Giá thuê mặt bằng cao cấp ở TP.HCM vượt Seoul

Thống kê của Savills châu Á - Thái Bình Dương cho thấy giá thuê mặt bằng cao cấp tại trung tâm TP.HCM trong nửa đầu năm đạt 151 USD/m2, cao hơn 15 USD so với Seoul (Hàn Quốc).

Theo dữ liệu được công bố mới đây trong báo cáo Prime Benchmark của Savills châu Á - Thái Bình Dương, thị trường bất động sản bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, giá thuê trung bình các mặt bằng cao cấp tại khu vực trung tâm Hà Nội trong 6 tháng đầu năm đạt 96,4 USD/m2 (gần 2,4 triệu đồng/m2), trong khi TP.HCM ghi nhận mức 151 USD/m2 (3,7 triệu đồng/m2), đều tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, giá thuê mặt bằng tại TP.HCM cao hơn 15 USD/m2 so với trung tâm Seoul (Hàn Quốc), nơi giá thuê đã giảm hơn 7% so với cùng kỳ, chỉ còn 135,4 USD/m2 (3,3 triệu đồng/m2).

Dẫu vậy, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng chi phí thuê mặt bằng cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM vẫn giữ mức cạnh tranh so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

GIÁ THUÊ TRUNG BÌNH MẶT BẰNG CAO CẤP TẠI CÁC THÀNH PHỐ CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG
Dữ liệu: Báo cáo Prime Benchmark của Savills châu Á - Thái Bình Dương.
NhãnHong KongSingaporeThượng HảiTokyoQuảng ChâuBắc KinhOsakaKuala LumpurTP.HCMSeoulHà NộiJakarta

USD/m2 8054003533313122902261591511359658

Riêng tại TP.HCM, thống kê của Savills cho thấy tổng diện tích mặt bằng bán lẻ cho thuê hiện nay là khoảng 1,52 triệu m2 với tỷ lệ lấp đầy đạt mức 94%.

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao Bộ phận cho thuê bán lẻ Savills TP.HCM nhận định nguồn cung mặt bằng cao cấp hạn chế đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các dự án thương mại ở vị trí đắc địa. Đồng thời, tỷ giá đồng USD tăng góp phần làm tăng đáng kể giá thuê mặt bằng bằng đồng nội địa.

Nếu tính riêng giá thuê mặt bằng tầng trệt và tầng 1 tại các trung tâm thương mại (TTTM) ở khu vực trung tâm TP.HCM, bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết tính đến quý II/2024, giá thuê loại hình này đã lên đến gần 280 USD/m2/tháng, tức khoảng 7 triệu đồng/m2/tháng.

"Đây là thị trường duy nhất chứng kiến sự tăng trưởng liên tục về giá, so với 5 năm trước, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm đã tăng 60-70%", bà Dương Thuỳ Dung nhấn mạnh.

Trên thực tế, khảo sát của Tri Thức - Znews cũng cho thấy nguồn cung mặt bằng bán lẻ cao cấp tại TP.HCM khá hạn chế, trong khi các thương hiệu quốc tế khi vào Việt Nam đều muốn hiện diện tại đây. Điều này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu để giành được những vị trí đắc địa.

Mặc dù thời gian gần đây có một số trung tâm thương mại mới được khai trương, nhưng hầu hết đều nằm ở khu vực vùng ven. Gần nhất trong tháng 6 vừa qua, Vincom Retail cung cấp 48.000 m2 sàn bán lẻ tại Vincom Mega Mall Grand Park (TP Thủ Đức).

Còn tại Hà Nội, bà Đỗ Thị Thu Hằng dự báo giá thuê của phân khúc này trong thời gian tới khá tích cực, thậm chí có thể tăng giá do nguồn cung mới hạn chế. "Điều này đồng nghĩa với việc các dự án hiện hữu tại các vị trí đắc địa sẽ tiếp tục duy trì công suất cho thuê cao", bà Hằng nói.

Ngược lại, ở các thành phố khác trong khu vực, vị chuyên gia tại Savills cho rằng nguồn cung mặt bằng bán lẻ dồi dào đã tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, buộc các chủ sở hữu phải điều chỉnh giá thuê để thu hút khách hàng.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Link nội dung: https://doanhnhanasean.com/gia-thue-mat-bang-cao-cap-o-tphcm-vuot-seoul-a211020.html