Tình huống bất ngờ trước cổng công viên giải trí khiến hàng ngàn phụ huynh tranh luận: Có thể nghèo tiền bạc nhưng đừng nghèo tự trọng

Muốn con thành tài, làm cha mẹ nhất định phải làm gương, không phung phí nhưng cũng biết rộng lượng đúng cách.

Gần đây, trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện câu chuyện gây chú ý. Một người kể:

"Một thời gian trước, tôi đưa con gái đi chơi, cả chuyến đi khá vui vẻ. Nhưng một cảnh tượng xảy ra ngay tại cổng công viên đã khiến tôi chú tâm. Rốt cuộc là chuyện gì khiến một cô bé công khai la mắng mẹ "nếu không có tiền thì đừng dẫn con ra ngoài chơi, thật là mất mặt".

Sự việc xảy ra như sau: Vé vào cổng công viên giải trí là 59 NDT (khoảng 200 ngàn đồng) cho một người, 99 NDT (khoảng 350 ngàn đồng) cho hai người và 139 NDT (gần 500 ngàn đồng) cho ba người. Trẻ em có chiều cao trên 1,2 mét cũng phải mua vé.

Một người mẹ dẫn theo hai đứa trẻ bị nhân viên tại quầy kiểm vé chặn lại, lý do là họ chỉ mua hai vé cho ba người và được yêu cầu mua thêm một vé nữa.

Khi nghe nói phải mua thêm vé, người mẹ liền hét lên: "Con tôi mới chỉ đi mẫu giáo, làm sao đã 1,2 mét được? Tại sao phải mua thêm vé?". Nhưng nhân viên đã đưa đứa trẻ đến chỗ đo, và chiều cao của bé đã đạt 1,23 mét, quả thực cần phải mua vé.

Tình huống bất ngờ trước cổng công viên giải trí khiến hàng ngàn phụ huynh tranh luận: Có thể nghèo tiền bạc nhưng đừng nghèo tự trọng- Ảnh 1.

Lúc này, người mẹ la hét, nói rằng nếu họ không vào được thì nhân viên sẽ phải chịu trách nhiệm chăm sóc con cô ta.

Con gái lớn đứng cạnh khuyên mẹ: "Em gái đã vượt qua 1,2 mét rồi, chúng ta hãy mua thêm một vé đi mà!". "Thêm vé gì chứ, mua thêm vé không phải không tốn tiền sao!" người mẹ hét vào mặt con.

Bấy giờ, mọi người xung quanh đều khuyên người mẹ trời nóng như thế này, đừng tranh cãi nữa, mau đi mua thêm một vé và dẫn các con vào chơi nhưng chị cứng đầu không chịu. Lúc này có lẽ đứa con gái lớn không nhịn được, quay lại mua một vé. Kết quả, người mẹ đã mắng nhiếc con và nói rằng dù mua vé cô cũng không vào.

Con liên tục thuyết phục mẹ, và mọi người xung quanh cũng khuyên mau vào trong, nếu không thì những trò chơi sẽ không chơi hết được, vé chỉ có giá trị trong ngày, nếu không sử dụng sẽ bị hủy.

Cuối cùng, người mẹ miễn cưỡng vào. Sau đó, tại khu vực đường trượt cầu vồng, chúng tôi lại gặp ba mẹ con họ, cô con gái lớn và người mẹ dường như không có tâm trạng chơi đùa nữa, chỉ có đứa con gái nhỏ vẫn còn đang đi mẫu giáo, chơi rất vui vẻ.

Trong lúc đứng xếp hàng, con gái lớn của người phụ nữ đã nói một câu với mẹ mình, khiến tôi ấn tượng sâu sắc. Cô bé nói: "Nếu không có tiền thì đừng dẫn con ra ngoài chơi, thật là mất mặt!".

Người mẹ nghe xong đã đẩy nhẹ con gái, sau đó trách móc con không thông cảm cho mẹ, và ngay lúc đó tính toán cho cô nghe: Hai người vào có 99 đồng, ba người vào là 139 đồng, khoản chênh lệch 40 là tiền ăn một ngày của cả nhà.

Thực sự, trong bối cảnh kinh tế suy thoái, việc nuôi hai đứa trẻ quả thực không dễ dàng! Từ góc độ tiết kiệm, nhiều người rất hiểu cảm giác của người mẹ này, thậm chí cảm thấy hơi xót xa. Nhưng cách xử lý của cô khiến tôi không thể đồng tình. Nếu muốn tiết kiệm, cô ấy không cần phải đưa các con đến đây, bởi vì trẻ em vẫn có thể chơi vui vẻ tại các công viên công cộng miễn phí. Nghèo không phải là cái cớ để được ưu đãi, và cũng không phải lý do để khi không chiếm được lợi thế thì làm ầm ĩ.

Hơn nữa, việc tranh cãi với nhân viên ngay trước mặt hai đứa con có phải là cách dạy bảo trẻ không? Trẻ em cũng có lòng tự trọng, chúng sẽ cảm nhận như thế nào khi thấy mẹ mình tranh cãi với người khác vì vài chục tệ vé vào cổng?

Khi tôi còn nhỏ, gia đình rất nghèo, mẹ cũng rất tiết kiệm, nhưng nếu đưa tôi đi chơi, những khoản cần chi trả đều sẽ trả. Tôi lúc nhỏ cao lớn, khi mọi đứa trẻ cùng trang lứa đi xe không cần vé, tôi đã phải mua vé. Lúc đó, có người thân nói mẹ tôi ngốc, không linh hoạt, khi người ta đo chiều cao tôi chỉ cần hơi cúi người, co cổ lại một chút thì không cần phải mua vé.

Khi đó, tôi thấy những lời của người thân có lý, nhưng một lần thấy một đứa trẻ nhà khác làm thế và bị nhân viên bán vé bắt quả tang ngay sau đó, biểu hiện đỏ mặt tai và xấu hổ của chúng khiến tôi không bao giờ quên. Mỗi khi như vậy, tôi đặc biệt cảm thấy mẹ mình đã bảo vệ lòng tự trọng và niềm tự hào nhỏ bé của tôi.

Bây giờ tôi đã có con, dù đi đâu, những nơi cần mua vé, tôi đều sẽ mua cho con và bước vào một cách tự hào.

Cha mẹ ham lợi nhỏ, con chịu hậu quả lớn

Trước đó, bà mẹ ở Trung Quốc đã đăng hóa đơn đi ăn trên mạng, khoe dắt hai đứa con đi ăn lẩu ở một nhà hàng nổi tiếng nhưng chỉ mất 10 tệ (khoảng 35 ngàn đồng). Tuy nhiên, thay vì được khen ngợi vì tiết kiệm, cô lại nhận "gạch đá" bởi cách dạy con khôn lỏi.

Cụ thể, khi đưa cô con gái 5 tuổi đến nhà hàng lẩu, cô chỉ gọi một quả trứng sống với giá 10 nhân dân tệ. Ngoài ra, họ lấy hai phần nước trắng và không gọi thêm bất cứ thứ gì khác.

Sau khi người phục vụ rời đi, người mẹ này đến khu vực lấy gia vị và rất nhiều rau cùng đồ ăn nhẹ và 1 phần mì được cung cấp miễn phí cho trẻ em. Tiếp đó, chị lấy nước sốt thịt bò trong khu vực gia vị đổ lên trên mì. Rắc thêm ít hành khô, ngò rí để có được 1 tô mì bò lớn.

Bà mẹ cho cà chua vào nồi nước trắng, sau đó đập trứng sống, bật lửa, một lúc sau, một nồi canh trứng cà chua đã sẵn sàng. Bằng cách này, hai mẹ con chỉ tốn 10 nhân dân tệ để ăn một bữa lẩu no nê, nhân tiện còn được làm móng tay miễn phí. Cô vô cùng tự hào vì đã tiết kiệm được một khoản lớn.

Trên thực tế, hành động của bà mẹ bị "ném đá" cũng không có gì khó hiểu. Khuôn mẫu và tầm nhìn của cha mẹ sẽ có tác động nhất định đến đứa trẻ sau này. Nhà xã hội học Bandura cho rằng hành vi xã hội của trẻ em chủ yếu được thực hiện bằng cách quan sát và bắt chước hành vi của những nhân vật quan trọng trong cuộc sống thực. Và cha mẹ là đối tượng chúng bắt chước trực tiếp nhất trong quá trình lớn lên.

Hành động lợi dụng của bà mẹ trên mới nhìn thì thấy có chút lợi lộc nhưng thực chất là "mất nhiều hơn được".

1. "Nhỏ trộm kim, già trộm vàng"

Người ta nói "nhỏ trộm kim, già trộm vàng", nếu như cha mẹ thường bắt con cái lấy chút lợi nhỏ, trẻ sẽ học cách lợi dụng và sẽ trở nên ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình trong mọi việc mà không màng đến cảm nhận của người khác. Nếu cố tình lợi dụng mà không kiểm soát được bản thân thì sau này trẻ rất dễ phạm tội.

2. Bị cô lập và không có bạn bè

Những đứa trẻ chỉ biết đến bản thân mình và chực chờ lợi dụng người khác, khi lớn lên có thể bị cô lập và không có bạn bè. Rõ ràng, không ai thích ở bên một người hẹp hòi và không biết chia sẻ với người khác, chỉ biết nhận về mà không muốn cho đi. Nếu không có các mối quan hệ giữa các cá nhân bình thường, sự nghiệp của đứa trẻ sẽ không thể phát triển thuận lợi, cuộc sống cũng vô cùng buồn tẻ và cô đơn.

3. Chỉ quan tâm đến lợi ích nhỏ nhặt, không có tầm nhìn

Một đứa trẻ phát triển thói quen xấu lợi dụng người khác sẽ có tác động cực kỳ xấu đến tầm nhìn sau này. Khi đối mặt với một vấn đề, trẻ bỏ qua tình hình chung và chỉ nhìn thấy những lợi nhuận nhỏ trước mắt, từ đó cũng gián tiếp loại đi những cơ hội lớn trong tương lai.

Tiết kiệm là một đức tính tốt nhưng phải sử dụng đúng hướng, nếu không sẽ trở thành thói hư tật xấu. Muốn con thành tài, làm cha mẹ nhất định phải làm gương, không phung phí nhưng cũng biết rộng lượng đúng cách. Ngoài ra, cũng cần cố ý trau dồi cái nhìn tổng thể của trẻ, để trẻ không chỉ nhìn bề ngoài mà phải biết nhìn xa trông rộng, không bị một số lợi nhuận vụn vặt làm mờ mắt.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/tinh-huong-bat-ngo-truoc-cong-cong-vien-giai-tri-khien-hang-ngan-phu-huynh-tranh-luan-co-the-ngheo-tien-bac-nhung-dung-ngheo-tu-trong-a210641.html