả trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông.
Căn cứ theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ thì mức phạt đối với trường hợp điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc là từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng căn cứ theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/truong-hop-tai-xe-duoc-phep-di-vao-lan-khan-cap-tren-cao-toc-a210417.html