Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đã một lần nữa gặp và bắt tay nhau, nhưng lần này là bên ngoài sân khấu của cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Vài giờ sau cuộc đụng độ gay gắt trên truyền hình, tạm gác lại chính trị, hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa được nhìn thấy đứng gần nhau và gần đương kim Tổng thống Joe Biden tại lễ tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9 ở New York.
Màn thể hiện sự đoàn kết trang trọng này hoàn toàn trái ngược với buổi tối hôm trước (ngày 10/9 – giờ địa phương), khi Phó Tổng thống Đảng Dân chủ dồn cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa vào thế phòng thủ trong một cuộc "đấu khẩu" gay gắt trên truyền hình.
Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy bà Harris có vẻ thắng thế trong cuộc tranh luận nhưng ẩn số của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ có thể có lời giải vào ngày 5/11, tức còn gần 8 tuần nữa.
"Cử chỉ đoàn kết"
Trước buổi lễ, ông Trump đã lên tiếng tuyên bố – mà không có bằng chứng – trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng cuộc tranh luận trên Đài ABC News ở Philadelphia đã bị "gian lận" chống lại ông, ám chỉ việc 2 người điều phối của đài này đã trực tiếp sửa một số tuyên bố của ông trong cuộc tranh luận.
Chủ tịch Hội nghị đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ Elise Stefanik hôm 10/9 cũng lên tiếng bênh vực ông Trump. "Những người điều phối chương trình của ABC không phải là nhà báo, họ là những nhà hoạt động ủng hộ bà Kamala, họ đã tấn công ông Trump một cách vô căn cứ dẫn đến cuộc tranh luận 3 đấu 1", tờ New York Times dẫn lời bà Stefanik nói.
"Ông Trump đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ về nước Mỹ trên hết trực tiếp tới người dân Mỹ, tập trung vào việc kiềm chế lạm phát và củng cố nền kinh tế, bảo vệ biên giới và hòa bình thông qua chính sách đối ngoại mạnh mẽ", nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa nói thêm.
Theo số liệu sơ bộ từ công ty xếp hạng Nielsen, cuộc tranh luận Trump-Harris đã được 57,5 triệu người Mỹ theo dõi — nhiều hơn so với 51,3 triệu người đã theo dõi màn trình diễn thảm họa hồi tháng 6 đã buộc Tổng thống Biden phải rời khỏi cuộc đua.
Ông Trump dường như đang phân vân về lời kêu gọi từ chiến dịch của Harris về cuộc tranh luận thứ hai. Ban đầu, ông nói trên mạng xã hội rằng "Tại sao tôi lại phải tái đấu?" nhưng sau đó nói rằng ông sẽ sẵn sàng cho 2 cuộc tranh luận nữa.
Khi ông Trump và bà Harris một lần nữa chạm trán tại đài tưởng niệm Ground Zero, hai đối thủ vẫn giữ thái độ thù địch, mặc dù mở màn cuộc gặp vẫn là một cái bắt tay. Cuộc gặp gỡ phi thường cũng có sự tham gia của Tổng thống sắp mãn nhiệm.
Ông Biden đã chứng kiến bà Harris và ông Trump bắt tay nhau lần thứ hai chỉ trong vòng vài giờ, với lần đầu tiên chào hỏi như vậy khi bắt đầu cuộc tranh luận, trong một động thái bất ngờ do bà Harris khởi xướng.
Khi cùng bà Harris đến một địa điểm ở Pennsylvania, nơi một chiếc máy bay bị cướp đã rơi vào ngày 11/9/2001, ông Biden đã đội một chiếc mũ đỏ có dòng chữ "Trump 2024" do một lính cứu hỏa ủng hộ ông Trump tặng cho ông. Hình ảnh này đã lan truyền rộng rãi, nhưng Nhà Trắng cho biết đó là một "cử chỉ đoàn kết".
Cử tri dao động
Sự trang nghiêm tại lễ tưởng niệm khác hẳn với bầu không khí của cuộc tranh luận trước đó. Cả hai ứng cử viên đều tuyên bố chiến thắng, nhưng cựu công tố viên Harris là người đã "giáng đòn" vào các vấn đề bao gồm phá thai và nhiều lần "dụ" ông Trump đưa ra những lời bình luận tức giận về những bất bình trong quá khứ.
Một cuộc thăm dò ý kiến đột xuất của Đài CNN cho biết, bà Harris thể hiện tốt hơn ông Trump, với tỉ lệ 63% so với 37%, trong khi một cuộc thăm dò của YouGov cho biết bà Harris đã vạch ra một kế hoạch rõ ràng hơn, với tỉ lệ 43% so với 32%.
Giới truyền thông và các nhà bình luận Mỹ đều đồng ý rằng ứng cử viên Đảng dân chủ đã thắng thế, nhưng điều này có thể không tạo ra thay đổi lớn ở một đất nước nơi cử tri bị phân cực sâu sắc và cố hữu.
"Tôi nghĩ bà Harris đã làm tốt… và đã mang lại cho chúng ta hy vọng", bà Tanya James, một giáo viên đã nghỉ hưu đến từ Texas, cho biết bên ngoài Nhà Trắng hôm 10/9. Tuy nhiên, ông Ikaika Juliano, một nhạc sĩ đến từ Florida, lại cho rằng ứng cử viên của Đảng Dân chủ "là giả tạo".
Trong khi đó, bà Harris đã nhận được sự ủng hộ đặc biệt từ siêu sao nhạc pop Taylor Swift chỉ vài phút sau khi cuộc tranh luận kết thúc. Ông Trump cho biết, Swift "có thể sẽ phải trả giá cho điều này trên thị trường".
Tờ Washington Post hôm 10/9 đã hỏi một nhóm cử tri ở các tiểu bang dao động (swing state) xem họ nghĩ ai đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận.
"Tôi không nghĩ ông Trump đã ở trạng thái tốt nhất – quá lan man. Ông ấy sẽ tốt làm hơn nếu ông ấy giữ bình tĩnh và cố gắng trả lời các câu hỏi một cách có chủ đích hơn. Bà Harris đã thể hiện rất tốt. Không rõ lời nói của bà ấy có thực sự đứng vững khi bị xem xét kỹ lưỡng hay không, nhưng bà ấy có vẻ tự tin và đã đưa ra những đòn tấn công sắc bén, hiệu quả nhằm vào ông Trump", một cử tri cho biết.
"Bà Harris biết phải nói gì vào lúc này khiến ông Trump khó chịu", cử tri này nói, trong khi một cử tri khác cho rằng, "ông Trump đang phòng thủ. Bà Harris đã bám sát quan điểm của mình, mạch lạc và thẳng thắn mà nói, chuyên nghiệp hơn tôi từng thấy. Ông Trump đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội".
"Bà Harris đã chuẩn bị và sẵn sàng đối phó với ông Trump. Bà ấy đã trả lời tốt các câu hỏi và tận dụng cơ hội này để chứng minh tại sao bà ấy là ứng cử viên tốt hơn", một cử tri nữa cho biết.
Ông Ron Gregrich, một giáo viên đã nghỉ hưu, lại tin rằng ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận. Ông Gregrich nói, bà Harris "trông quyến rũ" với đầy biểu cảm trên khuôn mặt, trong khi ông Trump "trông buồn bã".
Cử tri này tin rằng cựu Tổng thống đã thắng về các điểm chính sách, nhưng không phải về mặt hình ảnh. "Nếu mọi người chỉ đọc bản text của cuộc tranh luận, thì ông Trump thắng".
Tương phản rõ ràng
Một trong những cuộc thảo luận chính sách gay gắt nhất diễn ra khi ông Trump và bà Harris xung đột về cách họ sẽ xử lý các cuộc xung đột đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông. Phản ứng của hai ứng cử viên Tổng thống cho thấy mức độ khác biệt cơ bản trong quan điểm của họ về vai trò của Mỹ trên thế giới.
Ông Trump từ chối nói rằng ông muốn Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến, ngay cả khi người dẫn chương trình của ABC News David Muir thúc đẩy ông đi vào vấn đề này. Thực tế, cựu Tổng thống chỉ nói rằng ông muốn kết thúc cuộc xung đột càng sớm càng tốt.
Bà Harris phản pháo, lập luận rằng điều ông Trump thực sự muốn là sự đầu hàng nhanh chóng và vô điều kiện của Ukraine.
Tương tự, về vấn đề Gaza và cách thuyết phục Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn, cả hai ứng cử viên đều từ chối bình luận. Bà Harris né tránh câu hỏi, chỉ đưa ra một số lời chỉ trích nhẹ nhàng về phản ứng của Israel, trước khi cam kết ủng hộ giải pháp hai nhà nước, quyền tự vệ của Israel và cam kết tái thiết Gaza.
Nhìn về tổng thể, các chuyên gia chính trị tại Đại học Northeastern cho biết họ nhận thấy sự tương phản rõ ràng về phong cách, chính sách và tầm nhìn khi 2 ứng cử viên phát biểu.
"Bà Harris rõ ràng đang cố gắng truyền tải thẩm quyền, sự nghiêm túc và sự trưởng thành – và tôi nghĩ bà ấy đã làm điều đó khá tốt", bà Martha Johnson, Phó Giáo sư nghiên cứu về chính phủ tại Đại học Northeastern, một đại học tư thục nghiên cứu hàng đầu ở Boston, Massachusetts, cho biết.
Ông Nick Beauchamp, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northeastern, người duy trì một công cụ theo dõi bầu cử, tin rằng chiến lược của Phó Tổng thống dường như có hai mặt. "Đầu tiên, để phân biệt mình với ông Trump, và thứ hai, để dụ dỗ và chọc giận ông ấy nhằm kích động những lời chỉ trích", ông Beauchamp cho biết.
Điều thú vị trong màn tranh luận là, theo bà Johnson, sự khác biệt giới tính đã được khéo léo giải quyết. "Màn hình chia đôi và góc quay của máy quay có lợi cho bà Harris", bà Johnson nhận xét.
"Bà ấy là một phụ nữ thấp bé, còn ông Trump thì khá cao. Trong chính trị, chiều cao thường rất quan trọng. Với màn hình chia đôi, họ dường như có cùng chiều cao và thể trạng, làm tăng thêm sự nghiêm túc của bà ấy", vị chuyên gia nói.
Ông Beauchamp cho rằng Phó Tổng thống đã chuẩn bị một loạt các chủ đề mà bà ấy biết là "nhạy cảm" đối với ông Trump, và tiếp tục đưa ra những lời chế giễu này ngay cả khi chúng không phải là trọng tâm trong mối quan tâm của khán giả. "Bởi vì chúng kích động ông Trump thể hiện sự tức giận của mình", ông Beauchamp giải thích.
Dù gì đi chăng nữa, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao cho đến chặng cuối cùng. Bà Harris sẽ đến Bắc Carolina trong ngày 12/9 và ông Trump sẽ lên sân khấu ở Arizona – 2 trong số 6 tiểu bang dao động (swing state) được cho là có khả năng ảnh hưởng lớn đến kết quả bầu cử.
Minh Đức (Theo Malay Mail, Hindustan Times, Euractiv)
Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/dieu-bat-ngo-ben-ngoai-san-khau-tranh-luan-giua-ong-trump-va-ba-harris-a210703.html