Rửa bát là công việc chúng ta vẫn làm hàng ngày. Ai cũng nghĩ rửa bát là dễ nhưng thực ra xoay quanh việc này cũng có nhiều kiến thức cần nắm được. Nếu không, nó không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm sạch mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây bệnh.
Vi khuẩn tăng hơn 480.000 lần nếu ngâm bát đĩa qua đêm
Rửa bát là công việc khó chịu với nhiều người. Sau khi ăn xong, chúng ta thường ngâm bát đĩa đã qua sử dụng vào nước để rửa sau đó. Đây là một sai lầm nghiêm trọng.
Một nhóm nghiên cứu về an toàn thực phẩm của Đại học Tokyo (Nhật Bản) mới đây công bố nghiên cứu cho thấy, ngâm bát đũa vào nước sau khi sử dụng, không rửa ngay sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển của vi khuẩn.
Khi ngâm trong nước hơn 10 tiếng, số lượng vi khuẩn sẽ tăng từ 60-80 vi khuẩn lên 29 triệu con, hơn 480.000 lần so với việc rửa ngay. Ngay cả khi dùng chất tẩy rửa hay máy rửa bát thì cũng khó có thể loại bỏ hết vi khuẩn. Vì vậy, cách an toàn nhất là rửa ngay sau khi ăn để giảm sự phát triển của vi khuẩn.
Mẹo rửa bát đũa tránh ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và sức khỏe gia đình
Để tránh ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và sức khỏe, rửa bát đũa ngay sau khi dùng xong rất quan trọng. Nếu muốn đạt được kết quả tốt nhất, đầu tiên bạn phải dùng khăn lau sạch đồ ăn còn sót lại trên bát đũa. Điều này giúp hạn chế tình trạng thức ăn còn bám lại sau khi rửa, cũng như tránh tắc nghẽn đường ống nước.
Sau đó, bạn chuẩn bị một bát nước ấm, cho lượng nước rửa bát thích hợp vào pha loãng. So với việc cho nước rửa bát trực tiếp vào miếng bọt biển thì điều này hạn chế tình trạng gây lãng phí. Ngoài ra, quá nhiều bọt cũng sẽ kéo dài thời gian làm sạch xà phòng trên bát đũa, có khi gây phản tác dụng.
Ngoài ra, thứ tự làm sạch cũng quan trọng không kém. Bạn nên bắt đầu với những đồ vật không có vết dầu, mỡ, làm sạch dần từng bộ đồ ăn, bát đĩa, dụng cụ đựng thịt sống... Cụ thể như sau:
1. Làm sạch đồ dùng không có vết dầu
Rửa bát đĩa cũng như dụng cụ nhà bếp trước có thể tránh bị nhiễm dầu mỡ, gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm sạch.
2. Làm sạch đũa và bộ đồ ăn
Làm sạch bằng miếng bọt biển có thể làm giảm hao mòn. Không nên làm sạch bằng miếng cọ rửa vì có thể dễ dàng làm hỏng bề mặt và vật liệu bảo vệ, hút nhiều bụi bẩn, chất tẩy rửa vào sâu hơn, khiến việc làm sạch trở nên khó khăn hơn.
3. Rửa bát
Sử dụng miếng bọt biển để làm sạch mà không làm trầy xước bề mặt và ảnh hưởng đến vẻ ngoài.
4. Rửa sạch hộp đựng thịt sống
5. Rửa sạch nồi, chảo
Đối với "dụng cụ nhà bếp dễ lau chùi", bạn không nên dùng miếng cọ rửa. Lớp sơn phủ sẽ bong ra và ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi sử dụng.
6. Tráng sạch với nước từng cái một
Rửa sạch bụi bẩn và chất tẩy rửa còn sót lại trên mỗi bát đũa, dụng cụ nấu ăn bạn vừa sửa dụng.
7. Rửa kỹ bằng nước sôi
Để đạt được hiệu quả khử trùng, giúp khử trùng và làm khô nhanh, bạn nên tráng lại một lần nữa bằng nước sôi sau khi rửa bát xong.
8. Để khô hoặc lau khô
Cho vào rây để khô tự nhiên hoặc thấm khô bằng giấy ăn. Không nên lau khô bằng vải vì các sợi và vi khuẩn trong đó sẽ bám lại vào bát đĩa.
9. Đặt trong tủ kín
Sau khi bộ đồ ăn khô hoàn toàn, có thể đặt vào tủ cách nhiệt bộ đồ ăn hoặc tủ khô. Đậy kín để ngăn chặn sự lây lan của côn trùng và sự phát triển của vi khuẩn.
10. Vệ sinh và khử trùng thiết bị
Sau mỗi lần vệ sinh, hãy sử dụng chất tẩy rửa khử trùng để làm sạch khay rửa, giẻ lau và miếng bọt biển (cần thay thường xuyên). Điều này có tác dụng khử mùi hôi và ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc một cách hiệu quả.
(Ảnh minh họa: Internet)
(Nguồn: HK01, Health)